'Cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Thành phố, chúng tôi đã được tiêm vaccine sớm hơn mong đợi!'
Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã bày tỏ sự vui mừng khi người lao động của họ đã được tiêm vaccine sớm hơn kỳ vọng.
Chỉ 3 ngày sau khi Thành phố triển khai chiến dịch tiêm chủng, hơn 1.000 người lao động của Sài Gòn Food đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất. Sài Gòn Food cũng là một trong những doanh nghiệp (DN) có số lượng người lao động (NLĐ) được tiêm đông nhất trong chiến dịch lần này.
Bà Tôn Nữ Nguyên Ánh, Trưởng Bộ phận truyền thông của doanh nghiệp cho biết, tuy con số này mới đạt khoảng 50% trong tổng số hơn 2.000 người lao động của Sài Gòn Food nhưng đây là tín hiệu lạc quan trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của doanh nghiệp. Số còn lại chưa được tiêm vì đang phải chấp hành lệnh phong tỏa trong các khu trọ công nhân ở đường Thới Hòa-Vĩnh Lộc.
Một DN khác đóng trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) với khoảng 400 nhân viên được tiêm mũi vaccine thứ nhất, tương đương với 2/3 tổng số NLĐ của DN. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Bidrico cho biết tất cả nhân viên của DN, với trên 550 người, đều được gọi tiêm đợt này. Tuy nhiên, một số người không đủ điều kiện sức khỏe sau khi khám sàng lọc, một số khác đang công tác ngoại tỉnh nên chưa thể tham dự đợt tiêm này.
Chị Ngọc Ngân, nhân viên của Bidrico cho biết, chị đã trải qua 48 giờ sau mũi tiêm đầu tiên, có một số phản ứng sau tiêm như sốt nhẹ, đau nhức cơ nhưng mức độ nhẹ hơn so với hình dung ban đầu. “Tôi rất mừng là phản ứng sau tiêm không đến mức phải nghỉ phép, mặc dù ban đầu đã lên kế hoạch phải nghỉ dưỡng sức 2 ngày. Bây giờ tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều, đã được tiêm mũi 1 và duy trì nguyên tắc 5K nữa thì tôi hoàn toàn tin rằng bản thân đã được bảo vệ trước dịch bệnh”, chị Ngân chia sẻ.
Còn cập rập về lịch tiêm
Sài Gòn Food và Bidrico là 2 trong số rất nhiều đơn vị được bố trí điểm tiêm ngay tại DN do có mặt bằng đủ rộng để ngành y tế tổ chức thành một điểm tiêm độc lập. Điều này rất thuận lợi cho cả DN và NLĐ, tuy nhiên, việc tổ chức tiêm còn cập rập.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, đóng tại Quận 12 cho biết, NLĐ nhận được thông báo lịch tiêm qua hệ thống tin nhắn nhưng rất sát giờ tiêm. “Chúng tôi nhận được thông báo tiêm vào ngày 22/6 nhưng mãi đến 16h cùng ngày mới nhận được tin nhắn gọi tiêm. Sau khi phản hồi về Sở Y tế thì chúng tôi được lùi lịch tiêm vào 15h ngày 23/6. Nhưng sáng hôm sau, khi đã vào ca sản xuất thì hệ thống lại nhắn lịch tiêm mới là 8h sáng. Việc này gây ra một chút xáo trộn trong điều hành sản xuất của chúng tôi”, ông Thiện cho hay.
Đây cũng là tình trạng của Sài Gòn Food và Bidrico. Theo bà Tôn Nữ Nguyên Ánh, trong các đợt tiêm sắp tới, cơ quan chuyên môn nên báo trước 12 tiếng để DN sắp xếp. Còn ông Nguyễn Đặng Hiến đề xuất cơ quan y tế báo trước ít nhất 24 tiếng để các đơn vị làm công tác truyền thông cho NLĐ vì hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân e ngại các phản ứng sau tiêm. “Sự hồi hộp, lo sợ quá mức cũng ảnh hưởng đến các chỉ số sức khỏe, dẫn đến tình trạng không đủ điều kiện tiêm ngừa, như vậy sẽ đáng tiếc cho NLĐ”, ông Hiến nêu kinh nghiệm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Thiết bị nhà bếp Vina ở quận Tân Bình cho hay, ngoài sự cập rập trong lịch tiêm chủng thì những DN đã phát hiện ca nhiễm như Vina lại chưa được tiêm đại trà. “Chúng tôi có 280 người đã tiêm, còn lại 540 người được hẹn tiêm trong những ngày tới. Chúng tôi ủng hộ việc chia thành nhiều đợt nhưng ngành y tế nên hướng dẫn cụ thể cho DN và không nên dồn nhiều đơn vị về cùng một điểm. Nhất là với những DN đã phát hiện có ca nhiễm, mặc dù đã hết thời gian phong tỏa và đã xét nghiệm đại trà nhưng không nên tổ chức điểm tiêm chung với các đơn vị khác”, ông Dũng đề nghị.
Cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Thành phố
Mặc dù có sự cập rập như vậy nhưng theo ông Trương Chí Thiện, có thể thông cảm vì Thành phố tiếp nhận lô vaccine do Nhật Bản trao tặng cũng trong điều kiện rất gấp và sau đó đã triển khai ngay chiến dịch tiêm chủng. “Làm nhanh, làm liền đưa vaccine đến với các nhóm ưu tiên thì không tránh khỏi sự cập rập trong khâu tổ chức”, ông Thiện bày tỏ và cho biết Thành phố đã có một chiến dịch kịp thời, đúng thời điểm ca nhiễm mới tăng nhanh.
“Hai tuần trước, trong cuộc họp trực tuyến với Sở Công Thương, Vĩnh Thành Đạt được thông báo thuộc nhóm ưu tiên tiêm ngừa đợt này nhưng bản thân tôi cũng không ngờ là nhân viên của mình được tiêm sớm như vậy. Đây là sự động viên cho các DN, để các DN yên tâm hơn, tự tin vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cảm ơn lãnh đạo Thành phố, các sở, ban, ngành đã hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu. Chúng tôi tin rằng chúng ta chiến thắng dịch bệnh”, ông Trương Chí Thiện xúc động nói.
Cùng tâm trạng phấn khởi, ông Nguyễn Đặng Hiến nói: “Tôi thấy việc triển khai tiêm cho NLĐ được thực hiện quá nhanh. Rất cảm ơn Chính phủ đã chuyển lô vaccine từ nguồn Chính phủ Nhật Bản cho TPHCM và cảm ơn nỗ lực của Thành phố và ngành y tế trong chiến dịch tiêm chủng lần này”.
Trong khi đó, bà Tôn Nữ Nguyên Ánh bày tỏ hy vọng số công nhân còn lại của Sài Gòn Food đang ở trong các khu vực phong tỏa sẽ sớm được gọi trong các đợt tiêm bổ sung. Trong bối cảnh số ca lây nhiễm vẫn tăng nhanh, thêm một người lao động được tiêm vaccine là thêm sự an tâm cho doanh nghiệp tập trung sản xuất, khôi phục kinh tế.
Tại Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) - một trong những đơn vị được tổ chức tiêm sớm trong chiến dịch lần này, đã có gần 12.000 NLĐ được tiêm mũi 1.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, việc triển khai tiêm chủng sớm cho người lao động tại QTSC là một sự quan tâm đặc biệt của Thành phố đối với ngành công nghệ thông tin cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp phát triển phần mềm cho xuất khẩu.
Theo ông Long, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc được ưu tiên tiêm vaccine góp phần quan trọng trong phòng chống lây nhiễm và như một liều thuốc tinh thần rất quan trọng, giúp các DN và NLĐ yên tâm làm việc, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Thành phố là vừa chống dịch vừa bảo đảm an toàn sản xuất.