Cảm ơn những tiếng chổi tre!
BHG - Trong số chúng ta, nhiều người chắc sẽ không còn xa lạ với tiếng chổi tre và hình ảnh những chị công nhân môi trường cần mẫn. Tiếng chổi tre rất bình dị ấy đã đi vào văn thơ, trong đó có bài thơ được đưa vào sách giáo khoa để biết bao thế hệ đã đi qua tuổi học trò đều sẽ nhớ mãi về một tiếng chổi tre đầy xúc cảm trong ký ức.
Không biết có phải đã từng được học bài thơ Tiếng chổi tre hay không mà cho đến giờ, khi đã trưởng thành, tôi vẫn thường hay thích đi dạo trên những con phố đêm để được nghe tiếng chổi tre của các chị lao công. Từ những đêm hè oi nóng, đến mùa thu lá rụng đầy các con đường và bao đêm đông giá rét, tiếng chổi tre vẫn đều đặn, kiên trì trên các con phố. Âm thanh của tiếng chổi tre đã thực tế trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống đô thị phồn hoa. Bao chục năm đã qua, nhịp sống cứ lao đi vùn vụt, từ thời của xe đạp cọc cạch cho đến năm tháng của xe máy Simson, Honda và nay là thời của xe bốn bánh, những con đường liên tục được thay bộ mặt mới. Nhưng có một điều vẫn không thay đổi, đó là tiếng chổi tre và hình bóng của các chị lao công cần mẫn, bình dị, đầy chung thủy với thời gian.
Giữa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, có biết bao âu lo đời thường của thời công nghiệp hóa. Nhưng lạ thay, bao vất vả, suy tư có thể được gạt đi khi giữa đêm vắng, rảo bước trên một con phố nào đó lặng lẽ đèn, bỗng nghe thấy tiếng chổi tre quen thuộc. Những tiếng chổi xen trong tiếng lá, rác, rất bình dị thôi, nhưng không hiểu sao như giúp ta trút đi bao gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Bên cạnh những tiếng chổi tre, là lạch cạch, leng keng tiếng xe rác, nó cũng là thứ âm thanh cực kỳ mến quen làm sao. Ngày nào cũng vậy, âm thanh từ hoạt động của các chị lao công có khi chen vào không gian tĩnh lặng hiếm hoi về đêm, nhưng lại không bao giờ khiến cho bất kỳ ai cảm thấy phiền phức cả, nó như vừa đủ để mọi người cùng nghe, cùng cảm nhận về cuộc sống đang chuyển động và tươi đẹp hơn nhờ sự bình dị, cần mẫn của các chị lao công.
Bao lần đi qua các con đường vắng quanh co, tôi thấy những lưng áo ướt đầm mồ hôi của các chị lao công. Công việc tưởng chừng như nhẹ nhàng ấy sao lại đổ nhiều mồ hôi đến vậy, đặc biệt là trong những ngày hè oi nóng. Quả thực, giữa phố thị ngày hè hầm hập, ai cũng muốn nằm trong căn phòng có điều hòa mát rượi, nhưng các chị lao công “mình sắt, da đồng” vẫn phải ra đường để tạo nên những âm thanh quen thuộc. Chính vì thế, nhiều lần tôi cố ý đưa bọn trẻ chầm chậm đi qua những con phố, để chúng được lắng nghe âm thanh của tiếng chổi tre và để có cơ hội nhắc bọn trẻ sống chậm hơn và cảm nhận về công việc của các chị lao công làm sạch đẹp cho đường phố. Tôi nói với bọn trẻ rằng, chúng ta luôn và cần phải biết cảm ơn đối với những người làm công việc lặng thầm như vậy.
Tôi rất hay chụp ảnh và chụp cho rất nhiều người đẹp, nhưng có lẽ những bức ảnh tôi chăm chút nhất, đẹp nhất vẫn là chụp về các chị lao công miệt mài trên phố khi đêm về. Nhiều lần ngồi nói chuyện với các chị sau giờ lao động, tôi vẫn hay đùa các chị là những người đẹp không son phấn. Có mấy chị nghe thế cười phá lên rồi đùa, nghề này ai cũng đeo khẩu trang kín mít, đánh phấn cũng không có ích gì đâu. Tôi động viên, các chị cứ thử hỏi bất kỳ bạn học sinh cấp II, cấp III nào, ai cũng sẽ biết đến các chị qua bài thơ được học trong sách giáo khoa đấy.
Thời của công nghệ 4.0, nhịp độ sống khiến nhiều người không để ý đến tiếng chổi tre, tiếng leng keng xe rác và hình ảnh các chị lao công miệt mài trên các con đường. Ở đâu đó còn có sự vô cảm, vứt rác thải đủ các loại bừa bãi, một vài ai đó vẫn lạnh lùng đem những mảnh vỡ thủy tinh lộn xộn từ nhà ra ném tung tóe vào thùng rác và vãi cả ra đường phố. Sau buổi sinh nhật, chúc mừng, tiệc tùng của một ai đó có cả rất nhiều bó hoa còn tươi nguyên vứt chồng lên thùng rác ngất ngưởng ở góc phố. Tất cả càng khiến cho các chị lao công vất vả hơn.
Những ngày phố mưa ròng cả hơn tháng trời, bùn đất, rác rưởi trên phố càng nhiều hơn, vì thế người lao công lại nhọc nhằn, đầm đìa mồ hôi trên lưng áo. Trong một cơn mưa bất chợt buổi tối muộn, chị lao công vẫn chưa xong việc, những tiếng chổi tre không thể vọng lên được vì lá, rác lẫn át trong nước mưa. Không còn mồ hôi trên lưng, nhưng bộ trang phục của các chị lao công ướt đầm nước mưa. Bà con khu phố tôi ở thấy được sự vất vả của các chị lao công, tự nhắc nhau phân loại rác thải, đổ rác đúng chỗ và thường mời các chị lao công cốc nước mát, chia sẻ miếng hoa quả, những chiếc bánh, kẹo lúc họ nghỉ ngơi.
Hình như mùa thu đang về, phố đêm đang dần heo lạnh, điều đó có lẽ giúp những chiếc áo của chị lao công ít thấm mồ hôi hơn. Nhưng mùa thu đẹp lại vô tình rụng bao lá vàng, điều đó lại càng khiến các chị lao công như thêm việc. Đằng sau những mùa thu đẹp với hình ảnh lá vàng rơi lãng mạn cho bao nàng son phấn chụp ảnh “seo phì”, sẽ là những vất vả của các chị lao công với tiếng chổi tre đã đi vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Tôi chợt nhớ câu thơ trong bài Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu: “Tôi đứng trông/ trên đường lặng ngắt/chị lao công như sắt, như đồng/ chị lao công đêm đông quét rác…”. Câu thơ khiến mỗi chúng ta phải tự nhắc nhủ về ý thức bảo vệ môi trường, sống biết lắng nghe và trân trọng những tiếng chổi tre của các chị lao công đã giúp cho cuộc sống tươi đẹp hơn mỗi ngày.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/cam-on-nhung-tieng-choi-tre-c1d47da/