Cảm hứng
'Bạn Thống ơi, nhờ Báo Thừa Thiên Huế lên tiếng: Huy có biết cái cầu Kim Long (cầu Lợi Tế) trước khi làm mới vẫn còn tấm bia Lợi Tế Kiều bằng đá năm 1839 ở phía bên quán nhậu đầu đường Kim Long. Bạn có thể yêu cầu ban dự án sửa cầu gắn lại tấm bia cổ ấy? Cảm ơn!'.
Đang làm việc thì nghe tin nhắn báo, mở ra thì thấy nội dung như trên từ người bạn học cùng khóa thời phổ thông. Anh là Nguyễn Anh Huy, vừa là bác sĩ (BS) vừa là nhà sưu tập tiền cổ thuộc hàng có tiếng ở Huế.
Sở dĩ BS Huy nhắn tin là do anh lo lắng sẽ xảy ra câu chuyện “đi theo vết xe đổ” như ở cầu Đông Ba trước đây. Cầu Đông Ba bắc qua sông Đông Ba (Tả Hộ Thành hà) chạy dọc phía đông Kinh thành Huế. Cầu vốn có tên là Đông Hoa, đến thời Thiệu Trị được đổi tên là Đông Gia để tránh húy của mẹ vua; song dân gian thì vẫn quen gọi là cầu Đông Ba. Tấm bia cổ Đông Gia Kiều bằng đá được tạo dựng ở đầu phía tây cầu vào năm 1841 dưới thời Vua Thiệu Trị. Vậy nhưng khi xây lại cầu, tấm bia cổ bị “bỏ quên”, đơn vị quản lý dự án cho về kho chứ không dựng lại. Vụ việc đã gây phản ứng trong dư luận, cuối cùng, bia cổ Đông Gia Kiều đã được dựng lại tại vị trí cũ. Rất may là vẫn còn nguyên vẹn chứ chưa bị hủy hoại. Bây giờ cầu Kim Long được xây dựng lại, không thấy bóng dáng tấm bia Lợi Tế Kiều nên BS Huy sốt ruột, sợ chuyện cũ lại diễn ra.
Nhận tin, đơn vị tôi nghĩ đến đầu tiên là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Di tích) nên nhắn hỏi một người bạn đang là lãnh đạo tại đây. Anh cũng hơi bất ngờ, bảo không có thông tin và gợi ý thử hỏi bên thành phố xem sao.
Nghĩ cuộc sống luôn vận hành biến chuyển, biết đâu từ lúc BS Huy nhắn tin cho tôi thì giờ này tấm bia đã được dựng lại thì sao, nên tôi chạy lên Kim Long “thị sát” thực hư trước khi hỏi thêm bên thành phố không thì… hớ.
Lên đến nơi, thấy cầu vẫn trong quá trình hoàn thiện nên hơi vững dạ, nghĩ có lẽ đến lúc hoàn thiện xong thì bia Tế Lợi Kiều sẽ được hoàn về chỗ cũ chứ không sao. Nghĩ vậy nhưng cẩn tắc vô áy náy, tôi nhắn tin cho anh Phan Thiên Định để anh biết và có sự chỉ đạo cần thiết.
Cứ nghĩ nhắn vậy thôi, chứ vị trí UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy như anh bây giờ rất nhiều việc, chưa chắc anh đã có thì giờ xử lý ngay. Không ngờ, chỉ trong mấy phút sau, Phan Thiên Định nhắn cho tôi rằng anh đã có lưu ý việc này trước đây; sẽ kiểm tra lại.
Và cũng chỉ ít phút sau, anh thông tin: tấm bia Tế Lợi Kiều đã được Ban quản lý dự án liên hệ với Di tích đưa về bảo quản tại Cung An Định, cầu làm xong sẽ nhận và đưa về dựng lại như cũ. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng cho biết thêm, công trình cầu Kim Long thuộc dự án Green City, do Sở KHĐT làm chủ đầu tư. Giám đốc Di tích đương nhiệm nguyên là lãnh đạo Sở KHĐT, quen biết nên anh em dự án làm việc trực tiếp để nhờ, nên người mà tôi hỏi lúc đầu không biết là do thế. Tôi cảm ơn anh Định và cũng lập tức báo để BS Huy yên lòng.
Ngày làm việc hôm ấy trong tôi như tràn đầy năng lượng. Nghĩ đến Phan Thiên Định, nghĩ đến Nguyễn Anh Huy… chợt nghe lòng nhẹ nhàng dễ thương đến lạ. Sống trên đất di sản, lại có những công dân, những người lãnh đạo biết để ý, biết lưu tâm đến di sản như thế, tuy giản dị thôi, nhưng với các bạn thì sao không biết, còn với tôi nó như truyền cảm hứng, để rồi thấy yêu hơn, quý hơn và có trách nhiệm hơn với những gì tiền nhân đã truyền trao cho miền Hương Ngự.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/cam-hung-141437.html