Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Chính phủ đã xem xét hết sức thận trọng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Chính phủ đã xem xét hết sức thận trọng chứ không đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ một cách đơn giản.
Phát biểu cuối phiên thảo luận chiều 26/5 của Quốc hội về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Chính phủ đã xem xét hết sức chứ không đưa ra đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ một cách đơn giản.
Đây cũng là nội dung được thảo luận, tranh luận sôi nổi từ đầu đến cuối phiên thảo luận, với lập luận cấm hay không cấm đều mạnh mẽ, tuy nhiên số lượng đại biểu ủng hộ cấm như đề xuất của Chính phủ vẫn nhiều hơn.
Đại diện Ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quá trình thảo luận về nội dung này, Chính phủ đã làm việc hết sức công phu, nghiên cứu kỹ càng, tổ chức nhiều hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, xem xét hết sức thận trọng rồi cuối cùng mới đề xuất cấm chứ không đưa ra cấm một cách đơn giản. Nhận xét là ý kiến đại biểu dù cấm hay không cấm đều có lý luận, nhưng Bộ trưởng khẳng định phương án chính phủ trình là đã có đủ cơ sở.
Liên quan đến ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng thống nhất giữ lại phụ lục 1, 2 và 3 tại Dự thảo Luật trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung Danh mục cho phù hợp với thực tế, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân, cần phải được quy định trong luật theo quy định, không giao quyền cho Chính phủ nữa.
Ngoài nội dung trên, hồi âm ý kiến đại biểu về ưu đãi đầu tư, Bộ trưởng cho biết cơ sở để xây dựng các ưu đãi lần này là dựa trên 2 nghị quyết của Bộ Chính trị là Nghị quyết số 50 về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết số 52 về chủ động ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Lần này dự thảo luật sẽ tiếp cận theo một nguyên tắc mới, đó là bổ sung các nguyên tắc, điều kiện về ưu đãi, đảm bảo hiệu quả và chất lượng của ưu đãi luật đưa ra, một là ưu đãi có thời hạn, hai là dựa theo kết quả thực hiện, ba là phải đáp ứng được các điều kiện trong quá trình được hưởng ưu đãi.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một điểm mới trong lần này là giao Chính phủ áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư và các loại hình đầu tư mới, bổ sung các ưu đãi mới trong việc khấu trừ các thu nhập chịu thuế hay là khấu hao nhanh, bổ sung các quy định để khuyến khích các dự án khởi nghiệp sáng tạo, áp dụng các công nghệ 4.0, các ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt cho các dự án lớn mà có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế thì do Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định.
Về bảo đảm quốc phòng, an ninh và quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã có một số quy định rồi, lần này đã bổ sung một số quy định mới để làm sao đảm bảo được các nhiệm vụ quốc phòng an ninh cũng như tránh các đầu tư núp bóng và đầu tư chui, đầu tư tại các địa bàn có nhạy cảm về quốc phòng an ninh.
"Tuy nhiên, hôm nay nghe rất nhiều các đại biểu có ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, có những chính sách phù hợp hơn, mạnh hơn để có thể kiểm soát được các vấn đề này. Trên tinh thần sắp tới có thể sẽ ban hành một chỉ thị mới về thu hút đầu tư trong tình hình mới thì chúng ta sẽ lồng ghép một số chính sách mới vào để đảm bảo hệ thống pháp luật không bị ảnh hưởng nhiều", Bộ trưởng nói.
Về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng của luật này, theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật đã tiếp cận theo hướng là bổ sung các quy định để phân định rõ phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng giữa luật này với các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật PPP.
Lần sửa đổi này cũng đã trực tiếp sửa đổi và bổ sung 10 nhóm quy định cụ thể để tránh sự chồng chéo và không đồng bộ, thống nhất với các Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Luật này cũng đã sửa đổi một số quy định của một số luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản hay bảo vệ môi trường để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vẫn cần có sự tiếp tục để rà soát, đánh giá toàn diện các quy định của các luật liên quan. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập một tổ công tác đặc biệt rà soát các luật liên quan để có phương hướng xử lý trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ cùng với cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo thống nhất và đồng bộ giữa các hệ thống pháp luật với nhau, Bộ trưởng cho biết.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang): Không cấm sẽ mất niềm tin
Tôi ủng hộ quan điểm là cấm dịch vụ đòi nợ thuê. Đã có một thời gian để tất cả chúng ta quan sát: không có một doanh nghiệp lao động nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ ba trợn, công cụ lao động để đạt mục đích ở đây là dao kiếm và phương thức thủ đoạn để lao động đạt được mục đích này là dùng vũ lực đe dọa. Tôi cho rằng, để như thế thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật và gây ra hoang mang trong xã hội và một phần nào đó nó sẽ dẫn tới mất niềm tin của nhân dân đối với việc quản lý xã hội.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): Chỉ cấm khi đó là giải pháp cuối cùng
Chúng ta chỉ nên đặt ra vấn đề cấm dịch vụ đòi nợ thuê khi đó là giải pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để quản lý thì mới cấm.
Nghị định về quản lý ngành dịch vụ đòi nợ thuê đã có từ năm 2007, đến nay là 13 năm. Vấn đề nằm ở việc Nghị định này có quá nhiều điểm bất cập, không phù hợp để kiểm soát những tác động tiêu cực của hoạt động đòi nợ thuê.
Tôi cho rằng, bản chất vấn đề ở đây là chúng ta tìm ra điểm cân bằng. Nếu quản lý chặt quá thì dịch vụ này không phát huy được hiệu quả. Nhưng ngược lại, nếu thả lỏng quá như hiện nay thì gây ra rất nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Nếu chúng ta đưa ra biện pháp cấm thì không khác gì chúng ta nhảy từ thái cực này sang thái cực khác. Tức là nhảy từ chỗ gần như không quản gì sang cấm tuyệt đối. Nhiều người nói chúng ta không quản được thì cấm. Nhưng tôi xin đính chính lại, đúng ra là chúng ta chưa quản đã cấm.