Cảm ơn người 'chiến sĩ áo trắng' nơi tuyến đầu
Lúc dịch bệnh Covid-19 mới bắt đầu bùng phát ở Bàu Bàng cũng là lúc tất cả lực lượng y tế từ tuyến xã, phường đến tuyến huyện đều phải ở lại cơ sở y tế để sẵn sàng lao vào trận chiến PCDB. Có người đã kiệt sức vì công việc quá khắc nghiệt, thậm chí còn có cả những bác sĩ, y tá không may bị phơi nhiễm Covid-19. Nhưng chưa từng có ai chịu lùi bước, đầu hàng. Họ vẫn mạnh mẽ, quyết tâm bám trụ tuyến đầu với niềm tin chiến thắng 'giặc' Covid-19.
Tạm gác lại niềm vui và hạnh phúc riêng tư gia đình, y sĩ Ngô Thị Thu Thủy tranh thủ ghé qua nhà gửi 2 đứa con nhỏ nhờ bà ngoại chăm sóc, vội vàng thu gom mấy bộ quần áo và tư trang cá nhân rồi khoác ba lô lên đường. Y sĩ Thủy hiện đang công tác tại Trạm Y tế thị trấn Lai Uyên. Khi dịch bệnh Covid-19 chớm bùng phát, chị được điều động vào Đội phản ứng nhanh của huyện. Công việc thường ngày của chị cùng đồng đội luôn tất bật tay chân từ sáng đến khuya, từ việc gùi trên lưng chiếc máy phun hóa chất khử khuẩn đến xử lý những nơi ổ dịch cho đến việc bồng bế bệnh nhân Covid-19 nặng vào bệnh viện cấp cứu. Cũng có những hôm bám theo xe cứu thương đi xuyên đêm để truy vết vùng dịch, đưa đón các ca F0 về khu cách ly tập trung để theo dõi và điều trị.
Hơn 2 tháng triền miên, cuộc hành trình xuyên đêm đi “bắt” F0 khiến chị gầy rộc hẳn, đôi mắt thâm quầng, phờ phạc vì thiếu ngủ và mệt mỏi. Nhưng vì nhiệm vụ, vì lo lắng dịch bệnh lây lan, đe dọa đến cuộc sống nhân dân, chị lại cố gắng hơn. Không riêng gì y sĩ Thủy, trong Đội phản ứng nhanh của huyện Bàu Bàng còn có cả những cặp vợ chồng bác sĩ đều gửi con cái cho người thân chăm sóc để cùng nhau lên đường “ra trận”.
Bước vào trận chiến đánh “giặc” Covid-19 để giành giật mạng sống cho bệnh nhân, những “chiến sĩ áo trắng” hàng ngày phải ẩn mình trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn, chân bước vội vã để kịp cấp cứu ca bệnh. Trong khu điều trị và cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng, họ chỉ còn cách giao tiếp bằng ánh mắt và những cử chỉ; thực hiện các thao tác y thuật bằng kỹ năng nghề nghiệp và sự thôi thúc từ trái tim…
Trong môi trường khắc nghiệt ấy, dù được bảo hộ kỹ càng nhưng cũng đã có trường hợp bác sĩ, điều dưỡng bị nhiễm Covid-19. Dù bị nhiễm Covid-19 nhưng họ vẫn dũng cảm tiếp tục lao vào trận chiến khi đã được chữa khỏi. Điển hình trong các trường hợp ấy là điều dưỡng Bùi Thị Xuân Mai (23 tuổi), công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng. Xuân Mai mới vào nghề tròn một năm thì xông pha trên mặt trận chống dịch. Trong thời gian chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 4 - Bình Dương, Mai không may bị nhiễm. Qua 19 ngày tự cách ly và chữa bệnh theo phác đồ điều trị, Mai đã chiến thắng vi rút SARS-CoV-2 và tiếp tục quay trở lại công việc. Trò chuyện nhanh qua điện thoại, Mai chia sẻ: “Khi mới bị nhiễm, tôi cũng thấy lo lắng, nhưng giờ sức khỏe đã hồi phục trở lại nên chẳng còn lo sợ. Cứ mỗi ngày có bệnh nhân khỏi bệnh, chúng tôi thấy rất vui. Mọi vất vả, mệt nhọc đều tan biến. Mong sao dịch bệnh chóng qua cho cuộc sống bình yên trở lại”.
Còn đối với bác sĩ Huỳnh Minh Chín, nguyên Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 4 - Bình Dương, nay là Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên, những tháng ngày trực chiến, ăn ngủ cùng đồng đội tại bệnh viện là những kỷ niệm không bao giờ quên. Chia sẻ về nghề, bác sĩ Chín tâm sự: “Ở bệnh viện dã chiến, bình quân mỗi một bác sĩ và một điều dưỡng quản lý điều trị 100 bệnh nhân. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ dành được 2 tiếng đồng hồ tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi để lấy lại sức. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn nhiều gian nan vất vả, nhưng vì sức khỏe cộng đồng, tôi và các đồng nghiệp không chịu chùn bước”.
Hình ảnh màu áo blue trắng luôn là hình ảnh đáng tự hào trong mắt của nhân dân, nhất là trong cuộc chiến PCDB Covid-19 căng thẳng như hiện nay. Xin cảm ơn các bác sĩ, y tá nơi tuyến đầu vì đã tận tụy hết lòng, bất chấp hiểm nguy, gian khó để bảo vện sức khỏe của nhân dân trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19.
Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/cam-on-nguoi-chien-si-ao-trang-noi-tuyen-dau-a254866.html