Cảm phục nghị lực của cô gái 'xương thủy tinh'
Từ khi lọt lòng, Đào Thị Hoàng Nhiên, thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc đã phải sống chung với bệnh xương thủy tinh. Thế nhưng với nghị lực phi thường của mình em đã vượt qua sự tự ti, mặc cảm để tiếp tục hành trình cuộc sống phía trước. Suốt 12 năm học phổ thông và những năm tháng trên giảng đường đại học, Nhiên đều đạt kết quả tốt trong học tập.
Cảm phục nghị lực của cô gái
Vượt qua mặc cảm, tự ti để tới lớp học
Theo chân của một bác đang công tác tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hàm Thuận Bắc, tôi đến nhà của em Đào Thị Hoàng Nhiên ở thôn Kim Ngọc, xã Hàm Thắng. Ngôi nhà cũ cấp 4 nằm trong một con hẻm nhỏ, giúp tôi hình dung ra một phần cơ cực, vất vả của nhân vật cần tìm hiểu cũng như những người đang sống trong ngôi nhà này. Ở tuổi 21, là sinh viên năm 3 nhưng nhìn thân hình của em chẳng khác gì 1 học sinh bậc tiểu học. Nhiên là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Từ khi lọt lòng, em cũng như người chị và anh kế của mình đều bị căn bệnh xương thủy tinh. Với thân hình nhỏ bé và khuyết tật, từ nhỏ Nhiên thường bị đám trẻ gần nhà chọc ghẹo nên hay buồn tủi và khóc. Tới tuổi đi học, cô bé “xương thủy tinh” thậm chí nghĩ rằng sẽ không thể đi học, bởi em luôn mặc cảm với thân hình dị tật, và sẽ không chịu được áp lực khi bị bạn bè trêu ghẹo. Hơn nữa, dù nhỏ nhưng cô bé cũng hiểu nếu đi học sẽ làm cha mẹ phải vất vả đưa đón hàng ngày, vì em không thể tự lập, không thể tự đi lại được… Rồi với sự động viên của gia đình, Nhiên đã mạnh dạn mang bên mình chiếc cặp nhỏ và đến trường học như các bạn cùng trang lứa.
Chinh phục thầy cô, bạn bè nhờ học giỏi
Trên tấm lưng gầy gò của người cha, hàng ngày cô bé “xương thủy tinh” đã được học con chữ. Càng đến lớp em càng thích học. Cứ thế, 12 năm học phổ thông trôi qua, Nhiên đều đạt học sinh khá giỏi. Từ chỗ hay bị trêu chọc, cô bé “xương thủy tinh” được thầy cô, bạn bè yêu mến và xem là tấm gương sáng để học tập. Kết thúc 12 năm học phổ thông, Nhiên đã hiện thực hóa ước mơ vào giảng đường đại học, khi đậu ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Phan Thiết. Hiện em vừa hoàn thành xong chương trình của năm thứ 3 đại học. Nhiên khoe, năm thứ nhất và thứ hai, em được nhà trường khen thưởng sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc. Huỳnh Đắc Thiên Long – học cùng lớp đại học với Nhiên cho biết, rất khâm phục nghị lực phi thường của bạn, bởi với căn bệnh xương thủy tinh thì mọi sinh hoạt hàng ngày vô cùng khó khăn. Nhưng bạn ấy đã vượt qua được tất cả và học tập thật tốt. Điều đó khiến em và nhiều bạn thấy trân trọng Nhiên nhiều hơn.
Chứng kiến sự trưởng thành của con, ông Đào Văn Được, cha của Nhiên xúc động: con sinh ra bị bệnh xương thủy tinh đã là thiệt thòi lớn nên không thể để nó thiệt thòi về trí thức, tinh thần. Vì vậy, dù có đói, có nghèo, có khổ sở đến đâu, tôi cũng cam chịu, chấp nhận hết. Nếu con học hành đàng hoàng thì mai này sẽ đỡ khổ, lúc ấy bậc làm cha làm mẹ cũng không phải ân hận, áy náy.
Ai sinh ra cũng mong muốn có một thân hình lành lặn, khỏe mạnh và cuộc sống tốt đẹp. Song không phải ai cũng có được may mắn ấy. Dù chịu không ít thiệt thòi trong cuộc sống, nhưng nhiều người khuyết tật không buông xuôi số phận. Trái lại họ mạnh mẽ, đầy ý chí nghị lực vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Cô bé “xương thủy tinh” Đào Thị Hoàng Nhiên là 1 trong số đó, và là tấm gương về nghị lực phi vượt lên chính mình!.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, bệnh xương thủy tinh (xương dễ gãy) là rối loạn di truyền liên quan đến cấu trúc xương. Người mắc bệnh này thường dễ vỡ xương, gãy xương và đôi khi bị yếu cơ hoặc lỏng khớp và thường mắc dị tật xương bao gồm tầm vóc nhỏ, vẹo cột sống… Đây là bệnh rất hiếm gặp, với tỷ lệ mắc bệnh này khoảng 1/20.000 người.
Xuân Huy