Cam Lộ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất các hợp tác xã nông nghiệp

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thộn mới, những năm qua, huyện Cam Lộ chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thông qua liên kết sản xuất hàng hóa chủ lực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Đến nay, hầu hết các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn huyện đều gắn sản xuất với chế biến, thúc đẩy việc thay đổi căn bản tập quán sản xuất nông nghiệp theo lối tiểu nông sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Phát triển cây dược liệu cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ - Ảnh: K.N

Phát triển cây dược liệu cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ - Ảnh: K.N

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh, để tạo ra sản phẩm quy mô lớn có giá trị kinh tế cao, Huyện ủy Cam Lộ đã ban hành Nghị quyết số 02 về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nhấn mạnh đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn làm cơ sở chuyển đổi quy mô sản xuất nông nghiệp phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, chuyên canh; xây dựng đội ngũ nông dân tiên tiến làm nòng cốt thực hiện các phong trào thi đua sản xuất.

Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách về phát triển kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác và trang trại; vận động thành lập các tổ hợp tác, HTX, hình thành các tổ chức kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích, gắn với mô hình sản xuất theo chuỗi nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, tài nguyên…; đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng các sản phẩm và phát triển bền vững.

Toàn huyện có 19 HTX, 100% HTX đã thực hiện chuyển đổi mô hình kiểu cũ sang mô hình kiểu mới hoạt động theo Luật HTX 2012. Sau khi chuyển đổi, các HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên và hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển.

Cùng với tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình hoạt động HTX kiểu mới, huyện Cam Lộ ban hành nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, chế biến sâu các sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Một số HTX đã liên doanh, liên kết các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên và nông dân trên địa bàn như: HTX Hiếu Bắc, xã Cam Hiếu liên kết với Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi Quảng Trị sản xuất gần 100 tấn giống lúa/năm, thu nhập tăng thêm 7 triệu đồng/ha so với sản xuất thóc thịt; chủ động cung cấp giống cho các thành viên HTX và các HTX lân cận. HTX Cam An liên kết với Công ty Quế Lâm sản xuất lúa hữu cơ, làm tiền đề cho HTX sản xuất gạo sạch mang thương hiệu Gạo sạch Cam An.

HTX Hồ tiêu Cùa liên kết với với các siêu thị, đại lý để tiêu thụ hồ tiêu và cao chè vằng cho xã viên, mở rộng đại lý bán hàng đến các Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. HTX Trường Sơn ký kết hợp đồng với nông dân sản xuất các loại cây dược liệu để sản xuất tinh dầu… Thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.

Để sản xuất nông nghiệp bền vững thì đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn được xem là giải pháp căn cơ thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Theo đó, HTX, các loại hình hợp tác sản xuất trong nông thôn cần chuyển đổi nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đa dạng liên kết, làm cầu nối xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm của huyện. “Thời gian tới, huyện Cam Lộ xác định tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của HTX, tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tập trung các giải pháp kiện toàn, cải thiện hiệu quả hoạt động của các HTX trong nông nghiệp. Đúc kết kinh nghiệm, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các mô hình, các hình thức tổ chức sản xuất mới hiệu quả trong nông thôn. Đánh giá, xây dựng và vận hành các chuỗi kết nối nông - công - thương hiệu quả, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm chế biến ngày càng sâu, có quy mô lớn gắn với thương hiệu và chất lượng. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất đồng bộ theo mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện quy mô vùng, liên vùng chuyên canh, tập trung nhằm áp dụng hiệu quả các yếu tố sản xuất công nghệ cao gắn với đổi mới hình thức hợp tác sản xuất. Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, sản phẩm hữu cơ, tạo sự đột phá về liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn Cam Lộ phát triển giàu đẹp”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết thêm.

Khánh Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154413