Cam Ranh (Khánh Hòa): Chủ tịch TP bị kiện vì 'can thiệp quá đà' mâu thuẫn hai chú cháu
Chú cháu mâu thuẫn nhau nên làm đơn nhờ chính quyền giải quyết và Chủ tịch TP Cam Ranh lại ra quyết định có nội dung bị cho là 'quá đà'. Hai cấp tòa đều tuyên bác quyết định này và mâu thuẫn của hai chú cháu vẫn còn… y nguyên.
Chuyện phân chia gia đình rắc rối
Ông Lê Thanh Tài (SN 1954, ngụ xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng trong vụ án hành chính vì cho rằng tòa chưa đánh giá hết chứng cứ mà ông nêu.
Ông Tài là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong vụ kiện hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính về giải quyết tranh chấp tài sản” do anh Lê Thanh Hải (SN 1973, cháu gọi ông Tài là chú ruột, ngụ xã Cam Thịnh Đông) là nguyên đơn và bị đơn là Chủ tịch UBND TP Cam Ranh.
Theo hồ sơ, năm 1965, vợ chồng cụ Trần Thị Huê (là cha mẹ ông Tài, ông bà nội anh Hải) tạo lập được khoảng 4.000 m2 đất đường QL1A, đoạn qua thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông.
Năm 1979, diện tích này đưa vào HTX nông nghiệp Cam Thịnh 2 quản lý và giao xã viên sản xuất. Năm 1992, HTX giải thể, ông Lê Văn Sáu, con đầu cụ Huê canh tác trên khu đất.
Tháng 4/1999, cụ Huê làm “giấy cho đất gia cư” cho 8 người con gồm 5 gái, 3 trai. Con trai mỗi người 25m ngang (mặt tiền), con gái mỗi người 10m ngang. Cuối đất còn một khu có mồ mả gia tộc chưa dời đi. Chính phần đất mồ mả tổ tiên gây ra tranh chấp giữa chú cháu ông Tài.
Trong sự việc này, ông Sáu cũng không đồng ý ký vào “Giấy cho đất gia cư” vì cho rằng khi giải thể, HTX giao đất cho ông sử dụng. Ông Sáu cho rằng mẹ tự ý phân chia là không đúng quy định.
Theo lời kể của ông Tài, do ông Sáu không đồng ý ký vào giấy nên không thể phân chia. “Năm 2004, lúc đó hết tang mẹ, anh em họp lại và ông Sáu mới đồng ý chia đất cho anh như mẹ nêu. Tất cả anh em lập biên bản và có chữ ký xác nhận của UBND xã. Trong năm này, anh em thống nhất dời sáu ngôi mộ đi nơi khác”.
Ông Tài cho rằng, khi đo đất chia cho các anh em, phần đất thổ mộ còn dư lại 17,5m ngang. Ông Sáu thống nhất chia cho 3 anh em trai là ông Sáu, cha của anh Hải, ông Tài. Phần đất thổ mộ được chia theo thứ tự cha anh Hải 6m ngang, ông Tài 6m ngang, ông Sáu cuối cùng 5,5m ngang.
Năm 2006, ông Sáu thuê công ty đo vẽ tách toàn bộ đất chia cho các anh em theo văn bản cung cấp thông tin của Văn phòng Đăng ký đất đai TP Cam Ranh. Sau khi đo vẽ, một số người đã làm sổ đỏ. Còn lại 17,5m ngang đất thổ mộ, sơ đồ đo vẽ đứng tên ba người như gia đình phân chia.
“Cha của Hải cho Hải phần đất 6m ngang để làm nhà. Đất tôi kế bên, Hải mượn làm chuồng bò. Năm 2015, tôi lấy lại. Hải đòi trả 1 triệu đồng tiền san lấp mặt bằng. Thế nhưng đất của tôi, Hải không trả mà xây tường rào chiếm luôn”, ông Tài kể.
Mỗi người một quan điểm
Thế nhưng anh Hải phản bác trình bày của người chú. Anh Hải nói đất của ông bà nội để lại, không phải HTX giao cho ông Sáu. Tháng 4/1999, cụ Huê cho các con. Đến tháng 7/1999 cụ Huê làm giấy cho anh 10m ngang. “Tôi ở với bà nội từ nhỏ nên bà nội cho. Trong giấy cho có ông Tài và nhiều cô khác ký tên. Tôi còn giữ bản gốc đây. Sau khi bà nội cho, năm 2000 tôi làm kè đá, năm 2006 xây nhà, làm chuồng bò. Bà nội cho 10m ngang, nhưng tôi lấn thêm đất thổ mộ 2m ngang nữa, thành ra tôi có 12m ngang. Tôi chưa làm sổ đỏ là do chưa có tiền đóng tiền chuyển mục đích”, anh Hải nói.
Còn ông Tài nói rằng giấy cụ Huê cho đất anh Hải vào tháng 7/1999, ông không ký tên. Chữ ký của ông trên giấy là giả. Một người em khác của ông Tài cũng khẳng định không ký vào giấy này.
Theo ông Tài, phần đất tranh chấp nêu trên là của ông. Vì năm 2007, khi anh Hải và ông Sáu làm hồ sơ cấp sổ đỏ, ông Tài có đất ở giữa nên ký giáp ranh cho cả hai. Khi mở rộng QL1A, ông Tài có tên trong hồ sơ bồi thường, danh sách nhận tiền.
Anh Hải phản bác quan điểm trên, cho rằng khi Nhà nước mở rộng QL1A, anh cũng có tên trong hồ sơ bồi thường, danh sách nhận tiền. Nhưng do có vụ tranh chấp nên số tiền đó đang “treo”, chưa được nhận.
Năm 2015, cho rằng anh Hải xây hàng rào bao quanh phần đất của mình nên ông Tài làm đơn đến UBND xã đòi người cháu tháo dỡ hàng rào trả lại đất. Ngày 23/6/2016, Chủ tịch UBND TP ký Quyết định số 1216/QĐUBND giải quyết sự việc, trong đó có nội dung “công nhận phần đất đang tranh chấp là của ông Tài”.
Không đồng ý, anh Hải khiếu nại. Ngày 9/2/2017, Chủ tịch UBND TP ra Quyết định số 161/QĐ UBND điều chỉnh Quyết định 1216 với nội dung “công nhận phần đất đang tranh chấp đã được xác lập bồi thường hỗ trợ trong dự án mở rộng QL1A thuộc quyền sử dụng của ông Tài. Anh Hải tự ý rào lấn chiếm và tranh chấp với ông Tài là vi phạm pháp luật”.
Anh Hải khởi kiện Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, yêu cầu hủy hai quyết định nêu trên.
Cần một vụ kiện khác để giải quyết mâu thuẫn chú cháu
Mặc dù ông Tài cho rằng chữ ký trên giấy cho đất vào tháng 7/1999 mà người cháu trưng ra là giả, nhưng hai cấp tòa không thực hiện việc giám định chữ ký.
Tại phiên sơ và phúc thẩm, con cháu gia đình chia làm hai phe. Một phe làm chứng cho ông Tài việc chia đất thổ mộ 17,5m ngang cho ba người con trai. Một phe làm chứng việc cụ Huê cho anh Hải đất 10m ngang (lấn chiếm thêm 2m ngang thành 12m).
Năm 2018, TAND tỉnh Khánh Hòa bác đơn khởi kiện. Anh Hải kháng cáo. Năm 2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận đơn kháng cáo của anh Hải, tuyên hủy 2 quyết định của Chủ tịch UBND TP Cam Ranh.
Sự việc phải xử lý sao để vừa đúng pháp luật, vừa dung hòa quan hệ giữa hai bên đương sự là máu mủ ruột rà? Ông Sáu cho rằng: “Đất này trước khi đưa vào HTX là của cha mẹ tôi. Nhưng sau khi giải thể, HTX cấp cho tôi thì tôi mới là người có quyền sử dụng. Do đó những giấy tờ cho đất mà mẹ tôi lập năm 1999 không có giá trị pháp lý”.
“Sau khi mẹ qua đời, anh em họp lại, tôi thấy không nên tranh chấp nên đồng ý chia. Tôi đồng ý chia theo ý chí của mẹ để lại chứ không phải tôi thừa nhận những giấy tờ năm 1999. Bằng chứng là anh em chúng tôi lập một bảng thỏa thuận mới, có chứng nhận của xã UBND Cam Thịnh Đông. Tôi thấy hai cấp tòa chưa xem xét tính pháp lý này”, ông Sáu nói.
Ông Sáu cũng cho rằng, tất cả các cuộc họp chia đất không có sự tham dự của anh Hải vì anh Hải là hàng cháu, mà chỉ có mặt cha anh Hải. “Chính anh em tôi kéo dây đo mới biết còn lại 17,5m ngang đất thổ mộ. Hải nói không hợp lý, đất liền kề với nhau, thì làm gì còn khoảng trống mà Hải lấn chiếm 2m ngang thành 12m ngang”, ông Sáu nói.
Luật sư Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP HCM) cho biết: “Trong vụ kiện đã xảy ra, TAND Cấp cao chỉ hủy hai Quyết định giải quyết vượt quá yêu cầu của ông Tài. Ông Tài chỉ yêu cầu anh Hải tháo dỡ hàng rào lấn chiếm đất nhưng Chủ tịch UBND TP lại công nhận đất thuộc quyền sử dụng ông Tài. Như vậy phần đất này xác định hiện chưa thuộc quyền sử dụng của ai. Nếu hai chú cháu xảy ra tranh chấp thì sẽ được thụ lý bằng một vụ án dân sự. TAND TP Cam Ranh sẽ thụ lý sơ thẩm”.