'Cẩm nang pháp luật' giúp giảm tải công việc cho cán bộ tư pháp địa phương của chị Phạm Thị Trang Đài
Thấu hiểu nỗi vất vả của cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã nói chung và cán bộ ngành tư pháp nói riêng, chị Phạm Thị Trang Đài (SN 1972, Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng) không ngừng nghiên cứu, cải tiến liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật giúp 'giảm tải' cho cán bộ cũng như dễ dàng phổ biến đến người dân.
Lấy công việc, nghiên cứu luật làm niềm vui
Gắn bó với ngành Tư pháp từ năm 1995, đến nay đã 29 năm nhưng chị Phạm Thị Trang Đài vẫn nguyên nhiệt huyết như thuở ban đầu. Theo học ngành ngôn ngữ trường Đại học Đà Lạt, đã quen với những câu chữ bay bổng, sau khi ra trường cô sinh viên không ngờ bén duyên với ngành tư pháp vốn “khó – khô – khổ”.
Miệt mài gắn bó 19 năm với công tác tổng hợp, chị Trang Đài chuyển qua bộ phận hành chính tư pháp rồi theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính và hiện tại là thanh tra. “Mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên tôi nghĩ là hôm nay sẽ làm gì. Cứ thứ bảy, chủ nhật, sau khi sắp xếp xong việc nhà, tôi lại lên cơ quan một mình để nghiên cứu các quy định pháp luật phục vụ công việc”, nữ cán bộ Tư pháp chia sẻ.
Với chị Trang Đài, công việc nào cũng vất vả nhưng phải có trách nhiệm, có lòng tự trọng của mình. Chị cảm thấy vui mỗi khi nghiên cứu, giải đáp được các thắc mắc của mọi người liên quan đến công việc như quy định về xử phạt, mức phạt ra sao?
Chị Trang Đài lấy ví dụ: khi tiếp cận luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), ở Điều 24 có nói tới hơn 100 lĩnh vực xử phạt, còn hành vi thì lên tới hàng ngàn. Bí quyết của nữ công chức Thanh tra Tư pháp là nghiên cứu mỗi hành vi tương ứng với 1 Nghị định xử phạt để dễ hệ thống, ghi nhớ. Chẳng hạn, với lĩnh vực hôn nhân gia đình, lĩnh vực dân số, lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực đất đai, lao động, giao thông… được quy định tại những Nghị định nào. Nhưng cũng có lĩnh vực luật quy định nhưng chưa có Nghị định hướng dẫn, nhất là trong lĩnh vực tôn giáo, lĩnh vực lưu trữ;… sẽ được chị lưu lại để khi cần có thể nghiên cứu liền.
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Lâm Đồng, pháp luật điều chỉnh tất cả các hoạt động đời sống xã hội nên cũng thay đổi theo đời sống và cần thường xuyên cập nhật sự thay đổi đó. Do vậy, sau khi nghiên cứu, chị Trang Đài lập một danh mục có 76 Nghị định và 1 pháp lệnh về XLVPHC, trong đó thống kê từng lĩnh vực và tương ứng với số tiền phạt tối đa. Danh mục này sẽ làm “cẩm nang” phục vụ cho tất cả công chức và người dân nếu họ có nhu cầu tìm hiểu pháp luật.
Ví dụ một người ở xã muốn tìm hiểu về mức xử phạt giao thông đường bộ tối đa là bao nhiêu thì bảng thống kê của chị Đài cho kết quả 75 triệu đồng, thay vì mọi người phải đi tìm các quy định đọc từng điều khoản. Hay xử phạt ở tối đa ở lĩnh vực thể thao là 50 triệu, lĩnh vực du lịch mức phạt tối đa là 50 triệu…
“Nếu bất ngờ hỏi mức phạt tối đa của từng lĩnh vực chính bản thân tôi cũng không nhớ hết nên lập bảng thống kê này mọi người có thể đối chiếu dễ dàng. Tôi sẵn sàng chia sẻ những tư liệu này để mọi người hiểu luật dễ dàng hơn”, chị Đài cho hay.
Ấp ủ 3-4 năm, nhưng phải đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC năm 2020 có hiệu lực, chị Đài mới bắt tay vào lập bảng thống kê. Chỉ làm trong 2 tháng, vừa làm công việc cơ quan, chị Đài lại miệt mài tìm hiểu về các lĩnh vực XLVPHC.
Quá trình hoàn thiện chị Đài luôn phải so sánh, đối chiếu các quy định. Chị ví dụ: lĩnh vực XLVPHC về dân số mức tối đa là 30 triệu đồng, về dược, về mỹ phẩm, về khám bệnh, chữa bệnh luật quy định mức tối đa là 100 triệu đồng, đối chiếu về xử phạt trong lĩnh vực y tế là Nghị định 117/2020/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 117/2020/NĐ-CP xem mức xử phạt có thống nhất với luật hay không.
Cải tiến này của chị Đài được Chủ tịch Hội đồng sáng kiến Sở Tư pháp cấp Giấy chứng nhận sáng kiến, giải pháp hữu ích cấp cơ sở, Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng cấp tỉnh và cơ sở. Đến cuối năm 2023, cải tiến của chị Đài đã thống kê và cập nhật 77 Nghị định và 1 pháp lệnh liên quan đến 106 lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính.
Thấu hiểu vất vả, sẵn sàng “chia lửa” với công chức cấp xã
Quan tâm tới các đồng nghiệp, chị Phạm Thị Trang Đài đặc biệt thấy đồng cảm với sự vất vả của các công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã. Mỗi lần đi kiểm tra, chị thấy công chức cấp xã làm việc đến 18h chưa về, liên tục giải thích cho người dân về thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, cập nhật trên hệ thống (hiện nay đã có lực lượng bưu điện tiếp nhận hồ sơ).
Từ việc nhận thấy một công chức phải làm rất nhiều việc nên chị đã lập danh mục Hệ thống hóa một số nhiệm vụ cụ thể của chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Theo đó, công chức phải làm 16 đầu việc như: Theo dõi thi hành pháp luật, XLVPHC, Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, nuôi con nuôi, chứng thực… Để làm được đề tài này, nữ phó Chánh thanh tra phải tham khảo 12 Luật, 19 Nghị định và 7 Thông tư thuộc lĩnh vực tư pháp để tìm ra nhiệm vụ của công chức cấp xã.
Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Lâm Đồng quan niệm rằng, giúp cán bộ công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã cũng là để giúp các thủ tục của người dân được nhanh chóng, hiệu quả. Và những đề tài, kiến thức tìm hiểu của mình chỉ mang tính tham khảo cho người khác: “Mình không phải cơ quan có thẩm quyền, không thể phán quyết một vấn đề pháp lý đúng hay sai mà chỉ mang tính chất tham khảo, giúp cho các đồng nghiệp khác. Khi phát hiện vấn đề thì mình tập hợp lại, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn. Trường hợp có bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm hoàn thiện pháp luật”, chị Đài cho biết thêm.
Từ đề tài này, công chức cấp xã có thể cập nhật ngay dữ liệu, đỡ mất thời gian tìm kiếm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành tư pháp. Cũng nhờ hệ thống lại nhiệm vụ công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã đã giúp các phòng, ban hiểu được công chức cấp xã vất vả mà phối hợp, không quan liêu.
“Các phòng ban khi nhìn vào nhiệm vụ, chức năng của công chức cấp xã để chia sẻ, hướng dẫn nghiệp vụ cho họ; hoặc mình làm được việc gì ở cấp tỉnh, cấp huyện để cho cấp xã dễ dàng triển khai hơn thì làm. Vì vậy tôi làm bảng thống kê cũng như nhiệm vụ của cấp xã để từ đó họ đối chiếu, biết được vấn đề đó giải quyết thế nào”, chị Đài nói.
Khi được hỏi về những vất vả của quá trình làm, chị Đài chỉ cười cho rằng đó là niềm vui, niềm đam mê của mình nên không hề thấy mệt mỏi. Chị bật mí thêm từ cuối năm 2023 đã cập nhật và hệ thống lại một số quy định pháp luật có liên quan đến công việc được giao thường ngày mà chị cùng các đồng nghiệp, công chức các sở ngành, công chức cấp huyện, xã có dịp cùng trao đổi, nghiên cứu.
Ngoài ra, các cải tiến của chị Phạm Thị Trang Đài còn phải kể đến Giải pháp nâng cao công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; xây dựng; thuế; khoa học và công nghệ; Kế hoạch và đầu tư… góp phần hoàn thiện thể chế trên địa bàn tỉnh. Những danh mục VBQPPL sau rà soát sẽ là căn cứ để các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham khảo, làm căn cứ áp dụng; đồng thời cập nhật nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền có hình thức xử lý phù hợp đối với các quy định của pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành mới.