Cam Lộ tích cực thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp

Trên địa bàn huyện Cam Lộ hiện có 3 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 150 ha. Thời gian qua, huyện Cam Lộ đã tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư vào CCN để đẩy nhanh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

 Sản xuất gạch không nung tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, Cam Lộ

Sản xuất gạch không nung tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, Cam Lộ

Với tiềm năng, thế mạnh giao thông thuận lợi dọc Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh, có vùng nguyên liệu tập trung phục vụ phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông sản, Cam Lộ có sức hút hấp dẫn với nhà đầu tư. Lãnh đạo huyện Cam Lộ cũng thường xuyên quan tâm công tác thu hút đầu tư, cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) đăng kí đầu tư; đồng thời nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của DN để có giải pháp tháo gỡ thúc đẩy DN phát triển. Tính đến 30/9/2019, huyện Cam Lộ đã thu hút 35 dự án đầu tư vào các CCN với tổng mức vốn đăng kí 1.153 tỉ đồng, trong đó, có 20 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng, 7 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư; giải quyết việc làm cho trên 890 lao động. DN hoạt động trong các CCN huyện Cam Lộ chủ yếu DN vừa và nhỏ, trong đó phổ biến một số ngành nghề như: sản xuất cột bê tông li tâm và các loại bê tông đúc sẵn; chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ gia dụng; sản xuất gạch lát Terrazzo, gạch và ngói không nung; chế biến tinh bột sắn, sơ chế tinh dầu lạc, may mặc.

Điểm đáng chú ý trong thu hút đầu tư vào CCN trên địa bàn huyện Cam Lộ thời gian qua là đã gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh các ngành nông nghiệp, dịch vụ- thương mại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số DN đầu tư chiều sâu, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Điển hình như dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng thuộc Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đi vào hoạt động tháng 12/2014 tại CCN Cam Hiếu, công suất 60 tấn/ ngày, sản phẩm chủ yếu là chế biến, sấy gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC xuất khẩu, tận dụng nguồn phế phẩm của gỗ để sản xuất viên nén năng lượng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động và tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng cho nhân dân địa phương. Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra vừng nguyên liệu ổn định có chất lượng, đơn vị còn đồng hành với người dân trồng rừng, kí kết thỏa thuận hợp tác với huyện Cam Lộ trồng 1.500 ha rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, trong đó, hỗ trợ toàn bộ chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC cho tất cả diện tích người dân tham gia Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị; cam kết hỗ trợ vốn vay mỗi hecta 8 triệu đồng trong vòng 2 năm đối với những hộ có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC từ 6 năm tuổi trở lên, lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại 2% và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng FSC của các hộ dân tham gia Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị với giá bán cao hơn giá thị trường từ 15-18%. Nhờ gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến, nên các dự án đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện Cam Lộ phát huy được thế mạnh sẵn có, tạo chuyển biến tích cực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Hiện nay, huyện Cam Lộ duy trì hoạt động ổn định tại 3 CCN, đó là: CCN Cam Thành diện tích 25,5 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt gần 100%; CCN Cam Hiếu diện tích 70,5 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 50%; CCN Cam Tuyền diện tích 54 ha đang tích cực thu hút đầu tư, đã có một số dự án lớn đầu tư như Nhà máy bia quốc tế Camel công suất thiết kế 50 triệu lít sản phẩm/ năm, tổng vốn đầu tư trên 500 tỉ đồng… Tuy nhiên, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng CCN triển khai chậm, thời gian kéo dài do chủ yếu được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, trong khi đó nguồn ngân sách huyện còn hạn hẹp nên khó khăn trong bố trí vốn. Đến nay, tổng kinh phí đã thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng các CCN trên địa bàn huyện Cam Lộ hơn 36 tỉ đồng, trong đó CCN Cam Thành 19,2 tỉ đồng; CCN Cam Hiếu 16,5 tỉ đồng; CCN Cam Tuyền 400 triệu đồng. Riêng CCN Cam Thành cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông, điện; còn các CCN khác đang tiếp tục đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cũng gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn, nên việc thu hút các DN đầu tư còn hạn chế. Một số dự án đầu tư vào CCN theo phương thức xã hội hóa trong việc tự đền bù, giải phóng, san lấp mặt bằng làm tăng kinh phí đầu tư ban đầu của dự án.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và khuyến công huyện Cam Lộ Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Thời gian tới, huyện Cam Lộ tiếp tục huy động các nguồn lực, kêu gọi tranh thủ nguồn vốn các dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng kí đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, quảng bá tiềm năng và cơ hội, các chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương để thu hút sự quan tâm của DN đầu tư vào các CCN trên địa bàn. Với các giải pháp đồng bộ, tích cực thu hút đầu tư, triển vọng phát triển các CCN huyện Cam Lộ rất năng động, tạo động lực để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, đưa Cam Lộ phát triển nhanh và bền vững”.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143332