Cảm nghĩ của cậu hacker trẻ tuổi khi lần đầu tiên online sau 2 năm bị chính phủ cấm lên mạng
Hành động quậy phá trên mạng của Kane Gamble, biệt danh 'Cracka' đã phải trả giá bằng sự tự do.
Đêm ngày 19 tháng Tư, Kane Gamble chăm chú theo dõi chiếc đồng hồ treo trên tường phòng, hồi hộp chờ tới thời khắc nửa đêm.
Gamble, hacker với mật danh online là Cracka, là thành viên cốt cán của tổ chức Crackas With Attitude - CWA. Thời điểm cuối 2015 và đầu 2016, Gamble làm mưa làm gió tại đất Mỹ khi chiếm đoạt thành công tài khoản cá nhân của một số nhân viên chính phủ, bao gồm tài khoản email AOL của giám đốc CIA khi ấy là John Brennan, tài khoản đăng nhập Internet tại nhà của Giám đốc tình báo quốc gia đương thời là James Clapper, cùng việc lấy thành công nhiều công cụ khác của chính phủ Mỹ. Lúc ấy, Gamble mới 15 tuổi.
Gọng kìm pháp luật sớm siết chặt, Gamble đối diện với bản án 2 năm tù với tội danh đứng đầu tổ chức CWA. Từ thời điểm đó, Gamble đã không sử dụng máy tính mà cũng không được phép chạm tay vào bất cứ thiết bị có kết nối internet nào, lệnh cấm đáo hạn vào ngày 20/4/2020. Đêm ngày 19, cậu nín thở đếm ngược từng giây cho tới khi mình được online một lần nữa.
Những thành viên của CWA không phải những kẻ giỏi nhất, nhưng người ta biết nhiều tới họ do sự to mồm và láo lếu. Với nhóm tin tặc này, mục đích chẳng phải họ hack được cái gì, mà tiếng vang lớn ra sao khi mục tiêu của họ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể hiểu CWA là “hậu thế” của tổ chức Anonymous, không tài năng xuất chúng nhưng trẻ hơn, xông xáo bất cần hơn. Khi được hỏi trên kênh CNN về việc tổ chức CWA tinh vi tới mức nào, Gamble nói rằng CWA “chắc ở mức trung trung”, và rằng “đội ngũ chúng tôi không hẳn thiếu hiểu biết, mà cũng chẳng thông minh cho lắm”.
Đến khi chính phủ Mỹ và Anh Quốc hợp lực bắt giữ những thành viên chủ chốt của CWA, trong đó có cả Gamble, nhóm mới dừng hoạt động. Gamble chịu án 2 năm tù.
“Ngay khi đồng hồ chỉ thời lúc nửa đêm, tôi tạo tài khoản Twitter ngay lập tức và liên lạc với những cậu bạn hacker mũ trắng xưa kia”, Gamble kể lại với phóng viên Vice trong một buổi chat cuối tháng Tám. “Cảm giác kỳ lạ lắm. Cảm giác rất sung sướng”.
Gamble đã được thả tự do, sau 8 tháng ngồi tại nhà giam Belmarsh, hay còn được gọi là “Hellmarsch” do an ninh cực kỳ chặt chẽ và môi trước sống khắc nghiệt bậc nhất, và hơn 1 năm thử thách.
“Rõ ràng tôi không phải khủng bố mạng và đã bị người ta hiểu nhầm. Tôi nghĩ rằng người ta đã xử quá nặng tay so với những gì tôi đã làm. Tôi chỉ là cậu thanh thiếu niên quấy phá trên mạng thôi, tôi hiểu những gì mình làm là sai nhưng chẳng đến mức ngang hàng ‘khủng bố’, tôi thấy mình giống trẻ con bày trò trên mạng thì đúng hơn”.
Gamble vẫn ăn năn về những gì mình đã làm, đã tốn nhiều thì giờ nghĩ ngợi về hành vi của mình sau cánh cửa phòng giam.
“Tôi nghĩ rằng nhiều vụ tấn công nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì tôi đang cảm thấy ở thời điểm đó. Tôi không biết là tội nặng thế cho tới khi đối mặt với những bản án”, Gamble nói. “Giờ tôi không phải con người đó nữa rồi … Khi ấy, tôi còn trẻ và dại dột lắm”.
Suốt thời gian qua, Gamble kể mình đang cố gắng chen chân vào ngành bảo mật mạng, học thêm nhiều điều về nền tảng web, an ninh trên thiết bị di động cũng như cơ sở hạ tầng internet nói chung. Gamble kể rằng mình đã phát hiện ra lỗ hổng bảo mật trong hai ứng dụng nhắn tin nổi tiếng, và cũng nhận về phần thưởng thông qua chương trình trao giải cho người “săn” được lỗi.
“Tôi trưởng thành hơn rồi và chẳng hứng thú với thế giới tội phạm nữa. Giờ tôi chỉ muốn sống cuộc đời của mình thôi :)”, Gamble chat.