Cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ là ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hay giữ nguyên như luật hiện hành - quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện- đã tạo thành hai luồng ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận sôi nổi chiều 26-5.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

NDĐT- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ là ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hay giữ nguyên như luật hiện hành - quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện- đã tạo thành hai luồng ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận sôi nổi chiều 26-5.

Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội, tại Điều 6 quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, trong đó có kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, Dự thảo cũng đang để ngỏ với việc đưa thêm một phương án là giữ nguyên luật hiện hành, quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và không quy định chuyển tiếp tại khoản 5 Điều 76.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Về vấn đề này do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hai phương án. Phương án 1: Giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Phương án 2: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Thảo luận về việc Dự án Luật, luồng ý kiến ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ do loại hình này đã biến tướng, đã gây bức xúc, nhức nhối cho xã hội, để lại hệ lụy lớn. Với quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ.

Ngược lại là luồng ý kiến không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng cả ý kiến đồng tình cấm và không đồng tình đều có những lý lẽ rất thuyết phục, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án, nhưng không bày tỏ quan điểm chọn phương án nào. Theo đại biểu, thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ.

Theo đại biểu, bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật còn quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác như trọng tài, xét xử, hòa giải …tại Tòa án,…nhưng thực tế thủ tục qua trọng tài tòa án mất rất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tịuc hành chính mà hiệu quả không cao. Chỉ thu được 36% các vụ xử, nếu tính trên tổng số vụ việc thì rất thấp, kể cả khi có bản án hiệu lực thì việc đôn đốc thi hành án cũng rất khó khăn…

Chính vì vậy, người dân tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả"- đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) cũng cho biết Chính phủ đã có Quy định rất sớm về dịch vụ kinh doanh đòi nợ, rất chặt chẽ, tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Nếu hoạt động được đúng như theo Nghị định này thì sẽ không có hệ lụy phức tạp, đặt ra vấn đề cấm. Tuy nhiên, sẽ không đòi được nợ.

Trên thực tế hoạt động này bị lạm dụng, biến tướng, làm ảnh hưởng đến an ninh – trật tự xã hội, thậm chí mang màu sắc xã hội đen. Trong khi đó, nếu làm đúng những quy định như trong Nghị định 104 của Chính phủ thì không đòi được nợ.

Theo ông, Luật sửa đổi lần này không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, tuy nhiên cần quan tâm rà soát việc sửa đổi các quy định để phát huy hiệu quả các biện pháp xử lý nợ khác. Cụ thể, quy trình xét xử cần rút gọn, tương tự quy trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tăng cường hiệu lực tổ chức thi hành án, sửa đổi bổ sung thông tư của Bộ Tài chính về xử lý nợ khó đòi, sớm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa sẽ thông qua tại Kỳ họp này…

“Vì tính chất nhạy cảm của ngành nghề này thì nên đổi tên thành ngành nghề kinh doanh thu hồi nợ” – đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) trong tranh luận của mình nêu quan điểm: Tôi đã phát biểu ủng hộ theo phương án 1, nhưng trưa nay, khi tham khảo tài liệu của Thư viện Quốc hội gửi đến thì tôi thấy là không nên cấm. Tôi ủng hộ phương án vẫn để kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ nằm trong Luật. Tuy nhiên phải đổi tên, vì theo khảo sát luật của các quốc gia như Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc, thì người ta dùng là dịch vụ kinh doanh thu hộ nợ.

Theo đại biểu, nên dừng cấp phép mới vì để hoạt động này theo đúng chuẩn mực để đem lại quyền lợi cho người cho vay cũng như người đi vay được thực thi một cách hợp pháp.

Đại biểu dẫn việc các nước quy định điều kiện thành lập cũng như quy định hoạt động của dịch vụ này hết sức chuẩn mực. Như Thái Lan quy định thời gian gọi điện cho khách nợ, như từ 8 giờ sáng đến 21 giờ, không được tiếp cận với hàng xóm của người nợ,…Đây là những chuẩn mực nhằm bảo vệ uy tín người đi vay, không để khi thực thi xảy ra những vấn đề an ninh – xã hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng: Việc thay đổi tên gọi chưa hẳn thay đổi được bản chất cũng như nội hàm của hoạt động đòi nợ thuê, nhất là khi hoạt động này biến tướng như hiện nay. Đại biểu bày tỏ đồng tình với việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: “Tôi rất quan ngại loại hình đòi nợ thuê này vì thời gian qua, đa số các loại hình đòi nợ thuê đều không lành mạnh, phần lớn công ty đòi nợ thuê đều cấu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ”…

Về việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư, vật liệu nổ khác (ngoài pháo nổ), các ngành thải hóa chất độc hại ra môi trường, bào thai…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh "bào thai" để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người” tại điểm đ khoản 1 Điều 6.

Đối với dịch vụ điều tra là một ngành trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam khác với điều tra hình sự là nhiệm vụ của cơ quan công an, tư pháp; theo quy định của Bộ luật Dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; một số hoạt động (như thải hóa chất độc hại ra môi trường, xâm phạm bí mật cá nhân, buôn lậu, kinh doanh hàng giả...) không phải là ngành, nghề kinh doanh mà là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự, dân sự.

LÊ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/44614602-cam-hay-khong-cam-kinh-doanh-dich-vu-doi-no.html