Cầm súng đe dọa bắn người sẽ bị xử lý thế nào?
Theo luật sư, hành vi cầm súng đe dọa bắn người có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đe dọa bắn con dâu
Ngày 10/9, CA huyện Cư Kuin đã bàn giao ông Đặng Thanh Quý (trú tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho Cơ quan An ninh điều tra CA tỉnh Đắk Lắk để tạm giữ, điều tra về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 7h30 ngày 9/9, giữa vợ chồng ông Quý và người con dâu xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Cho rằng con dâu hỗn láo với bố mẹ chồng nên ông Quý đã lấy một khẩu súng AK, bên trong có 20 viên đạn ra đe dọa khiến người con dâu sợ hãi bỏ̉ chạy rồi đến CQCA trình báo.
Ngay lập tức, CA huyện Cư Kuin đã trin khai lực lượng đến nhà ông Quý. Tạị đây, ông Quý đã tự nguyện giao nộp khẩu súng trên cùng 20 viên đạn. Tiến hành khám xét nơi ở của ông Quý, lực lượng CA thu giữ thêm 2 khẩu súng K54 có gắn hộp tiếp đạn, bên trong có 14 viên đạn.
Bước đầu, ông Quý khai nhậ̣n, khoảng năm 2003 - 2004 làm bảo vệ kiêm thủ kho cho một công ty cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin. Thời điểm này, ông Quý được công ty giao trách nhiệm quản lý 3 khẩu súng trên cùng 34 viên đạn để thực hiện nhiệm vụ canh gác, bảo vệ kho xưởng. Đến năm 2018, ông Quý nghỉ hưu nhưng không giao nộp súng cho công ty mà mang về nhà cất giấu.
Có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo như nội dung báo chí đưa trên, ông Đặng Thanh Quý đã phạm 2 tội. Cụ thể, tội 1 là tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Theo Điều 304 Bộ Luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 106 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017, tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định người nào tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng thì có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
Phạm tội trong các trường hợp: có tổ chức; vận chuyển, mua bán qua biên giới; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, hành vi cầm súng đe dọa giết người của ông Đặng Thanh Quý, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo Điều 133 Bộ Luật hình sự năm 2015 về tội “Đe dọa giết người”.
"Nếu trường hợp người bị đe dọa không sợ hãi, không tin là người đó có thể giết mình thì sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự" - luật sư Nguyễn Thị Yến cho biết. Cũng theo vị luật sư, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm hành vi của người đàn ông. Sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó, đồng thời tuyên truyền, răn đe phòng ngừa chung để tránh những trường hợp tương tự.