Cấm làm cho đối thủ – FTC nói không được
Doanh nghiệp trong một số ngành nghề thường ký hợp đồng với nhân viên trong đó có điều khoản sau nghỉ làm dù vì bất kỳ lý do gì thì nhân viên cũng không được đầu quân, quay sang làm cho đối thủ đang cạnh tranh của doanh nghiệp trong một số năm nhất định. Nay FTC (Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ) ra phán quyết cấm doanh nghiệp đưa điều khoản này vào hợp đồng; những hợp đồng đã ký có điều khoản như thế sẽ phải chỉnh sửa để loại trừ. Quy định chưa có hiệu lực, doanh nghiệp Mỹ đang nhao nhao phản đối. Lập luận của hai bên, ủng hộ và phản đối chuyện cấm làm cho đối thủ cạnh tranh rất đáng theo dõi.
Khi đưa ra quy định cấm, Chủ tịch FTC, bà Lina Khan, cho rằng làm như thế mới bảo đảm cho người lao động có quyền tự do tìm việc làm mới, khởi nghiệp trong cùng lĩnh vực hay đưa ý tưởng mới ra thị trường. Cấm làm cho đối thủ sẽ khiến thị trường lao động bị hạn chế, doanh nghiệp dễ dàng o ép lương thưởng, đồng thời hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp tuyên bố sẽ kiện FTC ra tòa để duy trì quyền cấm nhân viên sau khi nghỉ làm, nhảy sang doanh nghiệp cùng ngành đang cạnh tranh.
Hiện nay số nhân viên bị ràng buộc bởi quy định cấm làm cho đối thủ ở Mỹ vào khoảng 30 triệu người, ở trong nhiều ngành nghề khác nhau. Đáng chú ý, quy định mới của FTC được thông qua với 3 phiếu thuận, 2 phiếu chống; 2 phiếu chống thuộc về các ủy viên Cộng hòa.
Không rõ bằng cách nào bà chủ tịch FTC tính mỗi năm quy định mới của FTC sẽ tạo ra 8.500 công ty khởi nghiệp mới, còn trong thập niên tới nó sẽ giúp lương nhân viên toàn nước Mỹ tăng thêm 488 tỉ đô la! Tổng thống Joe Biden khen ngợi quyết định của FTC, nói rằng nhân viên phải có quyền chọn bất kỳ ai họ muốn đầu quân. Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ cam kết sẽ kiện FTC vì cho rằng FTC lạm quyền.
Sự ủng hộ và phản đối cũng diễn ra ở chủ hay thợ: chủ doanh nghiệp nói hợp đồng có điều khoản cấm làm cho đối thủ tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào nhân viên, vì họ được bảo đảm nhân viên sẽ không đem bí mật của công ty đi làm cho nơi khác. Ngược lại, các liên đoàn lao động đại diện cho người lao động lại ủng hộ quyết định mới của FTC.
Quy định mới của FTC không áp dụng cho giới lãnh đạo doanh nghiệp đương nhiệm; nói cách khác, các công ty vẫn có quyền hạn chế lãnh đạo sau khi từ chức không được làm cho đối thủ trong một số năm. FTC định nghĩa lãnh đạo công ty là người ở vị trí có quyền quyết định chính sách cho công ty, lương ở mức 151.164 đô la/năm trở lên. Tuy nhiên công ty không được cấm như thế với những lãnh đạo mới ký hợp đồng sau ngày quy định có hiệu lực.
Lệnh cấm của FTC, theo tờ Financial Times, đã gây sốc cho Wall Street khi doanh nghiệp ở đây phải soạn lại các hợp đồng lao động, tìm cách để trói chân nhân viên, không để lộ bí mật kinh doanh. Họ cũng lo ngại các hãng săn đầu người nay sẽ tung quân đi tìm nhân sự mà không lo ngại bị kiện vi phạm hợp đồng độc quyền.
Hiện nay các công ty tài chính đang cho rà soát kỹ quy định mới của FTC dài đến 500 trang để tìm cách né quy định mà vẫn bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ và bí mật kinh doanh. Các quỹ đầu tư thường bảo vệ kỹ các ngóc ngách kinh doanh của họ cũng như cơ sở dữ liệu khách hàng; họ sợ nhất là chuyện nhân viên cũ nghỉ việc, ra thành lập quỹ mới và cướp hết mọi khách hàng cũ bằng các chiêu thức cạnh tranh đã nắm được của nơi làm cũ.
Hiện nay doanh nghiệp vẫn còn những công cụ để bảo vệ bí mật kinh doanh như điều khoản hợp đồng không được tiết lộ thông tin của nơi làm cũ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quy định cấm làm cho đối thủ trong một khoảng thời gian nhất định có tác dụng mạnh hơn việc cấm tiết lộ thông tin.
Thông tin nhạy cảm thường có tính thời gian; đa phần sẽ hết nhạy cảm sau một số năm nhất định. Còn khi không tính đến yếu tố thời gian, nhân viên cũ qua đầu quân cho nơi mới, không cần tiết lộ gì nhiều, chỉ cần làm hay không làm một số động tác nào đó cũng đã gián tiếp tiết lộ chuyện công ty cũ. Vì thế sự đau đầu do quy định mới của FTC gây ra cho doanh nghiệp chưa biết sẽ được hóa giải trọn vẹn như thế nào.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cam-lam-cho-doi-thu-ftc-noi-khong-duoc/