Cảm nắng

Lâm thấp, lại hơi béo, được cái da trắng, nói năng nhỏ nhẹ. Vừa mới hôm nào leo lên cái ghế phó phòng, nay đã lại rời xa để sang tiếp quản chức trưởng phòng khác.

Truyện ngắn

Minh họa của Trung Hiếu.

Minh họa của Trung Hiếu.

Trưởng phòng thì không ngồi chung với các chuyên viên, phòng riêng của Lâm nhìn ra mảnh đất có cây táo dại nhưng sai quả. Có lần, cô chuyên viên mới chuyển đến dáng phổng phao, ăn mặc hơi “mát mẻ” kiếm cớ sang phòng anh, nghiêng người ngó ra cửa sổ bóng gió: “Nếu em thèm chua, sếp có chiều không?”. Lâm đâu phải tay vừa:

- Để anh bảo phòng hành chính thu xếp cho anh căn phòng khác, phòng này để em dọn sang làm nhé.

Cô ấy lượn mất tăm từ năm ấy.

Năm tháng qua đi, cây táo vươn lên nhưng càng thêm khẳng khiu. Mấy chị em bảo, táo cửa phòng sếp Lâm giờ chua lắm. Là tại sao? Tại sếp không chịu đi hát, không chịu đi mát-xa, sếp “hổng” biết yêu chứ sao? Sếp cứ như ông một vợ hai con mãi…

Lúc uống rượu, thủ trưởng hay đùa: Cậu ngoan quá cũng là một cái “tội”. Cậu vô tình, vô nghĩa với các em lắm…

Lâm nghe mà hậm hực lắm, nhưng anh là người nguyên tắc, vượt qua nguyên tắc khác nào đi cầu thang không có tay vịn.

Mùa hè nóng hầm hập, điều hòa chạy hết công suất mà các phòng vẫn nóng bức như nồi chiên không dầu. Thế là một kế hoạch đổi gió được vạch ra chóng vánh. Phải đi đâu có suối, được lặn lội, ngụp lặn rồi thì cá nướng, thịt nướng, quần rộng, áo mỏng cứ gọi là khoáng đạt vô cùng. Căng lều bát lên, hát hò với nhau, sống một ngày buông bỏ…

Lâm bị “hốt” lên xe giữa tiếng cười đùa của chị em:

- Anh Lâm, nghe bảo ai “thịt” được anh sẽ “trường sinh bất lão”.

Mọi người cười hô hố. Nhưng Lâm tỉnh bơ:

- Nhà mình “thịt” nhau chả tác dụng gì. Bụt chùa nhà không thiêng, mà anh hết “đăng kiểm” rồi.

Tất cả cứ hô hố như thế cho đến khi lái xe thốt lên: Mời các vị xuống!

Gì thế này? Hoang sơ thật, tất cả các loại quần short, áo thun, dép xỏ ngón cùng chạy ào ra với cỏ cây, suối thác, còn trơ ra Lâm quần chùng, áo dài lịch lãm giữa thiên nhiên. Nếu là hai mươi năm trước, hẳn sẽ có đứa dìm anh xuống suối cho ướt sũng, nhưng giờ là gã trung niên tóc bạc đến muỗi còn không thèm đốt. “Đã thế, ông đi tìm cái thú vui của ông” - vừa đi Lâm vừa lẩm bẩm…

Lâm một mình lang thang trong rừng, điện thoại mất sóng, đầu óc vô thức, chân đi tìm thứ gì vô định khi mặt trời sắp khuất sau núi. Phía trước mặt có một dòng suối trong mát, thấp thoáng những khóm trúc xanh hệt như trong phim cổ trang. Lâm nhẩm tính, chỗ này mà có cái bàn trà ngồi nhẩn nha với cuốn sách thì thú biết mấy. Bỗng một tiếng “ùm”, kế đến là tiếng thét ở đâu vang lên: “Cứu cứu”, “có người nào không?”.

Bản năng của một cậu bé nông thôn trỗi dậy, Lâm lao xuống dòng suối. Cô gái đang vùng vẫy dưới suối kia ban đầu có vẻ bất ngờ, cố đẩy anh ra nhưng về sau chắc đuối sức hay cảm nhận được độ sâu của nước nên cứ xuôi theo. Lên được bờ, Lâm mới thấy phổi mình đang dồn dập thở và ho vì thiếu ôxy, cô gái được cứu đang nằm trên cỏ, cũng đang thở hổn hển.

- Ôi, cái anh này. Anh làm gì thế?

- Thì… tôi, tôi làm thế chứ còn làm gì?

Cô gái đi cùng “nạn nhân” từ nãy đến giờ mải lấy điện thoại quay clip giờ mới quay sang:

- Nhìn mắt anh này ngơ ngơ thế kia biết là mọt sách đấy Nguyệt ạ, kính anh đâu?

Nguyệt nghe thấy thế bỗng tỉnh táo hẳn ra:

- Không có kính mà bơi giỏi thế, lại còn…

- Thì tôi bơi bằng tay chứ bơi bằng mắt à? Mà sao… lại rơi xuống suối?

- Ơ, bọn em đang diễn để up lên tik tok thì anh lao vào phá hỏng hết kịch bản. Nhưng mà… drama này có khi lại bất ngờ mày nhỉ?

Nguyệt choàng cái áo chống nắng lên người rồi bước đi. Với Lâm, tất cả vụt qua như ảo ảnh. Anh không nhìn rõ một ai nhưng cảm nhận được mái tóc, được vóc dáng và giọng nói của Nguyệt. Màu váy đỏ ấy cứ mờ nhòe dần.

Mọi người tìm thấy Lâm đang ngồi ngẩn ngơ. Khi không đeo kính, nhìn anh trẻ ra đến mấy tuổi, đôi mắt tuy hơi dại nhưng lại toát lên vẻ gì đó đầy hào hứng. Bác Phó Giám đốc phán: “Thôi xong, chú Lâm mà mất kính khác nào Quan Công mất long đao”. Cánh trẻ thì bảo: “Sếp Lâm cứ thế này lại hay, nhìn dễ tính hơn hẳn”. Lâm thì đang cố nhớ lại, mình rơi kính ở đâu? Ở đâu? Sao có thể rơi được…

Tối đến, cả đoàn cắm trại đốt lửa, nướng thịt và bật nhạc nhảy tưng bừng. Đang vui thì cơn mưa ập đến. Mưa núi nhanh như ngựa phi. Người chạy, gọi nhau ý ới, túm tụm nhau trong hang đá. “Ai nhóm lửa thế?”, “Anh Lâm đấy!”. Giữa đống lửa, không tiếng nhạc, tiếng hát, mọi người lặng yên nghe Lâm kể chuyện. Hóa ra, khác với cái vẻ thư sinh xanh mướt quần chùng, áo dài hằng ngày, anh vốn là cậu bé nông thôn lăn lộn để ăn học cho đến hôm nay.

Mưa ngày càng nặng hạt, thi thoảng lại có vài người đến nhập bọn. Thì ra ở đây còn mấy nhóm khách khác, chắc cũng đều là dân văn phòng cả. Trong ánh lửa, với cặp mắt không kính, Lâm thấy thấp thoáng như bóng hình ai đó, mùi hương nào đó, cứ lạ lạ, quen quen, rồi lại như không phải là như thế.

Mưa mãi chưa tạnh, sấm vẫn ùng ục trên trời, núi rừng hoang vắng. Thế rồi chẳng ai bảo ai, ngồi dựa lưng nhau, cứ thế hát. Hết những bài hào hùng rồi đến tình yêu lâm li, bi lụy “say thì cứ say, yêu thì bỏ đi…”. Cho đến khi mệt, nhiều người ngủ thiếp đi, gối đầu trên balo và những vật dụng mang theo. Lâm cũng chẳng biết mình thiếp đi từ lúc nào nhưng khi anh choàng tỉnh đã thấy mọi người lục tục ra xe. Điều lạ lùng nhất là chẳng biết từ bao giờ, cặp kính tưởng đã “một đi không trở lại” đã xuất hiện trên sống mũi anh.

Từ hôm ấy về mọi người bắt đầu kháo nhau rằng Lâm được nữ thần “mượn kính”. Biết là chỉ có con nít mới tin nhưng chính Lâm cũng không thể lý giải được. Chỉ biết rằng, anh đã đi khắp các phòng trong cơ quan, dự các cuộc họp gần hai tháng nay mà chưa tìm thấy mùi hương quen thuộc từ cô gái hôm nào. Ngày thẫn thờ, tối về lục tung các clip trên youtobe và tik tok, anh vẫn chưa tìm thấy khuôn mặt thân quen.

Một năm sau, Lâm được mời đến dự một buổi tiệc. Thực ra, anh không phải là thành phần đến dự hội nghị nhưng là khách mời thân quý của thủ trưởng đơn vị. Khi men rượu đã khiến cho những câu chuyện thêm hào hứng, anh bạn mới nói to với cả mâm:

- Mọi người có tin, anh Lâm đến giờ này vẫn “muốn một mình nhưng sợ cô đơn” không?

Các cô gái trẻ cùng “ồ” lên. Nhưng tất cả lại lắng xuống nhường chỗ cho tiếng đũa bát. Lâm hiểu mình đã ngoài bốn mươi, sức hấp dẫn đã không còn được như xưa nữa. Khi tiệc đã gần tàn, có một cô gái mặc váy màu đỏ từ bàn tiệc khác cầm chiếc ly tiến đến chỗ anh ngồi:

- Anh Lâm mặc áo xanh này vẫn là đẹp nhất. Cảm ơn anh…

Lâm nghĩ rằng đó chỉ là lời khen xã giao. Anh uống cạn ly rượu theo phép lịch sự nhưng bất chợt có một làn hương vừa lọt vào tâm trí anh và phảng phất. Đúng rồi, hôm nay anh cũng đang mặc chiếc áo ấy và cô gái và chiếc váy đỏ kia…

Khi anh vội vã chạy ra sân thì mọi người đang chen chúc để tìm xe và ra về. Lâm không chỉ có một chiếc váy đỏ, Lâm cố căng mắt ra để nhìn và chưa biết chạy theo ai? Tình yêu là nắng gắt dễ làm người ta say nhưng lại mong manh đâu dễ kiếm tìm…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361706-cam-nang