Cam Lâm: Thực hiện hiệu quả ủy thác vốn vay

Thực hiện cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội giúp việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, hiệu quả.

Quản lý tốt nguồn vốn

Những ngày này, vợ chồng bà Trần Thị Liếu và ông Nguyễn Tấn Hoa (xã Suối Cát) phấn khởi chăm sóc bò mẹ và bê con mới sinh được hơn chục ngày tuổi. Thuộc hộ thuần nông, quanh năm làm ruộng, gia đình bà Liếu vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo với tổng số tiền 50 triệu đồng để mua bò giống và đầu tư làm chuồng tăng thêm thu nhập. Giống bò nhà bà Liếu đang nuôi có trọng lượng rất lớn, được gia đình chăm sóc rất kỹ. Bà Liếu cho biết, bò mẹ đã đẻ lứa thứ 2. Bê con lứa đầu gia đình nuôi vài tháng đã bán được 13 triệu đồng. Còn khoảng 2 năm nữa mới đến kỳ hạn trả nợ nhưng gia đình vẫn gửi tiết kiệm mỗi tháng 500.000 đồng.

 Gia đình ông Nguyễn Tấn Hoa (xã Suối Cát) vay vốn nuôi bò.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Hoa (xã Suối Cát) vay vốn nuôi bò.

Bà Hồ Thị Minh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Cát cho biết, hội quản lý 13 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, dư nợ hơn 20,2 tỷ đồng với 673 thành viên vay vốn. Hội quản lý tốt nguồn vốn vay; đồng thời, thực hiện huy động tiết kiệm hiệu quả với hơn 1,2 tỷ đồng từ các thành viên và 2,5 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm huy động từ dân cư.

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy (xã Cam Hải Đông) vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Cam Lâm để nuôi cá bớp. Ban đầu bà nuôi 100 con cá bớp, bán thu lời hơn 20 triệu đồng nên bà nuôi thêm. Hiện nay, bà đang nuôi 200 con. Kỳ hạn vay 3 năm, nhưng cuối năm, thu hoạch vụ cá, bà Thủy sẽ trả ngân hàng một phần.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quý - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Hải Đông cho biết, hội quản lý hơn 4,3 tỷ đồng vốn với 307 hộ vay. Trên địa bàn xã triển khai mạnh 2 chương trình, cho vay vốn đầu tư công trình nước sạch - vệ sinh môi trường và giải quyết việc làm. Với chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường, các hộ dân vay vốn để sử dụng nước máy thay cho dùng nước giếng trước đây và xây công trình vệ sinh. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chủ yếu để nuôi trồng thủy sản và cải tạo vườn xoài. Hội luôn phối hợp tốt với chính quyền địa phương, NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay, các hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vồn vay; đôn đốc các tổ trưởng vận động hội viên đóng lãi và đóng tiết kiệm hàng tháng để có nguồn trả nợ dần, các hộ đóng gốc và lãi đầy đủ nên nhiều năm liền không có nợ quá hạn.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Đến ngày 30-9, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cam Lâm đạt hơn 390,4 tỷ đồng; trong đó, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể gần 390,3 tỷ đồng, tăng gần 16,9 tỷ đồng so với đầu năm, nợ quá hạn 759 triệu đồng (chiếm 0,19% tổng dư nợ); số dư tiền gửi thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 16,7 tỷ đồng, tăng hơn 2,6 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, Hội Phụ nữ đi đầu trong công tác quản lý nguồn vốn, với 109 tổ tiết kiệm và vay vốn, tỷ lệ hộ gửi tiết kiệm đến 103,53%, dư nợ hơn 137,3 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn 0,15%, hội phụ nữ một số xã quản lý vốn không có nợ quá hạn như: Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Đông.

Ông Trần Văn Khuê - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội tác động đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. NHCSXH thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù thông qua hình thức: phân công, phân cấp, thực hiện công khai dân chủ, kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên) một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. Đây là hướng đi đúng giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, hiệu quả.

Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Cam Lâm tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay.

NAM DU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/taichinh-nganhang/201910/cam-lam-thuc-hien-hieu-qua-uy-thac-von-vay-8134342/