Cấm lái xe sau khi uống rượu, bia

BPO - Năm qua, cả nước xảy ra 17.394 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia gây ra. Ở Bình Phước, tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia cũng đang ở mức báo động, vì qua 2 đợt huy động lực lượng tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản 2.615 trường hợp vi phạm. TNGT do uống rượu, bia không chỉ để lại hậu quả đau buồn cho gia đình, người thân nạn nhân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

Thực tế nêu trên cho thấy, nếu không mạnh tay ngăn chặn sẽ còn nhiều vụ tai nạn thương tâm hơn nữa xảy ra cùng những giọt nước mắt đau buồn của người thân. Để ngăn chặn và giảm thiểu những vụ TNGT do uống rượu, bia gây ra, thời gian qua, bên cạnh các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, các cấp, ngành chức năng còn tích cực vận động người dân không sử dụng rượu, bia trong các đám tiệc hiếu, hỷ. Cũng nhờ đó, ở Bình Phước đã có không ít trường hợp tổ chức đám tiệc không sử dụng rượu, bia. Điển hình như đám cưới của đôi bạn trẻ Lâm Tuấn Anh và Mỹ Loan ở ấp Nam Đô, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú tổ chức vào tháng 5-2019 khiến nhiều người tâm đắc vì chủ nhà vui mừng, hạnh phúc khi các bàn tiệc được mọi người ăn uống ngon miệng, thức ăn không bị bỏ lãng phí, còn khách mời ai nấy đều tươi cười, tỉnh táo khi ra về. Tuy nhiên, những nỗ lực nêu trên vẫn chưa đủ mạnh và tạo sức lan tỏa.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, trong đó có nhiều quy định nghiêm khắc, thể hiện sự quyết tâm và kiên quyết của cấp có thẩm quyền trong việc ngăn chặn và giảm thiểu số vụ TNGT do sử dụng rượu, bia gây ra. Theo đó, luật nghiêm cấm các hành vi: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn... Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Luật có hiệu lực thi hành được coi là “bàn tay thép” để ngăn chặn vấn nạn này.

Vẫn biết, mục đích chính của luật là làm thay đổi ý thức, hành vi chứ không phải chỉ để phạt. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông về rượu, bia xem ra cũng không thể nhanh chóng, dễ dàng, chưa thể thực hiện được hiệu quả ngay. Do vậy, cũng có thể phải mất một thời gian dài nữa mới thay đổi từ nhận thức mỗi người. Hy vọng, luật mới với những giải pháp mới, có hiệu lực vào ngày đầu năm mới sẽ là một cột mốc làm thay đổi tư duy của người dân theo hướng có chừng mực và văn minh hơn khi uống rượu, bia.

Đặc biệt, với niềm tin mãnh liệt vào một Chính phủ hành động cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp và ngành chức năng trong thực thi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, chắc chắn những vụ TNGT không đáng có sẽ dần được ngăn chặn và đẩy lùi. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh hơn.

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/cam-lai-xe-sau-khi-uong-ruou-bia-74314