Cảm ơn khẩu trang
Sáng có việc đột xuất nên vội ghé ngân hàng. Do không mang khẩu trang nên tôi bị anh bảo vệ nhắc nhở nhẹ nhàng và trao cho cái khẩu trang trước khi mở cửa. Trưa, về kể lại cho cả nhà nghe, vợ và con gái lớn cười tủm tỉm, không bàn luận gì. Chỉ có cậu út nói thẳng như ruột ngựa: Bây giờ nơi nào mà chẳng xài khẩu trang, ba lạc hậu nên bị chú ấy “chiếu tướng” là phải. Lần sau rời nhà ba nhớ mang khẩu trang dùm nha!
Lâu nay, những ai làm việc những chỗ độc hại hay thường hít khói bụi xe cộ mù mịt lúc tham gia giao thông mới cậy đến khẩu trang. Nhưng từ dạo COVID-19 xuất hiện và hoành hành dữ dội cho đến bây giờ, đeo khẩu trang đã thực sự trở thành thói quen của số đông. Cũng giống như chạy xe máy, mô tô mà trên đầu vắng mũ bảo hiểm, nay ai ra đường hay vào mấy chốn giao tiếp công tư mà dung nhan thiếu khẩu trang, tự nhiên thấy bản thân chẳng giống ai. Ví như giữa đám tang đang u uẩn, trầm mặc, ti tỉ tiếng khóc than nhớ thương người quá cố, bỗng dưng rộ lên một tràng cười vô duyên, lạc lõng khiến bàn dân thiên hạ ngó nhau mà ngán ngẩm lắc đầu. Từ chỗ trùm lên mũi, miệng để bảo vệ sức khỏe cá nhân, để ngăn SARS-CoV-2 phát tán trên diện rộng như khuyến cáo của ngành Y tế (chặn được giọt bắn khi con người tiếp xúc với nhau, khi ho hay hắt hơi), đeo khẩu trang hôm nay còn là biểu hiện của tinh thần “mình vì mọi người”, “mọi người vì mình” trong từng đất nước và cả thế giới đang chung sức chung lòng chiến đấu để chiến thắng đại dịch. Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, nếu như trước kia số đông dân chúng cho rằng đeo khẩu trang là biểu hiện của sự yếu đuối và kỳ thị thì nay tình hình đã khác hẳn. Sau khi thấm đòn đại dịch với số nạn nhân bị lây nhiễm và tử vong do COVID-19 ngày càng tăng và thảm nạn thế kỷ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, rất nhiều người ở các quốc gia này phải chấp nhận làm bạn với khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Chung quanh việc khẩu trang “lên ngôi” cũng có lắm chuyện vui buồn. Có chị móc khẩu trang lộn ngược, chụp ảnh đưa lên Facebook kèm theo cái tút đầy thống khoái, tự hào. Cộng đồng mạng thấy nẫu mang khẩu trang không đúng quy trình, nhảy vô bình loạn xà ngầu, chị hoảng quá phải gỡ xuống tắp lự rồi đeo lại, selfie lại và…khoe lại. Có nơi kẻ vô trách nhiệm vứt thẳng từng đống khẩu trang đã dùng ra đường thôn ngõ phố, gây ô nhiễm môi trường khiến cư dân lo sốt vó. Có thương nhân gom khẩu trang đã qua sử dụng, giũ nước sơ sơ rồi đóng gói tung ra thị trường, chỉ vì lợi nhuận cá nhân mà gieo rắc mầm bệnh nguy hiểm ra cộng đồng. Nhưng cũng có đông đảo nam thanh nữ tú, doanh nhân, tổ chức… tình thương mến thương tự bỏ tiền túi hay kêu gọi cộng đồng góp nhau mua khẩu trang mới tinh gởi cho đồng bào, người nghèo vùng khó và những người đang trên tuyến đầu chống dịch, thật đáng trân trọng.
Đại dịch rồi chắc chắn sẽ bị dập tắt để dòng đời trở lại nhịp chảy bình thường như hồi chưa có giãn cách xã hội. Nhưng trong một thế giới luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiểm họa bởi thiên tai, nhân tai như chúng ta đang đối mặt hôm nay, khẩu trang chắc chắn sẽ còn tiếp tục dài lâu với chức năng giản dị mà ý nghĩa của mình. Cảm ơn khẩu trang. Cảm ơn những nhà khoa học đã phát minh và dần hoàn thiện để khẩu trang trở thành một trong những lá chắn tin cậy, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của con người.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/244507/cam-on-khau-trang.html