Cam kết đảm bảo vốn cho dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Trước những lo ngại về xếp vốn cho dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Chính phủ cho biết Bình Phước và Đắk Nông đã cam kết và chịu trách nhiệm về việc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện dự án.

Theo nghị trình, sáng nay (17-6), ngay trong phiên làm việc đầu tiên của đợt 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Nếu dự án được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tuy vậy, tại phiên thảo luận tổ hôm 25-5, một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng thu xếp về vốn cho dự án này.

 Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đồ họa: THÙY TRANG

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Đồ họa: THÙY TRANG

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện dự án

Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về dự án.

Theo đó, có ý kiến cho rằng, nguồn vốn cho dự án đã bố trí từ năm 2022, đến bây giờ là năm 2024 nhưng cũng không thể sử dụng được hết được trong năm 2024 và 2025, thậm chí đến năm 2026, do đó cần làm rõ hiệu quả sử dụng vốn của dự án. Có ý kiến đề nghị cần tính toán trường hợp dự án thành phần PPP bị kéo dài thời gian thực hiện thì việc gia hạn một năm đã bảo đảm tính khả thi cho dự án chưa.

Về vấn đề này, Chính phủ cho biết dự án sẽ khởi công từ đầu năm 2025, triển khai thi công đến cuối năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành; công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2025. Kế hoạch giải ngân năm 2024 khoảng 14%, năm 2025 khoảng 38% và năm 2026 khoảng 48% tổng số vốn được cân đối.

Theo thiết kế sơ bộ, trên phạm vi dự án không có công trình đặc biệt, phần lớn là công trình cầu giản đơn, nền đường đào, đắp thông thường, không phải xử lý đất yếu… kết hợp với những cơ chế đặc thù trình Quốc hội cho phép áp dụng, có thể khẳng định tiến độ triển khai đầu tư và kế hoạch giải ngân dự án nêu trên về cơ bản là khả thi.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những khó khăn, vướng mắc triển khai đường cao tốc trong thời gian vừa qua (giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng), ngay trong bước nghiên cứu khả thi, Bình Phước sẽ phối hợp với Đắk Nông nghiên cứu, xác định cụ thể nguồn cung cấp vật liệu cho dự án, không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, kiểm soát chặt chẽ giá thành để không bị đội giá.

Công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ triển khai song song với công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi để ngay sau khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi có thể triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đáp ứng tiến độ thi công công trình dự án.

Để có thể hấp thụ toàn bộ nguồn vốn dự kiến bố trí để thực hiện dự án, đặc biệt là đối với 8.770 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022, Chính phủ kiến nghị cho phép kéo dài thời hạn giải ngân đến hết năm 2026 để bảo đảm tính khả thi về giải ngân nguồn vốn.

Ngay khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước, Đắk Nông sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai. Trong đó sẽ nghiên cứu, xây dựng các giải pháp phù hợp, bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả và minh bạch, phòng chống tiêu cực tham nhũng, gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện dự án…

 Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: QH

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: QH

Xây dựng đồng bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến

Cũng có ý kiến cho rằng việc bố trí 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là không khả thi và đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án trong năm 2026.

Về vấn đề này, Chính phủ cho hay tại Tờ trình 215 đã đề xuất cơ chế “cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án (8.770 tỉ đồng)”. Như vậy, theo kế hoạch giải ngân của dự án, 1.500 tỉ đồng sẽ được giải ngân đến hết thời điểm ngày 31-1-2026 theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong năm 2026 sẽ tiếp tục giải ngân nốt phần vốn còn lại trong tổng số vốn 8.770 tỉ đồng.

Đối với vốn ngân sách địa phương (NSĐP) khoảng 2.233,5 tỉ đồng (trong đó Bình Phước là 1.233,5 tỉ đồng; Đắk Nông là 1.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, do vậy việc cam kết bố trí vốn NSĐP như dự kiến sẽ rất khó khăn, đề nghị phải có giải pháp cụ thể hơn.

Chính phủ cho hay cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là dự án quan trọng quốc gia, có vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ nói chung. Vì vậy, tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các văn bản liên quan, Bình Phước và Đắk Nông cam kết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước Quốc hội về việc bố trí NSĐP để thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Có ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn những vướng mắc, bất cập trong việc đầu tư các tuyến đường cao tốc thời gian qua, như xây dựng làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, cây xăng, trạm sạc điện...

Theo Chính phủ, rút kinh nghiệm về một số bất cập về khai thác cao tốc phân kỳ, chưa đầu tư kịp thời trạm dừng nghỉ thời gian qua, trong nội dung tờ trình của dự án đã xác định quy mô phân kỳ bốn làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn (bao gồm bố trí đầy đủ làn dừng khẩn cấp, hệ thống ITS...). Song song đó, xây dựng đồng bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến theo đúng tiêu chuẩn, quy định pháp luật để phục vụ khai thác đường bộ cao tốc…

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh với tốc độ 100-120 km/giờ với chiều dài khoảng 128,8 km (qua Đắk Nông dài 27,8 km, qua Bình Phước là 101 km). Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 25.540 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó vốn nhà nước tham gia 12.770 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 12.770 tỉ đồng.

Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác, Chính phủ kiến nghị Quốc hội một số cơ chế.

Cụ thể, về nguồn vốn đầu tư, bố trí 8.770 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chỉ thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư dự án; cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chỉ thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cam-ket-dam-bao-von-cho-du-an-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-post795992.html