Cám ơn cuộc đời đã cho con làm con bố
Con ngồi đếm những giọt truyền. Con đếm những vô tâm, con đếm những hổ thẹn, những ngượng ngùng, day dứt của chính con. Con đếm mãi, đếm mãi mà không đếm hết số ngày mà bố đã dành toàn bộ tâm sức mà nuôi dưỡng con.
Bố ơi, khi con gái viết những dòng này là lúc bố đang nằm thiêm thiếp với cánh tay dán băng duỗi thẳng cạnh thành giường. Cánh tay rắn như cành gỗ nghiến là nơi con gái nhỏ víu vào mà đánh đu mỗi lúc bố về suốt thời thơ bé giờ đây gầy gò với những đường ven xanh vỡ nát.
Con ngồi gần bố, mắt đăm đắm nhìn vào những những giọt thuốc đang rơi trong cái ống truyền trong suốt bé tí teo. Những giọt kháng sinh, những giọt giảm đau, những giọt thuốc bổ đang truyền vào mạch máu rồi chạy vào tim bố. Tiếng của những giọt truyền rơi đều đều rất khẽ. Thế mà tiếng rơi ấy lại như đập sầm sầm vào tim con như có hằng hà sa số những giọt nước mắt mặn mòi đang cào cuộn xót xa.
Bố ơi, con ngồi đếm những giọt truyền. Con thử đếm những giọt mồ hôi, đếm những nhọc nhằn của bố suốt thời chúng con còn thơ bé.
Bố làm bộ đội tình nguyện ở nước bạn Lào chín năm rồi về thị trấn này mà gặp mẹ con. Bố mẹ dựng nhà mình ở ngay ven thị trấn nhưng cứ ngoài giờ lao động ở cơ quan là bố lại đi rừng.
Bố thường cầm dao và đeo lên vai một chiếc túi to được khâu lại bằng vỏ bao xác rắn. Lúc nào bố về nhà cũng mang theo hơi mồ hôi chua nồng và chiếc túi đầy những măng, những củ. Bố thạo rừng và cần mẫn nên vào những năm bao cấp cả xóm làng đều đói thì chúng con vẫn được ấm bụng với những nồi củ mài, củ sắn trắng thơm bùi ngọt. Bố đi rừng về cũng hay có phần quà riêng cho cô con gái nhỏ.
Quà của bố thường là đồ ăn bố lấy từ rừng: những quả mâm xôi đỏ lựng chín ở lưng đồi; là chùm quả dâu da lúc la lúc lắc bố bẻ được ở dưới khe; là những quả mắc có vàng thơm lừng lựng…
Đôi khi, bố mang về những đồ vật thú vị để con chơi: lần thì là một con bọ sừng ngoàm ngoạp răng đen cánh tròn nâu bóng, lần thì một con ngựa đồ chơi bố kết bằng hai cành cây thủy trúc… Con thì lúc nào cũng cười tít mắt, xòe tay xin bố rồi lại vội vàng mang quà đi khoe với đám bạn cùng tuổi để lấy le.
Cánh tay bố và đôi chân bố đã bắt đầu khô héo đi từ bao giờ mà con gái vô tâm không biết. Cánh tay bố ngày xưa từng khéo léo biết bao. Con vẫn nhớ dáng bố đứng một mình giữa dòng suối chảy. Đôi cánh tay chắc khỏe, đôi chân đứng thủ vững như đồng. Bố hơi chùng xuống lấy đà rồi quăng chiếc chài nặng gần chục cân xòe ra trắng xóa và tròn trịa như một bông hoa. Bố quăng chài để kiếm cá mưu sinh mà trong mắt con lại giống như người nghệ sĩ đang biểu diễn một tiết mục gì đó tài tình. Đôi tay bố vá lưới, uốn thép; đôi tay bố bắn nỏ, kéo cung; bố ngâm mình dưới suối mò từng xô cát; bố chặt tre, kéo gỗ từ rừng… đôi tay bố khi thì phồng xước vì gai cào, lúc lại tím bợt vì ngâm nước.
Bố làm mọi thứ để con gái bố chỉ việc cầm bút, cầm sách mà đi tận Hà Nội học đại học cho bằng chị bằng em.
Lúc con còn bé, con có thói quen chơi quanh quẩn ở gần chỗ bố. Để khi con bị giật mình hay sợ hãi thì sẽ chạy ào vào ôm chân bố. Đôi chân bố lúc ấy như là chỗ dựa, như là cả bầu trời của con. Thỉnh thoảng, trước lúc đi ngủ con sẽ đòi ngồi lên chân bố để bắt bố nâng lên đặt xuống. Con sung sướng vừa cười như nắc nẻ vừa đọc một đoạn đồng dao:
“ Giã gạo ăn cơm trưa
Còn thừa để đến tối
Ai đến vay, thì nói dối
Hết gạo rồi
Chống chày lên”
Bập bềnh trên chân bố, con thấy mình như bay lên tận trời cao.
Con đếm mãi, đếm mãi mà không đếm hết số ngày mà bố đã dành toàn bộ tâm sức mà nuôi dưỡng con. Những kỉ niệm đẹp, những ký ức vui vẻ, những hạnh phúc ngập tràn, những tình cảm của bố dành cho con nhiều hơn cả nước trên dòng suối chảy. Những bao bọc, chở che của bố dành cho con gái còn nhiều hơn cả những màn sương trắng bao quanh đồi núi ở quê mình.
Con ngồi đếm những giọt truyền. Con đếm những vô tâm, con đếm những hổ thẹn, những ngượng ngùng, day dứt của chính con.
Bố biết không, từ lúc con trưởng thành, đây là lần đầu tiên con dành toàn bộ thời gian để ở gần bên bố. Nhưng buồn thay cho con. Con bớt ra hơn chục ngày trong quỹ thời gian mười mấy nghìn ngày có mặt trên đời của một phụ nữ bốn mươi tuổi để chăm sóc bố lại là vì bắt buộc. Sau tết, bố vừa được ra viện hai hôm lại phải nhập viện ngay vì chứng suy thoái chức năng tiết niệu ở người già.
Người ta phát hiện ra có một bệnh nhân nhiễm covid ở cùng phòng bệnh của bố nên tất cả những người có mặt lúc đấy đều phải cách ly tại chỗ. Con không được phép di chuyển về nhà với chồng hay đến cơ quan làm việc nên đành ở hẳn viện để chăm sóc bố.
Rồi bệnh của bố trở nặng. Hai tuần nằm tuyến huyện đặt ống xông vào rồi lại rút ống xông ra không làm bố bớt đau. Bệnh viện tuyến tỉnh cũng bị phong tỏa vì covid thế nên chúng con đưa bố đi Hà Nội để làm phẫu thuật. Lại buồn thay cho con. Chị em con đều học ở Hà Nội mấy năm nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đưa bố đến thăm thú Thủ đô. Con đưa bố đi Hà Nội chỉ khi bố đã ốm rất nặng và Hà Nội cũng đang ở những ngày hạn chế tụ tập đông người vì dịch bệnh.
Những bệnh nhân cùng phòng bệnh của bố khen con hiếu thảo và chu đáo. Ánh mắt của y bác sĩ trong các bệnh viện cũng dành cho con nhiều thiện cảm. Chỉ riêng con biết, đằng sau những nụ cười xởi lởi; đằng sau những vẻ bề ngoài bình tĩnh và tháo vát; đằng sau những lời nói bình thản động viên bố hàng ngày con đang vô cùng lo sợ, xấu hổ và ân hận.
Bác sĩ bảo ca phẫu thuật cho bố đã thành công. Chỉ cần nằm thêm vài ngày là bố có thể xuất viện về nhà. Con vẫn ngồi đếm những giọt truyền, con đếm thêm cả những miếng cơm bố có thể ăn thêm mỗi bữa. Con đếm mỗi bước chân mà bố có thể tự bước. Con đếm những việc vệ sinh cá nhân mà bố bắt đầu không cần con giúp đỡ mỗi ngày. Con đếm mỗi giờ trôi qua để mong sự hồng hào trở lại trên nền da bố. Con đếm những hân hoan kì diệu đang nở hoa rạng rỡ trong lòng con.
Bố ơi, con mừng quá, giờ bố với con đã được ra xe để về lại đất núi quê mình. Mỗi cây số chạy qua là đường về nhà lại gần thêm một chút. Con đang đưa bố về với ngôi nhà nhỏ đầy ắp yêu thương mà bố và mẹ đã dựng cho chúng con ở ven thị trấn. Bố đi bên cạnh con, dáng bố đã còng vịn vào tay con bước đi khó nhọc. Bố không còn cao lớn nhưng chỉ cần thấy bố là con biết mình lại được chở che, bao bọc. Con sắp bước vào ngưỡng tuổi già nhưng vẫn là con gái nhỏ ở trong lòng bố.
Bố ơi, con đếm từng giọt thời gian và cảm ơn cuộc sống diệu kì đã cho con làm con gái bố.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Quàng Thị Diên
Địa chỉ: Khối Đoàn Kết - thị trấn Tuần Giáo - huyện Tuần Giáo - tỉnh Điện Biên.
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cam-on-cuoc-doi-da-cho-con-lam-con-bo-d191511.html