Cam Lâm: Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao
5 năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện, đồng bộ từ quy mô, chất lượng đến các điều kiện dạy và học.
5 năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, sự nỗ lực của toàn ngành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện, đồng bộ từ quy mô, chất lượng đến các điều kiện dạy và học.
Tăng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia
Ông Lê Anh Bằng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết, những năm qua, trường lớp trên địa bàn huyện được quy hoạch theo đúng trọng tâm, trọng điểm và được xây dựng ngày một khang trang hơn. Từ năm 2015 đến 2020, bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách tỉnh (Đề án Phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, chương trình phát triển nguồn nhân lực...) và ngân sách huyện, ngành GD-ĐT huyện đã được đầu tư hơn 162 tỷ đồng để xây dựng 131 phòng học, 11 nhà hành chính, 16 phòng chức năng, 6 nhà bếp, 3 nhà đa năng, sửa chữa 126 phòng học và các hạng mục phụ trợ khác. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí xã hội hóa giáo dục hơn 8 tỷ đồng, ngành đã đầu tư sửa chữa nhiều trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT huyện cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, GV trong toàn ngành đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó gần 90% GV có trình độ trên chuẩn.
Nhờ sự quan tâm đầu tư đúng trọng tâm và kịp thời của huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương, 5 năm qua, ngành Giáo dục huyện Cam Lâm luôn được Sở GD-ĐT đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục của huyện. Đến nay, huyện có 35/46 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (có 9/15 trường mầm non, mẫu giáo, 15/19 trường tiểu học, 11/12 trường THCS đạt chuẩn), chiếm 76%, tăng 10% so với đầu năm 2015 và tăng 70% số trường học đạt chuẩn quốc gia so với ngày đầu thành lập huyện. Có 22 trường được công nhận đạt chuẩn về kiểm định chất lượng giáo dục, chiếm 47,8%.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Huyện Cam Lâm hiện có 46 trường học từ mầm non đến THCS với hơn 21.400 HS, hơn 1.400 cán bộ, GV, nhân viên. 5 năm qua, ngành GD-ĐT huyện đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như: Trường Tiểu học Cam Đức 1 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm học 2016 - 2017; Trường Mầm non Sóc Nâu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích trong công tác GD-ĐT từ năm 2011 đến 2016; Trường Tiểu học Cam Đức 1 và Tiểu học Cam Đức 2 được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; 7 tập thể và 14 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen…
Việc chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ quản lý, GV đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện. Những năm qua, tỷ lệ học sinh (HS) khá, giỏi ở các cấp học, bậc học tăng dần, tỷ lệ HS đạt giải HS giỏi cấp huyện và tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Ngành Giáo dục huyện cũng duy trì tốt việc huy động trẻ mẫu giáo, tiểu học, THCS ra lớp, đạt 100% chỉ tiêu hàng năm. 14/14 xã, thị trấn đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 2…
Theo ông Lê Anh Bằng, trước yêu cầu về đổi mới toàn diện GD-ĐT hiện nay, ngành cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Thời gian tới, ngành sẽ chủ động tham mưu UBND huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường; thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của nhà giáo. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới công tác quản lý giáo dục, công tác giảng dạy của GV, chú trọng đổi mới về phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mầm non và phổ thông công lập đảm bảo đúng chuẩn theo vị trí việc làm.
Ngành Giáo dục huyện cũng phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học, cấp học; chú trọng đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn; tập trung chuẩn bị các điều kiện để triển khai việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Song song đó, từng bước nâng cao chất lượng học tập của HS ở vùng sâu, vùng xa, nhất là HS dân tộc thiểu số để rút ngắn dần khoảng cách giữa HS nông thôn và thành thị. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phong trào xã hội hóa giáo dục để huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và toàn dân cùng chăm lo sự nghiệp GD-ĐT.
H.NGÂN