Cẩm Quý (huyện Cẩm Thủy): Thoát nghèo nhờ cây bí đao

Nhờ chuyển đổi từ mô hình trồng mía sang bí đao, nhiều hộ dân xã Cẩm Quý (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã thoát nghèo. Đây được xem như loài cây 'cứu cánh' cho bà con xứ Mường nơi đây trong những năm qua.

Xã Cẩm Quý trước đây là một trong số những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Cẩm Thủy. Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự nỗ lực của người dân, cuộc sống nơi đây đang từng bước thay da đổi thịt.

Là một trong số những hình thức phát triển kinh tế của địa phương, việc thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp cũng được quan tâm chú trọng. Trong đó, việc chuyển đổi từ cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng bí đao đã giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo thành công.

Trước đây, khi chưa trồng bí đao thì chúng tôi chủ yếu trồng mía, keo. Vài năm trở lại đây nhờ có cây bí đao mà cuộc sống cũng đỡ vất vả. Cây bí đao là giống cây ngắn ngày lại cho thu nhập ổn định nên nhiều người đã chuyển hẳn sang trồng loại cây này. Năm nay nhà tôi cũng vừa trồng thêm ít sào nữa để tăng thêm thu nhập”. Chị Cao Thị Ly (thôn Quý Thanh, xã Cẩm Quý) chia sẻ.

Hiện, trên địa bàn xã Cẩm Quý có khoảng 15 hộ trồng bí đao, tổng diện tích khoảng 23ha. Trung bình mỗi hộ dân trồng từ 1 - 1,5ha.

Theo người dân địa phương, bí đao là giống cây dễ trồng và lợi nhuận cao. Bí đao sau khi gieo trồng khoảng 50 ngày có thể thu hoạch, với giá bán dao động từ 10 - 20 nghìn đồng/1kg, trung bình 1 ha bí đao trừ chi phí đem về lợi nhuận 100 triệu đồng/1 vụ.

Thời điểm cuối năm, giá bán có phần nhỉnh hơn so với ngày thường từ 2- 3 nghìn đồng/1kg. Bí đao sau khi thu hoạch sẽ được các thương lái từ các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng… về thu mua tại vườn. Nhờ đó mà người dân có được đầu ra ổn định, tiết kiệm chi phí vận chuyển cho sản phẩm.

Không chỉ đem lại lợi nhuận cao, chi phí để đầu tư cho giống cây này cũng đỡ tốn kém và hiệu quả hơn rất nhiều. Theo chia sẻ từ người dân, để hoàn thiện một sào dây giàn mất chi phí từ 8 - 10 triệu đồng. Giàn được dựng lên sẽ sử dụng từ 2 - 3 năm, chính vì vậy sau mỗi lần thu hoạch người dân chỉ duy tu và sửa chữa thì có thể sử dụng tiếp cho các vụ sau. Đây là lợi thế rất lớn để tiết kiệm chi phí đầu tư.

Nhờ trồng bí đao, nhiều hộ dân ở xã nghèo nơi đây đang sớm ổn định kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Dự kiến, trong năm 2020, xã Cẩm Quý sẽ sớm hoàn thiện các mục tiêu để cán đích nông thôn mới. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng với vùng quê nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Tuyết - Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm Quý (huyện Cẩm Thủy) cho biết: “Tuy là giống cây trồng mới được đưa vào canh tác một vài năm trở lại đây, nhưng đây là mô hình rất hiệu quả. Trước đây chỉ manh mún một vài hộ trồng nhưng đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 25 ha được chuyển đổi sang trồng bí đao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa để phát triển bí đao như một trong những giống cây mũi nhọn của địa phương”.

Tuấn Kiệt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/cam-quy-huyen-cam-thuy-thoat-ngheo-nho-cay-bi-dao/126771.htm