Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam
Kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, ngày càng vững bước trên con đường phát triển, hướng tới thịnh vượng. Thông qua việc lập kế hoạch và lãnh đạo cẩn thận, hành trình hướng tới thịnh vượng và phát triển của Việt Nam tiếp tục truyền cảm hứng cho các quốc gia khác trong và ngoài khu vực.
Giáo sư G. Devarajan, Tổng Thư ký Đảng Khối Tiến lên toàn Ấn Độ (AIFB), đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025).
Công cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào năm 1986 đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách kinh tế của Việt Nam. Đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ, nghèo đói lan rộng và sự kém hiệu quả của nền kinh tế do nhà nước quản lý, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thấy sự cần thiết phải cải cách toàn diện. Quá trình Đổi mới được thiết kế nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam, nâng cao hiệu quả và mở cửa đất nước với thương mại toàn cầu trong khi vẫn duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa của nhà nước. Những cải cách này đã giúp Việt Nam chuyển từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với những cải thiện đáng kể về mức sống, cơ sở hạ tầng và phát triển con người. Dưới sự lãnh đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục thành công trong tiến trình này, bảo đảm phát triển bền vững và ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng trong quản trị đất nước.
Giáo sư G. Devarajan bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường sẽ tiếp tục tiến trình Đổi mới và sẽ giải quyết được những thách thức mới xuất hiện trong thế giới toàn cầu hóa hiện đại. Theo Giáo sư, ban lãnh đạo phải tập trung vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế, cải thiện phúc lợi xã hội và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong đời sống chính trị của đất nước. Bởi vì, theo Giáo sư, một trong những khía cạnh then chốt tạo nên thành công của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới là khả năng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc duy trì ổn định chính trị trong khi thực hiện cải cách.
Đánh giá về những nỗ lực đổi mới, cải cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện trong quá trình lãnh đạo đất nước, Giáo sư Devarajan cho rằng việc chuyển đổi và hiện đại hóa, chống tham nhũng và tinh giản bộ máy hành chính là những hoạt động thiết yếu để đạt được các mục tiêu dài hạn của Đảng là phát triển bền vững, công bằng xã hội và ổn định chính trị. Bằng cách ngăn chặn tham nhũng, chính phủ đảm bảo rằng các chính sách và nguồn lực sẽ đến được với người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, cuối cùng là củng cố sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mối quan hệ của Đảng với người dân.
Giáo sư bày tỏ vui mừng khi thấy ban lãnh đạo hiện nay của Việt Nam chú trọng đáng kể vào các nỗ lực chống tham nhũng và đảm bảo trách nhiệm của Đảng trước người dân. Theo ông, chiến dịch chống tham nhũng đã giúp cải thiện niềm tin của công chúng vào Đảng và khả năng thực hiện những lời hứa về hiện đại hóa và phát triển. Ban lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng sản nhận thấy nỗ lực chống tham nhũng bền vững là cần thiết để đạt được các mục tiêu rộng lớn hơn là phát triển quốc gia, công bằng xã hội và ổn định chính trị. Bằng cách tiếp tục giải quyết nạn tham nhũng, Đảng đảm bảo rằng thành quả từ các chính sách của mình sẽ được chia sẻ thực sự cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người gặp khó khăn, đồng thời củng cố uy tín của mình với tư cách là lực lượng chính trị hàng đầu của đất nước.
Thực tế cho thấy, một bước quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng là tinh giản, hiện đại hóa bộ máy hành chính. Khả năng lãnh đạo đất nước hiệu quả của Đảng phụ thuộc vào các thể chế công hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Khi chống tham nhũng thành công và tinh gọn bộ máy quản lý, lợi ích từ các chính sách và chương trình phát triển của chính phủ sẽ đến với người dân một cách hiệu quả hơn. Phòng chống tham nhũng đảm bảo rằng các nguồn lực công được hướng tới các dự án thực sự giải quyết được nhu cầu của các bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Giáo sư G. Devarajan nhấn mạnh cam kết liên tục của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc giải quyết nạn tham nhũng và cải thiện quản trị sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao niềm tin của công chúng và đặt nền tảng cho một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn cho mọi công dân Việt Nam.
Về mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới, Giáo sư Devarajan nhận định, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của thời kỳ tiến bộ mới, được trang bị bằng ý thức hệ và sự cống hiến sâu sắc cho các chính sách hướng tới người dân dưới sự lãnh đạo mới. Giai đoạn chuyển đổi này đánh dấu một chương quan trọng trong hành trình phát triển đang diễn ra của đất nước và dưới sự lãnh đạo hiện nay của Đảng, Việt Nam sẵn sàng vươn lên những tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Theo Giáo sư, khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển và chuyển đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò lãnh đạo phải đối mặt với cả những cơ hội và thách thức to lớn trong việc thực hiện chính sách định hướng xã hội chủ nghĩa. Những chính sách này đóng vai trò trọng tâm trong hành trình hướng tới hiện đại hóa, phát triển kinh tế và công bằng xã hội của Việt Nam. Mục tiêu chiến lược của Đảng là duy trì tiến bộ đồng thời đảm bảo lợi ích của sự phát triển được chia sẻ rộng rãi trong người dân. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua đã đưa đất nước trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Sự năng động kinh tế này mang lại những cơ hội đáng kể để mở rộng hơn nữa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cân bằng kế hoạch do nhà nước chỉ đạo với cải cách dựa trên thị trường. Do đó, Việt Nam có cơ hội tăng trưởng kinh tế hơn nữa, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, tiến bộ công nghệ, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như cân bằng cải cách thị trường với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng, các vấn đề tư nhân hóa và kiểm soát nhà nước, căng thẳng địa chính trị và các thách thức an ninh khác, bền vững môi trường, gián đoạn công nghệ, thay đổi thị trường lao động… Tuy nhiên, theo Giáo sư Devarajan, bằng cách tận dụng các thế mạnh cốt lõi của mình - các chính sách lấy con người làm trung tâm, cam kết về tư tưởng và những bài học rút ra từ kinh nghiệm trong quá khứ - Đảng Cộng sản Việt Nam có thể lèo lái đất nước hướng tới sự tiến bộ liên tục, đảm bảo hiện thực hóa tầm nhìn về một xã hội thịnh vượng, công bằng và bình đẳng. Với sự cân bằng hợp lý giữa đổi mới, thận trọng và hoạch định chiến lược, Việt Nam có thể thành công vượt qua các thách thức và nắm bắt các cơ hội phía trước, đáp ứng nguyện vọng của người dân và đóng góp vào phong trào toàn cầu vì hòa bình, công bằng và chủ nghĩa xã hội.
Giáo sư Devarajan khẳng định, Đảng Khối Tiến lên Toàn Ấn Độ (AIFB), với tư cách là một đồng minh tận tâm trong phong trào xã hội chủ nghĩa toàn cầu, luôn đoàn kết và ủng hộ nồng nhiệt Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Ông tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ tiến lên thành công, vượt qua mọi trở ngại và đạt được những đỉnh cao phát triển và thịnh vượng hơn nữa.
Giáo sư Devarajan bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu của Việt Nam và hoan nghênh sự cống hiến của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các nguyên tắc cách mạng, con người và cam kết của Đảng đối với một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn. Gửi lời chúc mừng Đảng Cộng sản Việt Nam nhân 95 năm Ngày thành lập, Giáo sư nhấn mạnh hành trình mà Việt Nam đang thực hiện sẽ không chỉ nâng tầm đất nước mà còn là tấm gương truyền cảm hứng cho các phong trào xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới, chứng minh rằng con đường phát triển lấy con người làm trung tâm không chỉ khả thi mà còn cần thiết để thực hiện công bằng xã hội thực sự.