Cảm ơn tình bạn
'Phương à, em khỏe không, dạo này công việc thế nào, gia đình, con cái ổn chứ?'. Bao giờ cũng vậy, dòng đầu tiên trong những lá thư chị gửi tôi luôn là sự quan tâm, hỏi thăm gia đình. Nét chữ nghiêng nghiêng rõ ràng, câu từ mạch lạc, chỉn chu như một bài văn, đó là phong cách của chị.
Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về việc viết thư tay vào 5 năm trước khi chị rời Bình Phước về quê Thanh Hóa. Chị nói, thời nay chỉ cần điện thoại thông minh kết nối internet là tha hồ gặp mặt online. Thế nhưng chị vẫn thích được viết thư tay, vì có những điều khi nói chuyện trực tiếp khó có thể mở lời.
Năm 17 tuổi chị rời quê hương vào Cà Mau cùng một người bà con xa. Sau 1 năm lăn lộn cùng sông nước, chị quyết định thi vào ngành thư viện. Rồi cuộc sống đẩy đưa, chị đến lập nghiệp tại Bình Phước làm công tác thư viện ở một trường trung cấp. Công việc ngày ngày tiếp xúc với tài liệu, sách, báo khiến chị yêu sách từ lúc nào không rõ.
Khi ấy, tôi đang công tác tại Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân của tỉnh, ở trọ cách chị khoảng 1 cây số. Và cơ duyên đưa chúng tôi lại gần, trở thành những người bạn đó là khi cùng tham gia một khóa học nâng cao kỹ năng nói trước đám đông. Thế rồi từ những câu trao đổi đơn giản, chúng tôi dần xích lại gần nhau…
Chị ở trong một phòng trọ nhỏ ngăn nắp, gọn gàng. Hôm vào phòng chị chơi, tôi thật sự bất ngờ với giá sách cao gần bằng cái tủ, cơ man là sách, truyện. Thấy tôi ngạc nhiên, thích thú, chị thổ lộ bản thân rất thích đọc sách, sách gì chị cũng đọc. Tôi mân mê những cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chị có gần như đầy đủ bộ sách của tác giả này. Tôi thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh từ thời còn đi học nhưng không mua được nhiều như chị. Chúng tôi khám phá ra sở thích của nhau qua từng mẩu chuyện, từng con chữ, tôi như tìm thấy người bạn lâu năm lưu lạc.
Chị quý sách và tôi cũng thế. Lúc nào rảnh tôi đều sang phòng trọ chị nằm vắt chân đọc sách, chị lại lọ mọ làm bánh, nấu chè đãi tôi. Hai chị em ríu rít bên nhau với những câu chuyện dài bất tận. Tôi không chỉ thích đọc mà còn rất thích viết, thời gian ấy tôi tập tành viết bài cộng tác với một số báo. Khi nghe tôi tâm sự, chị như vỡ òa cảm xúc, rằng không nghĩ em giống chị thế. Chị thích viết nhưng chưa bao giờ gửi cộng tác vì không đủ tự tin. Chị lôi ra một quyển vở với các bài viết chỉn chu về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tôi đọc một lượt rồi động viên chị gửi bài cộng tác, ngập ngừng giây lát rồi chị gật đầu. Bài viết được đăng, chị vui mừng gọi điện báo cho tôi và hẹn chiều ra cổng trường sư phạm chị khao chè...
Chúng tôi đã cùng nhau đi qua năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất. Mỗi người một công việc nhưng có chung niềm đam mê đã khiến tình bạn trở nên thấu hiểu hơn. Tôi lập gia đình rồi chuyển về Chơn Thành sinh sống và làm việc. Mấy năm sau, có chủ trương sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, nhân sự dôi dư, vị trí nhân viên thư viện bị tinh giản, chị cũng tìm kiếm nhiều công việc khác nhưng thấy không phù hợp. Mặt khác, bố mẹ đã lớn tuổi nên chị muốn về quê để tiện chăm sóc. Ngày chia tay, chị nhắc đi nhắc lại với tôi là nhớ viết thư cho chị.
Một tháng sau, tôi nhận được thư của chị, vẫn những câu hỏi thăm thường lệ, rồi chị kể về cuộc sống ở quê, nỗi nhớ miền Nam. Đọc từng dòng chị viết, tôi như thấy chị đang ở cạnh bên mình. Thi thoảng, chúng tôi gọi điện để nghe tiếng, để nhìn thấy nhau, để chắc chắn rằng đối phương vẫn đang ở đó và khỏe mạnh.
Hiện chị đang học thêm dược sĩ và phụ anh trai bán thuốc. Tôi vui vì chị đã tìm được một công việc phù hợp và nhất là vẫn có thời gian theo đuổi đam mê viết lách. Mỗi lần thấy bài đăng của chị trên chuyên mục “Chào nhé yêu thương” của Báo Bình Phước, trong tôi lại dậy lên cảm giác vui sướng như chính mình có bài đăng vậy.
Dẫu bây giờ chúng tôi kẻ Bắc, người Nam nhưng dường như không hề có khoảng cách. Bởi tình bạn của chúng tôi được nuôi dưỡng từ những điều nhỏ nhất, từ những đam mê cháy bỏng và từ sự thấu hiểu chân tình.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/162057/cam-on-tinh-ban