Cam Lộ, điểm nhấn trong phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Thời gian qua, ngành Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cam Lộ không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu của xã hội, trở thành điểm sáng của ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Trị trong phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

 Một tiết học tại Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ. Ảnh: Tú Linh

Một tiết học tại Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ. Ảnh: Tú Linh

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cam Lộ Phạm Văn Hồng cho biết, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị đầu tư cho giáo dục, ngành GD&ĐT Cam Lộ luôn coi trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG). Phòng đã tích cực tham mưu với lãnh đạo huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn tập trung huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ công tác xây dựng, duy trì trường ĐCQG với tổng kinh phí huy động từ các nguồn vốn (tính từ năm 2006 đến nay) gần 150 tỉ đồng. Vì vậy cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy, học; tỉ lệ học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi các cấp không ngừng tăng; học sinh được trang bị kỹ năng sống, môi trường học tập an toàn; chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay Cam Lộ có 100% trường học ĐCQG, trong đó có 7/24 trường ĐCQG mức độ 2; công tác phổ cập giáo dục-xóa mù chữ ở các bậc học đạt chuẩn mức độ 2 và 3. Kết quả này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho toàn huyện sau hơn 20 năm thực hiện phong trào xây dựng trường ĐCQG.

Trường Tiểu học (TH) thị trấn Cam Lộ được thành lập cuối năm 2018 (trên cơ sở sáp nhập hai trường TH Nguyễn Thị Minh Khai và Hồ Chơn Nhơn) đã được công nhận ĐCQG mức độ 2. Trường có một điểm chính và một điểm lẻ. Cô giáo Hồ Thị Hải Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong những năm qua, trường luôn dẫn đầu chất lượng dạy và học khối các trường tiểu học của huyện. Trường được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, bằng khen, tập thể Lao động xuất sắc. Nhiều năm liền chi bộ nhà trường đạt trong sạch vững mạnh, Liên đội đạt liên đội mạnh cấp tỉnh, được Tỉnh đoàn, Trung ương Đoàn tặng Bằng khen. 100% giáo viên của trường trình độ đạt trên chuẩn, trong đó có 2 giáo viên đạt Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, 3 giáo viên đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi các cấp, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì bền vững, chất lượng mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Học sinh của trường luôn đạt giải cao trong các hội thi, giao lưu văn hóa cấp huyện cấp tỉnh. Hoạt động giáo dục thể chất, văn hóa văn nghệ, hoạt động ngoài giờ lên lớp được chú trọng đầu tư nên đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất của trường luôn được nâng cấp, trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, phòng chức năng, nhà bán trú cho học sinh ở 2 điểm trường... Năm học 2019-2020 này, trường có 808 học sinh, được biên chế thành 25 lớp. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành, cùng với đó là tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường đồng lòng đồng sức, đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống và thế mạnh của mình, duy trì phấn đấu xây dựng nhà trường ngày một phát triển, xứng đáng là trường ĐCQG.

Nếu Trường TH thị trấn Cam Lộ tiêu biểu cho trường ĐCQG khu vực trung tâm, thì Trường TH&THCS Cam Chính là hiện thân của sự cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn của xã miền núi để ĐCQG, trở thành trường cuối cùng của huyện đạt mục tiêu này. Thầy Nguyễn Ngọc Ánh, Hiệu trưởng cho biết trường được thành lập cuối năm 2018 (trên cơ sở sáp nhập Trường TH Lê Thế Hiếu và THCS Lê Thế Hiếu) hiện có 1 điểm trường chính và 2 điểm lẻ. Bước đầu nhà trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, nhà trường đã luôn tạo được mối quan hệ tốt với địa phương, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể địa phương để tổ chức tốt các chuyên đề nhằm giáo dục học sinh phát triển toàn diện, đồng thời nâng cao nhận thức và hiểu biết cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường hiện có 708 học sinh biên chế thành 21 lớp. Phòng học, phòng chức năng, khu nhà hiệu bộ đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.

 Sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường TH&THCS Cam Chính. Ảnh: Tú Linh

Sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường TH&THCS Cam Chính. Ảnh: Tú Linh

Thầy Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ xây dựng được một trường ĐCQG cần cả một quá trình chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, phải có sự nỗ lực của nhà trường, quyết tâm cao của ngành, các cấp cùng với sự hỗ trợ tích cực của xã hội. Việc Trường TH&THCS Cam Chính được công nhận ĐCQG mức độ 2 như một nguồn động viên khích lệ cho người dân vùng chiến khu xưa cách mạng luôn khát khao vươn lên để khẳng định sự chung tay cùng các cấp, ngành chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Cam Lộ Phạm Văn Hồng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng trường học ĐCQG, đó cũng là mục tiêu quan trọng để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đồng thời là nhiệm vụ chính trị phấn đấu hoàn thành tiêu chí về giáo dục để xây dựng Cam Lộ đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Năm 2018, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện chỉ mới 79,4%. Trước tình hình đó, phòng đã quyết liệt chỉ đạo các trường cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong công tác xây dựng trường chuẩn để sớm đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy đến tháng 11/2019, tỉ lệ trường ĐCQG của huyện là 100%, hoàn thành trước chỉ tiêu 1 năm. Riêng trong năm 2019, huyện Cam Lộ được UBND tỉnh công nhận 15 trường ĐCQG, trong đó công nhận mới 6 trường và công nhận lại 9 trường. Trường học ĐCQG được xem là thước đo đánh giá hình thức hoạt động và hiệu quả đạt được của các loại hình trường học, trên cơ sở đó nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Cùng với xây dựng trường ĐCQG, huyện Cam Lộ luôn quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục (PCGD). Những kết quả về trường ĐCQG đã tạo điều kiện để giữ vững và nâng cao các tiêu chuẩn PCGD, xóa mù chữ của GD&ĐT huyện. Cùng với việc tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc kết quả PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt chuẩn, phổ cập giáo dục TH mức độ 3, phổ cập chống mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, huyện Cam Lộ và Phòng GD-ĐT đang phối hợp với các trường THPT thực hiện phổ cập cấp THPT, xây dựng xã hội học tập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết, năm 1993 huyện đã hoàn thành phổ cập Giáo dục Tiểu học - Chống mù chữ (GDTH-CMC), năm 2005 được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành phổ cập THCS; năm 2006 Bộ GD&ĐT công nhận Cam Lộ là đơn vị hoàn thành phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Từ đó đến nay Cam Lộ luôn giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi cũng như phổ cập GDTH-CMC, phổ cập giáo dục THCS, từng bước thực hiện vững chắc phổ cập bậc Trung học.

Căn cứ kế hoạch và lộ trình thực hiện công tác PCGD mỗi cấp học, huyện đã ưu tiên đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu về điều kiện và tiêu chuẩn phổ cập. Ngoài nguồn ngân sách, huyện đã ưu tiên vốn từ các chương trình, dự án như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình vệ sinh, nước sạch, nguồn vốn từ các dự án của các tổ chức quốc tế và xã hội hóa… để tập trung vào xây dựng trường, lớp, mua sắm thiết bị phục vụ PCGD. Năm 2019, toàn huyện có 8/9 xã đạt chuẩn phổ cập bậc trung học, tỉ lệ 88,9%, phấn đấu năm 2020 huyện đạt chuẩn về phổ cập bậc trung học.

Thời gian tới, huyện phấn đấu có thêm 2 trường ĐCQG mức độ 2, đưa số trường ĐCQG mức độ 2 của huyện lên 9 trường; nâng số xã đạt phổ cập bậc trung học lên 9/9 xã, trở thành huyện đạt chuẩn phổ cập bậc trung học.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150110