Cảm ơn người lính Cụ Hồ!
Cảm ơn người lính Cụ Hồ!, đó là những cảm xúc thắm đượm tình quân dân trong khoảnh khắc hơn 450 công dân được nhận giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly y tế tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh (GDQPAN), Đại học Vinh (Nghệ An).
Kỷ niệm đẹp trong “ngôi nhà 14 ngày”
Xúc động chia tay nơi mình gắn bó trong “ngôi nhà 14 ngày” với những tình cảm lưu luyến, chị Hoàng Thị Ngân ở Diễn Châu (Nghệ An) nghĩ đây là buổi sáng của một ngày đặc biệt. Cẩn thận cất mấy bộ đồ chơi của con do các chú bộ đội ở khu cách ly tặng, chị Ngân chia sẻ: “Lần đầu tiên, ba mẹ con được ở trong đơn vị quân đội. Ban đầu, tôi cũng như mọi người thấy khá lo lắng và chưa quen, nhưng chỉ sau vài ngày lại thấy như ở chính ngôi nhà của mình. Cảm ơn các chú bộ đội đã ngày đêm quan tâm, lo lắng cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ đến chăm sóc sức khỏe; rồi bao việc không tên, ngoài “danh mục” phục vụ đều ân cần, chu đáo. Ba mẹ con tôi cảm ơn các chú bộ đội rất nhiều. Ước mong sau này, các con tôi lớn lên sẽ được khoác lên mình chiếc áo màu xanh giống các chú”.
Anh Nguyễn Tuấn Linh ở phường Lê Lợi, TP Vinh (Nghệ An) tranh thủ dọn dẹp vệ sinh phòng ở trước khi rời khỏi khu cách ly, chia sẻ: “Cảm ơn Đảng, Chính phủ và Quân đội đã quan tâm chu đáo đến những người lao động như chúng tôi. 14 ngày cách ly tại đây với tôi là một kỷ niệm khó quên, mỗi ngày tôi được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ thức khuya, dậy sớm chăm lo cho chúng tôi thực sự đáng trân quý và không bao giờ quên. Chia tay nơi này, chúng tôi rất lưu luyến và mong cán bộ, chiến sĩ luôn khỏe mạnh, là “tấm chắn” vững chắc để người dân yên tâm hoàn thành thời gian cách ly của mình. Cảm ơn những người lính Cụ Hồ!”.
Cùng chung cảm xúc với chị Ngân, anh Linh và các công dân Việt Nam còn có hai du khách người Ireland, nhập cảnh vào Việt Nam từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) về khu cách ly tập trung này, đó là chị Uyoa và anh Ethan. Hai du khách này đã nắm nót viết những lời cảm ơn trong cuốn sổ lưu niệm về sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã dành cho mình. Trong thư cảm ơn, hai người đã viết: “Xin chào, chúng tôi đến từ Ireland. Chúng tôi đã đi du lịch xuyên Đông-Nam Á trong vài tháng qua. Hành trình của chúng tôi dừng lại tại khu cách ly ở thành phố Vinh. Việc phải cách ly phòng dịch không phải là điều có trong kế hoạch ban đầu, cũng như chúng tôi không lường tới. Tuy nhiên, chúng tôi đã có khoảng thời gian thật thoải mái tại đây. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ở khu cách ly đã đối xử với chúng tôi rất tốt và chúng tôi thực sự cảm thấy ấn tượng trước cách Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19. Chúng tôi mong có cơ hội trở lại Việt Nam để khám phá thêm khi tình hình đã ổn định hơn. Cảm ơn rất nhiều!”.
“Cảm ơn người lính Cụ Hồ!” là cảm xúc chân thành, mộc mạc nhất của hàng trăm công dân tại “ngôi nhà 14 ngày” ở Trung tâm GDQPAN trong giờ phút chia tay đầy bồi hồi, lưu luyến này.
Vì nhân dân phục vụ
Trung tá Hoàng Văn Hải phụ trách Trung tâm GDQPAN tâm sự: “Trung tâm là một trong bốn đơn vị quân đội ở Nghệ An tiếp nhận công dân từ Lào, Thái Lan trở về, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Cụ thể, trung tâm còn là đơn vị đầu tiên của tỉnh được giao tiếp nhận 453 công dân, trong đó có hai người nước ngoài. Nhận nhiệm vụ trong thời gian gấp gáp, điều kiện trung tâm còn có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, vật tư y tế chưa bảo đảm đầy đủ, lực lượng phục vụ nấu ăn, quân số ít… nhưng với tinh thần vượt khó vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ phải chia nhau ra thành các bộ phận tiến hành tổng dọn vệ sinh, dồn dịch gường phản, phòng ở, củng cố cảnh quan môi trường, khu tăng gia sản xuất; mua thêm bóng chuyền, cầu lông, cờ vua, bố trí thêm các khu vui chơi giải trí cho người dân. Dù khó khăn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau quyết tâm tìm cách khắc phục, bảo đảm tốt cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân”.
Cũng theo Trung tá Hoàng Văn Hải, cán bộ, chiến sĩ và nhân viên cùng các lực lượng phối thuộc đã túc trực 24/24 giờ, tiếp đón công dân. Ngay sau đó, thực hiện khử trùng cá nhân, khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe, cấp phát các nhu yếu phẩm cần thiết và bố trí nơi ăn, ngủ. Có nhiều hôm, trung tâm phải xuyên đêm đón nhận công dân. Hằng ngày, đội ngũ y, bác sĩ tiến hành kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe từng người từ hai đến ba lần. Ngoài việc bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, chế độ hậu cần theo quy định, đơn vị còn quan tâm về đời sống tinh thần, tạo tâm lý thoải mái cho mọi người. Trung tâm đã đầu tư thêm cơ sở vật chất, lắp đặt tivi, wifi ở khu cách ly cùng hệ thống loa đài, thông báo tình hình, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhất là các chương trình liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Để phục vụ chu đáo cho người dân trong khu cách ly, trung tâm đã huy động cán bộ, nhân viên ở các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cùng thực hiện nhiệm vụ. Nhiều cán bộ, nhân viên trước đây chỉ quen với công việc chuyên môn, huấn luyện, giảng dạy nay cũng được điều động tăng cường phục vụ nấu ăn, canh gác, dọn dẹp vệ sinh... Thượng úy Quân y, quân nhân chuyên nghiệp Vi Thanh Bình ở Ban CHQS huyện Tân Kỳ được tăng cường dịp này, chia sẻ: “Hiện cả nước đang chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch, vì vậy chúng tôi xác định, không ngại khó với bất cứ nhiệm vụ, công việc nào được giao. So với công việc của những y, bác sĩ ở tuyến đầu, những người lính nơi biên giới, tôi thấy công việc mình cũng đang còn rất nhỏ bé”.
Cùng “chia lửa” với lực lượng ở trung tâm này còn có hơn 10 bạn đoàn viên tình nguyện của Tỉnh đoàn Nghệ An. Hằng ngày, các đoàn viên tình nguyện này tham gia các công việc như vệ sinh môi trường, cùng chuẩn bị bữa ăn cho hơn 450 con người và những việc không tên khác. Họ làm việc với tinh thần nhiệt huyết của đoàn viên thanh niên để chia sẻ những khó khăn cho những người ở trong khu cách ly này. Bạn Phạm Trung Hiếu, đoàn viên huyện Hưng Nguyên cho biết, hằng ngày, phải dậy từ 4 giờ 30 phút sáng, vượt 25km đến trung tâm, cùng với các tình nguyện viên khác kịp thời hỗ trợ các công việc cần thiết trong khu vực cách ly.
Không chỉ quan tâm chu đáo những ngày ở khu cách ly mà đối với công dân hết thời gian cách ly còn được đơn vị tổ chức phương tiện đưa về địa phương cùng những lời căn dặn, hướng dẫn người dân về các biện pháp bảo vệ sức khỏe khi trở về gia đình; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc, ra ngoài khi không cần thiết.
Đại tá Phạm Văn Đông, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và phương châm “4 tại chỗ”, “4 cùng” cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Trung tâm GDQPAN cùng các lực lượng phối hợp đã nỗ lực cao nhất, khắc phục khó khăn, và đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận và cách ly công dân đợt đầu tiên theo đúng quy định. Mong muốn công dân sau khi về nơi cư trú sẽ tiếp tục thực hiện cách ly nghiêm túc theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chúng tôi chia tay Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh khi trời bắt đầu đổ mưa. Hình ảnh cán bộ, nhân viên nơi đây vẫn đang miệt mài tiến hành phun khử trùng, vệ sinh sắp xếp lại các phòng và sẵn sàng cho những đợt tiếp nhận đồng bào của mình về đây cách ly trong thời gian tới. Và với sự tận tâm, nhiệt tình, chu đáo với người dân, cán bộ, nhân viên trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nghệ An hiện có hơn 6.000 công dân đang thực hiện cách ly y tế 14 ngày theo quy định tại 24 khu tập trung cách ly, trong đó có bốn khu cách ly của quân đội.
Đến ngày 4-4, toàn bộ 453 công dân cách ly tập trung tại Trung tâm GDQPAN đã hoàn thành thời gian cách ly theo quy định; mọi người đều khỏe mạnh, được nhận giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly và được đưa về nơi cư trú.
Chia tay những người cùng cách ly trong thời gian chung “ngôi nhà 14 ngày”.