Cẩm Khê huy động nguồn lực xây dựng đời sống văn hóa

PTĐT - Những năm qua, cùng với thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Cẩm Khê đã tập trung huy động nguồn lực xây dựng đời sống văn hóa. Bằng các giải pháp như tăng cường công tác xã hội hóa...

Sau khi xã hội hóa đầu tư, nâng cấp, nhà văn hóa khu Bắc Tiến 2, xã Phú Lạc đã trở thành điểm vui chơi, thể dục thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Sau khi xã hội hóa đầu tư, nâng cấp, nhà văn hóa khu Bắc Tiến 2, xã Phú Lạc đã trở thành điểm vui chơi, thể dục thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

PTĐT - Những năm qua, cùng với thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Cẩm Khê đã tập trung huy động nguồn lực xây dựng đời sống văn hóa. Bằng các giải pháp như tăng cường công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, dành kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… đã tạo ra nhiều hoạt động sôi nổi, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Ông Bùi Bá Lạc - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở về vai trò, vị trí của việc xây dựng đời sống văn hóa hiện nay đã có nhiều chuyển biến. Đó là điều kiện thuận lợi để huyện tập trung nguồn lực thực hiện tốt công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trên địa bàn”. Đến nay đã có 42 di tích lịch sử văn hóa của huyện được Nhà nước xếp hạng, trong đó 5 di tích cấp Quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn 2010-2019, 28 di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng được đầu tư, trùng tu, tôn tạo với nguồn kinh phí xã hội hóa trên 30 tỷ đồng. Cuối năm 2018, khu lưu niệm nhà thơ Bút Tre ở xã Đồng Lương đã khánh thành trị giá trên 8 tỷ đồng đã trở thành điểm du lịch văn hóa nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ sau. Cùng với đó, việc tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; lựa chọn một số làng, thôn còn bảo lưu được các giá trị văn hóa gốc, đặc sắc để bảo tồn, phát huy và phát triển du lịch văn hóa - sinh thái được thực hiện thường xuyên. Công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện và cơ sở được tăng cường, 31/31 xã, thị trấn có nhà văn hóa xã. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng 18 nhà văn hóa kiêm hội trường tổng trị giá trên 50 tỷ đồng. Nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ quan tâm tới công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo mà còn đòi hỏi các địa phương cần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cùng với việc tiếp nhận và tổ chức hoạt động biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong tỉnh tại các xã, thị trấn, tổ chức chiếu phim phục vụ đồng bào miền núi, trung bình mỗi năm, huyện tổ chức trên 100 buổi giao lưu, thi đấu thể thao các cấp, thu hút trên 5.000 người tham gia. Nhiều hoạt động sôi nổi được người dân trong huyện hưởng ứng như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, tham gia các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng, thi đấu giải bóng chuyền hơi người cao tuổi, bóng chuyền hơi phụ nữ, cầu lông, bóng bàn… Thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng đã khích lệ nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện chiếm hơn 90% và gần 77% khu dân cư văn hóa. Để thúc đẩy quảng bá hình ảnh của của huyện, tiềm năng về xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, trang thông tin điện tử của huyện đã đăng tải hàng trăm chương trình phát thanh với hàng nghìn tin, bài, phóng sự phản ánh về các hoạt động nổi bật trên tất cả lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Cẩm Khê còn gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch huyện, thư viện, nhà thiếu nhi cấp huyện chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo khiến các phòng chức năng và trang thiết bị phục vụ hoạt động không đảm bảo. 197/350 nhà văn hóa khu dân cư được xây dựng giai đoạn 2004-2010 nay đã xuống cấp, hệ thống thư viện của xã còn nghèo nàn. Chủ động tháo gỡ khó khăn, thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; nâng cấp, cải tạo các thiết chế văn hóa cơ sở cùng với tăng cường quản lý nhằm đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tích cực đưa quy ước, hương ước của xã vào thực hiện nghiêm túc tại các khu dân cư.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/201910/cam-khe-huy-dong-nguon-luc-xay-dung-doi-song-van-hoa-167331