Cảm ơn bác sĩ cho tôi được sống thêm lần nữa...
Mạng lưới 'Thầy thuốc đồng hành' do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sáng lập với hơn 12.400 y, bác sĩ tham gia đã đóng góp một phần rất lớn trong công tác điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà.
Sau hơn 6 tháng khởi động, các y bác sĩ của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đã hỗ trợ cho hơn 515.300 bệnh nhân COVID-19. Trong đó có những câu chuyện, mặc dù thời gian đã qua khá lâu nhưng vẫn đọng lại trong tâm trí của các bác sĩ mỗi khi nhắc đến quãng thời gian tham gia hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh – thời điểm khó khăn nhất của ngành y tế Việt Nam.
Chậm giây nào là nguy hiểm tính mạng người bệnh giây đó
BS Hà Thị Hương Giang - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương kể, những ngày đầu khi vừa tham gia gọi điện hỗ trợ người bệnh, có một gia đình cả 4 người đều bị nhiễm COVID-19. Khi các bác sĩ gọi điện tư vấn điều trị thì các thành viên đã mắc bệnh 3-4 ngày, trong đó cụ bà bị tiểu đường đã rơi vào tình trạng lơ mơ, đáp ứng kém…
Ngay lập tức bác sĩ đã gọi videocall để đánh giá tình trạng bệnh, sau đó liên hệ với bên cấp cứu để nhanh chóng đưa người bệnh đến viện, nhưng lúc đó TP Hồ Chí Minh đang bị quá tải, việc tiếp cận với lực lượng 115 rất khó khăn, hơn nữa người bệnh lại trong khu phong tỏa, ngõ ngách sâu, do vậy xe cấp cứu không thể đến kịp, bệnh nhân không qua khỏi. Mặc dù đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không cứu được bệnh nhân, mình cảm thấy rất buồn và áy náy.
Một vài ngày sau, cụ ông vì đau thương quá độ do vợ mất nên bệnh cũng chuyển nặng. Chúng mình phải theo dõi rất sát sao, ngoài hướng dẫn cách điều trị, theo dõi, tập luyện để nâng cao sức khỏe còn phải kết hợp với gia đình động viên tinh thần người bệnh và may mắn ông đã vượt qua được…
Sau khi hồi phục sức khỏe, gần như là ngày nào ông cũng gọi cho mình tâm sự những kỷ niệm về bà… Đến giờ đã 6 tháng trôi qua nhưng thỉnh thoảng ông vẫn gọi điện hỏi thăm, động viên mình cố gắng công tác tốt, làm nhiều việc thiện giúp ích cho đời và kết thúc cuộc gọi luôn là lời cảm ơn của ông gửi đến các y bác sĩ "đã hồi sinh sự sống cho nhiều phận đời", BS Giang kể.
Tại TP. Hồ Chí Minh có trường hợp hai cô chú khá lớn tuổi, chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19, khi phát hiện nhiễm bệnh, cô chú trong diện được đi cách ly tập trung nhưng do không có triệu chứng nên xin được chữa trị tại nhà để nhường suất đi điều trị tại viện cho những người bệnh nặng hơn.
Ngày thứ 4 điều trị tại nhà, người chồng chuyển sang khó thở, SpO2 tụt 95%, các bác sĩ đã hướng dẫn cho người bệnh sử dụng thuốc kháng viêm, chống đông và tập thở để kéo oxy lại và dặn dò kỹ lưỡng tình trạng như vậy chưa cần dùng đến bình oxy. Tuy nhiên do quá lo lắng, cả nhà đã "lùng" tìm oxy trên mạng với giá khá đắt đỏ và cho người bệnh dùng. Đến sáng hôm sau, gia đình "hồ hởi" khoe đêm qua đã cho bệnh nhân thở hết cả bình oxy. Bác sĩ giật mình! Bởi nếu sử dụng liều cao như vậy có thể dẫn đến ngộ độc oxy, và rất may trường hợp xấu này đã không xảy ra với bệnh nhân.
"Trong quá trình hỗ trợ người bệnh, chúng tôi không dám rời điện thoại, máy tính, lúc nào cũng kè kè bên mình, có khi đang đi trên đường phải dừng lại mở máy tính để kịp thời chuyển bệnh nhân đi cấp cứu, chậm giây nào là nguy hiểm tính mạng đến giây đó", BS Giang tâm sự.
Cảm ơn bác sĩ đã cho tôi được sống thêm lần nữa…
ThS. BS Đỗ Doãn Bách - Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai nhớ lại một lần khi gọi điện hỗ trợ bệnh nhân điều trị tại nhà, người bệnh khi phát hiện dương tính đã gọi điện cho y tế địa phương nhưng không liên lạc được nên rất hoảng loạn.
Khi được bác sĩ mạng lưới thầy thuốc đồng hành gọi điện hỏi thăm tình trạng sức khỏe, bệnh nhân đã òa khóc "...Tôi bị sốt mấy ngày nay rồi nhưng không có ai chăm sóc, tôi rất sợ...", sau khi động viên, giúp bệnh nhân bình tĩnh lại các bác sĩ đã hướng dẫn bệnh nhân cách dùng thuốc, theo dõi các chỉ số SpO2, huyết áp… cũng như chế độ dinh dưỡng, tập luyện để nâng cao sức khỏe…
Vài ngày sau, bệnh nhân gọi điện khoe: "Được bác sĩ tư vấn gọi điện hỏi thăm mỗi ngày, tôi thấy yên tâm hơn và dường như bệnh cũng hồi phục nhanh hơn…", "Tôi cảm ơn bác sĩ rất nhiều, cảm ơn bác sĩ đã cho tôi được sống thêm lần nữa"…
"Những tiếng nói nhát ngừng của người bệnh khiến chúng tôi cũng rất xúc động và chính điều đó đã tiếp thêm động lực để chúng tôi cố gắng hơn, để làm sao hỗ trợ được nhiều bệnh nhân nhất có thể" BS Bách tâm sự.
Rồi có những trường hợp mắc bệnh trong khu phong tỏa, y tế địa phương chưa kịp tiếp cận, khi bác sĩ gọi điện hỗ trợ, bệnh nhân thỏ thẻ "Bác sĩ ơi! Cả xóm em đều đều bị nhiễm COVID mà cũng chưa biết làm thế nào, bác sĩ có thể gọi điện động viên để mọi người yên tâm hơn được không, chứ mấy giờ mọi người lo lắng lắm…", sau đó thì… tất cả mọi người trong xóm đều được các thầy thuốc hỗ trợ và rất may mọi người đều khỏi bệnh sau đó ít ngày.
"Không được cùng đồng nghiệp trực tiếp tham gia cứu chữa ở thực địa nhưng được trợ giúp người bệnh từ xa tôi cảm thấy rất vui và ý nghĩa. Đây thực sự là mô hình có tính nhân văn rất cao" BS Bách chia sẻ.
Còn bệnh nhân còn tiếp tục công tác thiện nguyện
Những ngày đầu khi vừa tham gia tư vấn cho người bệnh tại TP Hồ Chí Minh các bác sĩ của mạng lưới thầy thuốc đồng hành gặp nhiều khó khăn do địa lý, giọng nói, thói quen sinh hoạt cũng khác nhau, lại thêm số tổng đài của mạng lưới khi đó chưa được phổ biến rộng, do vậy khi bác sĩ gọi điện người bệnh thường không nghe máy hoặc vừa nghe thấy khác giọng là dập máy luôn.
"Có bệnh nhân chúng tôi gọi hàng chục cuộc không được, mãi đến tối muộn khi gọi quá nhiều, bệnh nhân mới bắt máy, hỏi ra mới biết là do người bệnh sợ bị lừa nên không nghe" ThS. BS Tạ Minh Tiến - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Giao thông vận tải cho biết.
Hai tuần đầu tiên khi mạng lưới vừa vận hành, mình phải ngồi máy tính 24/24 giờ, có những ngày 3 giờ sáng mới được đi ngủ bởi số lượng ca bệnh quá nhiều, có những ca phải chuyển viện cấp cứu ngay trong đêm… Thời gian đó đang giãn cách xã hội, nhưng rất ít bữa cơm mình được ăn cùng gia đình. Gần như ngày nào cũng ăn trễ hơn hoặc khi đang ăn thì có cuộc gọi lại phải bỏ bữa để giải quyết, điện thoại reo liên tục, ở nhà nhưng chẳng khác gì đi trực ở viện là bao. Hai đứa con nhỏ có khi cả ngày không thấy mặt mẹ… BS Tiến tâm sự.
Ngoài việc tham gia điều trị bệnh nhân, các bác sĩ mạng lưới đồng hành còn tìm các nguồn an sinh để hỗ trợ người bệnh như tìm nguồn cung cấp oxy hay vận chuyển miễn phí bệnh nhân đến cơ sở y tế… Có những bệnh nhân hoàn cảnh rất khó khăn, không có tiền để thuê 115 vào viện, khi đó các bác sĩ trong mạng lưới phải kêu gọi các nhà hảo tâm để hỗ trợ người bệnh được đi chữa trị một cách an toàn nhất.
Đã có rất nhiều ca bệnh được các bác sĩ mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ kịp thời đã được cứu sống. Mỗi ca bệnh điều trị khỏi như một niềm khích lệ, tạo thêm động lực cho các y bác sĩ tiếp tục tham gia công tác thiện nguyện.
"Mình tham gia Hội thầy thuốc trẻ hơn 10 năm, bất cứ đợt tình nguyện nào của Hội cũng tham gia hết mình. Nhưng đợt tình nguyện này là đợt tình nguyện tham gia dài nhất và vất vả nhất. Thời gian gần đây trở lại với công việc tại bệnh viện, tuy rất bận rộn nhưng chúng mình vẫn cố gắng sắp xếp công việc tranh thủ những lúc vắng bệnh nhân, giờ nghỉ trưa và buổi tối để hỗ trợ được tối đa người bệnh. Tuy có vất vả hơn nhưng chưa bao giờ mình có ý nghĩ sẽ từ bỏ, hễ còn bệnh nhân thì còn tiếp tục công tác thiện nguyện" BS Tiến trải lòng.
Ngọc Anh