Cảm nhận trên đất Israel (Tiếp theo và hết)

Rời Bức tường Than Khóc, đi lên các bậc đá phía đối diện cao khoảng 15m, chúng tôi theo các hành lang vào các phố cổ quanh co thăm các di tích như núi Thánh Sion, Hầm mộ vua David - một thánh tích đạo Do Thái, cạnh đó là phòng Bữa tiệc ly nơi Chúa Jesus chia tay lần cuối với các tông đồ, rồi đến khu vực Nhà thờ Mộ Chúa (Church of the Holy Sepulchre).

Tác giả thăm cảng cổ Yaffa tại TP Tel Aviv-Yaffo. Ảnh: CTV

Tác giả thăm cảng cổ Yaffa tại TP Tel Aviv-Yaffo. Ảnh: CTV

Tham quan các thánh tích

Mộ Chúa là một nhà thờ lớn, được xây dựng từ năm 326 trên ngọn đồi mà ngày xưa Chúa Jesus vác thánh giá đi 5 trạm cuối trong 14 chặng đường, sau đó ngài bị đóng đinh lên thánh giá, đưa đi khâm liệm và chôn cất.

Tôi xúc động khi thấy nhiều đoàn hành hương, cầu kinh lầm rầm khi đi ngang qua vị trí Chúa bị đóng đinh (hiện vẫn có một hình tượng ngài bị đóng đinh trên thánh giá), thấy nhiều tín đồ phủ phục trên tấm ván liệm Chúa để than khóc và cầu kinh hàng giờ, thấy hàng trăm người - có những cụ già trên 80 tuổi - chen chúc chờ vào tháp Mộ Chúa.

Có thể nói, thời điểm tôi vào thăm nhà thờ có khoảng 400-500 người đang chen chúc cầu nguyện. Tôi cũng đi vòng phía sau khu tháp Mộ Chúa là nơi mô phỏng hình tượng Chúa phục sinh sau 3 ngày chôn cất theo niềm tin của người Kitô giáo.

Sau khi từ Nhà thờ Mộ Chúa ra, chúng tôi tiếp tục đến khu phố người Armenia sinh sống, buôn bán. Người Armenia là một dân tộc giỏi làm đồ thủ công và buôn bán, sống trải rộng khắp vùng Trung Cận Đông và Trung Á.

Qua khu phố người Armenia, thì đến tháp David cũng là một thánh tích của đạo Do Thái - một điểm đến tham quan. Tại đây, mọi người đều mua vé (khoảng 30 USD) để vào xem trình diễn show ánh sáng vào buổi tối về lịch sử bi tráng của dân tộc Do Thái, từ thời lập quốc của các tổ phụ đến các giai đoạn bị người Hy Lạp, La Mã, Byzantine, Ottoman xâm chiếm, nô lệ mất nước mấy nghìn năm mới tái lập được nhà nước của mình trên mảnh đất đang sống.

Có thể nói ở TP Jerusalem, các thánh tích tôn giáo lớn nằm đan xen nhau, nhiều dân tộc chung sống, nhiều lớp lịch sử chồng chất lên nhau nên dễ xảy ra xung đột phức tạp. Tuy nhiên, theo thống kê của Nhà nước Israel, hàng năm có 3-4 triệu du khách trên thế giới đến đây du lịch, tham quan, hành hương, số lượng gấp 2 lần dân số thành phố.

Ngày thứ 2 trên đất Israel, theo đồng hồ đếm bước đi, chúng tôi đi bộ cũng gần 15km, ai nấy đều mệt nhưng rất hào hứng.

Chuyến đi nhiều cảm xúc

Ngày cuối cùng, chúng tôi từ Jerusalem đi TP Tel Aviv-Yaffo, thành phố hiện đại và đông dân nhất Israel. Đi trên xa lộ rộng, hầu hết là 6 làn xe, hai bên đường là nhiều khu định cư tập trung của người Do Thái có hàng rào dây kẽm bao quanh nằm trên các ngọn đồi, chủ yếu là các dãy nhà 3-4 tầng màu trắng xám.

Dọc đường, nhìn những vườn olive trên đất đồi cằn cỗi, vườn cam, nho, chuối nơi đất thấp tốt hơn, những nhà kính phủ bạt ni lông trồng rau, dâu tây…, chúng tôi hiểu rằng người Israel đã cố gắng áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề thực phẩm cho mình.

TP Tel Aviv-Yaffo đường phố rộng, khang trang, sạch sẽ, nhiều cây và hoa trên đường, có cả phượng tím, muồng, bạch đàn, hoa giấy… trồng dọc phố. Đường tàu điện 2 chiều khá hiện đại đi các nơi khác. Khu cảng cổ Yaffa và vùng vịnh biển Địa Trung Hải với bờ kè đá, ngọn hải đăng và các dải đá ngầm là những địa điểm nổi tiếng ở đây.

Hiện Yaffa là một cảng dành cho tàu du lịch với nhiều hàng quán ăn uống, bán đồ lưu niệm cho du khách. Tôi được đi thăm khu phố cổ ở Yaffa với các con hẻm quanh co có tên đường, số nhà riêng (không có dấu xẹt), đường lát bằng đá với nhiều bậc lên xuống, nhà cũng xây bằng đá, có nhiều đoàn du khách đến thăm.

Đoàn chúng tôi vào thăm một cửa hàng bán đồ trang sức được xây dựng theo kiểu vòm đá, sau đó theo một lối đi dốc lên quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, vào bên trong nhà thờ đang có người cầu nguyện, rồi đi dọc hai bên quảng trường có nhiều cửa hàng dịch vụ để mua đồ lưu niệm, ngắm vườn hoa nhỏ có nhiều màu sắc sặc sỡ.

Rời cảng Yaffa, đi ăn trưa ở một nhà hàng trên bờ Địa Trung Hải với món bánh mì nướng như bánh tráng và hàng chục món rau dọn sẵn ở bàn ăn.

Hơn 1 giờ chiều, từ Tel Aviv-Yaffo, chúng tôi về lại hướng Jerusalem để qua Jordan bằng cửa khẩu Allenby. Trở lại Trạm kiểm soát cửa khẩu số 18, lần này không nghiêm ngặt bằng lúc nhập cảnh nhưng cũng mất hơn 30 phút chúng tôi mới được cấp giấy phép xuất cảnh, không phải đóng dấu vào hộ chiếu.

Qua trạm cửa khẩu, đổi xe của phía Jordan, đi tiếp về hướng cao tốc Amman - Aquaba, ngang qua gần sân bay Amman, đi về hướng nam khoảng 6 giờ rồi rẽ vào TP Petra của Jordan cách cao tốc khoảng 60km. Mãi đến hơn 9 giờ tối, đoàn mới đến khách sạn ở Petra để nghỉ ngơi.

Hơn 2,5 ngày trên đất Israel để lại trong tôi một số cảm nhận về một đất nước có diện tích nhỏ, dân số không đông nhưng có đến hai nhà nước cùng tồn tại (nhưng chỉ Nhà nước Israel có quân đội). Một đất nước có nhiều thánh tích các tôn giáo lớn đan xen nhau, khách đến số đông là các tín đồ tôn giáo, nhiều khu vực dân cư Do Thái và Palestine sống chung với nhau và cùng chia sẻ dịch vụ du lịch để phát triển.

Một đất nước có 7-8 triệu người theo đạo Do Thái sùng tín sống với chung quanh hàng trăm triệu người (kể cả các nước Hồi giáo có chung biên giới), nhưng mạnh mẽ tồn tại với một sức sống mãnh liệt, một nền khoa học công nghệ tiên tiến, một nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Một đất nước phần lớn là đất đai bán sa mạc và núi đá đã hình thành được một nền nông nghiệp công nghệ cao hiện đại. Những điều ấy đáng suy ngẫm biết chừng nào.

Hơn 2,5 ngày trên đất Israel để lại trong tôi nhiều cảm nhận về một đất nước có diện tích nhỏ, dân số không đông nhưng có đến hai nhà nước cùng tồn tại (nhưng chỉ có Nhà nước Israel có quân đội). Một đất nước có 7-8 triệu người theo đạo Do Thái sùng tín sống với chung quanh hàng trăm triệu người (kể cả các nước Hồi giáo có chung biên giới), nhưng mạnh mẽ tồn tại với một sức sống mãnh liệt, một nền khoa học công nghệ tiên tiến, một nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

ĐÀO TẤN LỘC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/300460/cam-nhan-tren-dat-israel-tiep-theo-va-het.html