Cẩm nang giải nguy cho 'hội ế' ngày Tết
Có những 'chất vấn đầu xuân' mà dù ghét đến mấy, 'hội ế' vẫn phải trả lời. Nếu bạn cũng đang 'ê sắc', đừng bỏ qua cẩm nang dưới đây.
Dịp… bị “khảo”
Tết là thời điểm sum họp, nhìn lại năm qua và hứa hẹn năm nay. Nếu hỏi ai không thích “sum vầy ngày Tết” nhất, câu trả lời chắc chắn là… “hội ế”.
Một khi đã trong diện “ế”, bất kể bạn độc lập về tài chính hay sống phụ thuộc vào gia đình, có công ăn việc làm hay đang thất nghiệp, muốn kết hôn hay tiếp tục duy trì “kiếp độc thân”… thì vẫn là “kẻ chưa hoàn hảo” trong mắt người thân, họ hàng, làng xóm. Bởi vì, thành gia là chuyện quan trọng nhất đời người, trai lớn đương nhiên phải lấy vợ và gái lớn tất yếu phải gả chồng. Bạn mới chỉ là một nửa và bạn cần có nửa kia.
Không có dịp Tết nào, “hội ế” thoát khỏi loạt câu chất vấn liên quan đến chuyện tình cảm cá nhân và dự tính kết hôn. Ngay cả khi chẳng chút quan tâm, khách đến nhà vẫn hỏi “có người yêu chưa, khi nào mới chịu cưới”.
Khách quan mà nói, họ chỉ “hỏi cho có câu chuyện”, vì ngoài chủ đề này ra, họ cũng không biết phải bắt đầu cuộc thoại bằng điều gì khác.
Sau chuyện hôn sự là đến đường công danh, sự nghiệp, thậm chí cả con cái, vóc dáng, cân nặng… Và, gần như là với khúc mắc gì, đề xuất tháo gỡ cuối cùng vẫn là… kết hôn. Cứ như thể, chỉ cần “có đôi có cặp” thì “vạn sự hanh thông”.
Đối phó bằng… lời lạ
Hẹn hò thời nay không phải chuyện dễ. Đa phần “hội ế” vẫn độc thân vì quá bận rộn với công việc, chưa gặp gỡ đúng đối tượng và lo sợ chưa đủ năng lực gánh vác gia đình, chứ không phải họ không muốn kết hôn.
Trước những “chất vấn” và hối thúc, ai nấy đều “ôm một bụng bực dọc”. Vì không thể thất lễ bỏ ngang cuộc nói chuyện, nhiều người chọn cách… cắm đầu vào điện thoại, nhưng đây không phải là hành vi nên làm.
Cách đơn giản nhất để tránh “chất vấn đường tình duyên” dịp đầu năm là đổi chủ đề trò chuyện. Những người có ý tứ sẽ nhận thấy họ đang vô ý và thôi không “xoáy” nữa. Tuy nhiên, cách này không hiệu quả với những “bề trên” ưa “giáo huấn”.
Nếu đã không thể “né”, bạn hãy trả lời thật nhiệt tình, cứ việc “chém gió thành bão” rằng mình đã nỗ lực biết bao, “bị đá” thảm thương như thế nào, mong muốn có người yêu ra sao… và đừng quên sử dụng toàn “từ vựng tình yêu” mới nhất mà các “bề trên” không theo kịp.
Họ sẽ sớm bị cuốn vào các “từ mới”, cần được bạn giải nghĩa và chính vào lúc này, vai trò “người giáo huấn” và “kẻ bị giáo huấn” đổi chiều. Nhân đây, bạn cũng có thể “phổ cập kiến thức” về “hẹn hò, kết hôn thời hiện đại” cho họ hiểu, tránh nguy cơ Tết năm sau bị “phiền” tiếp.
Đối với các “chất vấn đầu xuân” khác, bạn cũng có thể áp dụng “chiêu” này. Ví dụ như lấy tình trạng sinh quyển giải thích nguyên nhân chưa có ý định sinh con.
Khẩu trang… trả lời sẵn
Năm ngoái, “hội ế” Trung Quốc sáng tạo được một tuyệt chiêu đối phó “chất vấn đầu xuân” vô cùng độc đáo. Đó là khẩu trang theo chủ đề Tết Nguyên đán.
Họ in trên mặt trước của kiểu khẩu trang này các câu trả lời cho những câu hỏi mà năm nào cũng gặp. Ví dụ, “Chúc mừng năm mới. Tôi chưa có người yêu. Tôi chưa muốn kết hôn” hoặc “Cung chúc tân xuân. Cần công việc. Cần người yêu”…
Trong bối cảnh Tết nhiều hạn chế vì phòng chống dịch, khẩu trang của “hội ế” hóa ra lại “lợi hại đủ đường”. Với nó, họ vừa tránh phải nhắc đi nhắc lại câu trả lời, vừa thể hiện tính hài hước.
“Đằng nào cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang nên tôi thấy, thêm vào chút hài hước và tiện dụng thì tâm trạng thoải mái hơn”, Tan Li Ling, người sáng tạo ra “khẩu trang Tết cho hội ế” vui vẻ chia sẻ.
Tại Singapore, “khẩu trang Tết cho hội ế” được bán với giá khoảng 10 đô/chiếc (tầm 170 nghìn đồng). Về cơ bản, nó không khác gì khẩu trang bình thường nên nếu muốn, bạn cũng có thể tự thiết kế và may (hoặc thuê may) cho mình một chiếc.
Tất nhiên, các cách thức đối phó trên chỉ áp dụng với đối tượng “kiếm chuyện làm quà”. Trước những người thật lòng lo nghĩ cho bạn, đừng “chiêu trò” mà hãy trả lời thật tâm. Mọi nỗi khổ, cái khó đều có thể được cảm thông, tháo gỡ.
Xét cho cùng, độc thân không có gì xấu cả. Chúng ta đang sống trong thời đại tự do, độc lập, đàn ông hay phụ nữ cũng chỉ nên kết hôn vì bản thân muốn chứ không phải vì bị cha mẹ ép, kinh tế buộc, xã hội cần…
So với việc lo “đáp trả”, “hội ế” cứ việc “vui, trẻ, khỏe” và để tình yêu, hôn nhân đến một cách tự nhiên thì hay hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cam-nang-giai-nguy-cho-hoi-e-ngay-tet-post623179.html