Cảm ơn cậu bé khơi rác ở miệng cống
Câu chuyện cậu bé khơi rác thông miệng cống thoát nước trên đường về như một lời nhắc nhở để nhiều người lớn soi lại mình, sống có ý thức cộng đồng hơn
Từ ngày 17-6, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip quay lại cảnh một cậu bé mặc đồng phục học sinh, mang ba-lô, dắt xe đạp đi dưới mưa đã dừng lại trước một cống thoát nước, âm thầm nhặt hết rác đang chắn miệng cống để khơi thông dòng chảy. Sau khi miệng cống thứ nhất đã sạch rác, cậu học sinh lên xe, tới cống thoát nước khác…
Một học sinh chăm ngoan
Clip ghi lại cảnh này là từ một camera an ninh tại khu tái định cư xã Long An, huyện Long Thành, gần Trường THCS Long An (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), nơi học sinh này theo học. Còn cơn mưa diễn ra vào ngày 16-6. Chuyện chỉ thế nhưng hành động đáng yêu của cậu học sinh được người xem chia sẻ với tốc độ "chóng mặt", thu hút nhiều bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ, tán dương.
Ngày 18-6, chúng tôi đã đến Trường THCS Long An để trực tiếp gặp cậu học sinh này. Cậu bé tên Phạm Trọng Đạt, học lớp 6/1. Trò chuyện với chúng tôi, Đạt bẽn lẽn cho biết em không có "chuẩn bị" gì cả, chỉ là sau giờ tan trường, trên đường về thấy nước ngập ở bên đường nên… tò mò. Khi xuống xe đi dọc theo đoạn nước ngập, em phát hiện cống nước bị các bọc rác và bùn đất chắn lại, nước mưa không chảy được. "Em thấy nước không chảy được nên móc sạch rác cho nước chảy… Chuyện chỉ có vậy" - Đạt chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hải, giáo viên tổng phụ trách Trường THCS Long An, kể dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiện sống cùng với ông bà ngoại tại xã Long An nhưng Đạt là học sinh ngoan, chăm chỉ, hòa đồng với bạn bè. Đạt rất chu đáo, tỉ mỉ, ở nhà còn hay thích sửa chữa các đồ dùng trong gia đình, thấy gì không vừa mắt là làm. Sau khi câu chuyện lan tỏa trên mạng xã hội, nhà trường cũng như các bạn học sinh rất tự hào về Đạt.
"Hành động nhỏ nhưng thể hiện ý thức cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường rất tốt của Đạt, là cảm hứng cũng là tấm gương cho nhiều người noi theo" - cô Phan Thị Ngọc Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Long An, tự hào nói.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Long Thành, hiện Phòng GD-ĐT đã có chỉ đạo các bộ phận liên quan có động thái tuyên dương hành động đẹp của em Đạt.
Người lớn nhìn lại mình
Câu chuyện về cậu bé khơi rác ở miệng cống đã nhận được nhiều bình luận tích cực của cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ dù là hành động nhỏ nhưng như một lời nhắc nhở để nhiều người lớn xấu hổ, soi lại mình. "Tôi phải nhìn lại mình. Bởi một việc nhỏ và đơn giản như vậy nhưng chắc gì khi nhìn thấy, tôi xắn tay vào làm được như cháu bé" - anh Nam (ngụ tỉnh Đồng Nai) chia sẻ.
Một số người còn thừa nhận đã có những lúc thiếu ý thức khi… vứt vỏ chai nước ra đường, "bỏ quên" rác trên ghế đá công viên, "thấy rác vứt ngay dưới chân mình trên đường nhưng mặc kệ"...
"Trong lúc xã hội còn nhiều người vô tâm, vô cảm, thiếu ý thức cộng đồng, xem việc dọn rác là của công nhân vệ sinh còn chuyện xả rác là… tự nhiên thì cần lắm những tấm gương như vậy để mọi người nhìn lại mình, ứng xử có văn hóa và ý thức hơn. Mỗi người hành động vì cộng đồng một chút, ý thức hơn một chút, chắc rằng cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn. Cảm ơn cậu bé về bài học này" - chị Thu An (quận Bình Thạnh, TP HCM) nói.
Còn anh Hoàng Văn (quận 9, TP HCM) hy vọng rằng sau khi ngợi khen, ngưỡng mộ cậu bé này, mỗi người, mỗi nhà tự giác không xả rác bừa bãi ra môi trường, không lấp rác ở miệng cống, làm sạch miệng cống trước nhà… Đó mới là bài học thực tế, có giá trị và ý nghĩa nhất.
Biểu dương nhưng cũng cần khuyến cáo
Tôi thật sự cảm động và trân quý ý thức vì cộng đồng của cậu bé trong clip. Hành động của cậu bé đem lại nhiều suy ngẫm cho người lớn, những người xem việc vứt rác ra nơi công cộng là chuyện... bình thường và dọn rác không phải là chuyện của mình. Tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo trong hoàn cảnh như clip đã quay, hành động của cậu bé tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Thứ nhất, việc dùng tay không lấy rác có thể bị thương từ các vật sắc nhọn, chưa kể kim tiêm... Thứ hai, trong tình huống mưa to, cần trú mưa, tránh gió xoáy, lốc hay giông; càng không ngồi ở miệng cống thoát nước vì có thể bị nước cuốn hay bị các phương tiện có thể gây tai nạn.
Tóm lại, cần biểu dương ý thức vì cộng đồng của cậu bé nhưng cũng nên khuyến cáo học sinh không thực hiện điều tương tự. Tất cả hành động vì cộng đồng đều rất đáng quý nhưng không phải lứa tuổi nào cũng có thể thực hiện, nhất là các em còn nhỏ, chưa lường hết rủi ro xung quanh.
Thạc sĩ Bùi Việt Thành, Khoa Văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/cam-on-cau-be-khoi-rac-o-mieng-cong-20200618220741416.htm