Cấm tặng quà Tết, lãnh đạo không tự giác khó làm được
Cán bộ đảng viên, đặc biệt là người có chức, có quyền phải tự giác chấp hành Chỉ thị của Ban Bí thư về 'nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức'.
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 48 về việc tổ chức Tết năm 2021, trong đó có yêu cầu: "Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức".
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho rằng, đây là một chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm nay, không phải chỉ có năm 2020.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh. Ảnh: Minh Đạt
"Tuy nhiên năm nay, đặc biệt trong bối cảnh trước Đại hội XIII, việc kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả, làm trong sạch bộ máy...khi đất nước còn đang rất khó khăn là việc làm càng cần thiết", Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân
Để Chỉ thị này đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, theo ông đòi hỏi cán bộ, đảng viên cần phải làm gì?
Để thực hiện yêu cầu Chỉ thị đặt ra, theo tôi trước hết là nêu cao tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức có quyền phải tự giác chấp hành. Đấy là yếu tố quan trọng nhất. Còn có giám sát đến đâu, kiểm soát đến đâu nếu không tự giác thì cũng không làm được.
Mặt trận mong muốn là cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải chấp hành nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư, đặc biệt là những đồng chí nắm giữ những vị trí có điều kiện để nhận quà cáp này kia nhân dịp lễ, Tết.
Vậy vai trò giám sát của MTTQ trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư được thực hiện ra sao, thưa ông?
Hiện MTTQ đã giao văn phòng soạn thảo văn bản triển khai trong toàn hệ thống MTTQ một số nội dung.
Một là, phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Hai là, phát huy vai trò giám sát của người có uy tín trong cộng đồng. Thứ ba là tiếp thu ý kiến của bà con nhân dân.
Đây chính là việc phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân trong việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, thực hiện nghiêm túc các quy định trong dịp Tết Nguyên đán.
Khi có ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, Mặt trận có trách nhiệm phản ánh đến các cơ quan chức năng, trong đó có cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng để xem xét làm rõ nếu vi phạm thì xử lý, công khai cho người dân biết.
Việc này là kênh hết sức quan trọng để phòng ngừa những chuyện tiêu cực qua quà cáp có thể xảy ra.
MTTQ chưa nhận được ý kiến nào phản ánh về tặng quà Tết
Qua giám sát việc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư ở các năm trước, ông có nhận được phản ánh của cử tri, nhân dân gửi đến Mặt trận về chuyện tặng quà, nhận quà mỗi dịp lễ, Tết?
Cho đến thời điểm hiện nay, các quy định liên quan đến tặng quà được ban hành rất nhiều, không riêng gì dịp Tết mà cả những ngày lễ của ngành, ngày quan trọng của cá nhân như: ngày sinh nhật, giỗ, tiệc cưới… đều có quy định cả.
Qua quá trình giám sát, lắng nghe ý kiến nhân dân đến nay MTTQ cấp Trung ương chưa nhận được ý kiến nào phản ánh một cách đầy đủ, có cơ sở về việc tặng quà, nhận quà đối với một đồng chí cụ thể nào.
Nhưng khi dư luận nhân dân thì rõ ràng cũng có và mình cũng phải quan tâm. Từ dư luận, nếu có cơ sở, MTTQ sẽ phản ảnh đầy đủ đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiểm tra xem có không, nếu có thì xử lý theo quy định. Điều chúng tôi mong muốn là tinh thần tự giác thực hiện để những điều đó không xảy ra.
Thông thường sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị, nhiều cơ quan sẽ có văn bản “không nhận quà Tết, không tiếp khách chúc Tết” hoặc dán thông báo có nội dung tương tự ngay cửa ra vào. MTTQ sẽ thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư theo cách nào?
Tổ chức thực hiện rất quan trọng và có nhiều hình thức khác nhau. Có những cơ quan thường xuyên có tiếp xúc với cộng đồng DN, với người liên hệ công việc thì họ có thể thực hiện Chỉ thị bằng văn bản quán triệt, bằng các khẩu hiệu hoặc bằng các quy định được niêm yết tại cơ quan để nêu gương.
Đối với hệ thống MTTQ, chúng tôi không thực hiện việc niêm yết đó. Bởi lẽ, MTTQ là cơ quan đi giám sát và các đối tượng khách đến với chúng tôi là những người đến để phản ánh tình hình chứ không đến để tặng quà. Vì vậy, chúng tôi không nhất thiết thực Chỉ thị của Ban Bí thư hiện bằng hình thức này.
Nhưng chúng tôi quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư trong cơ quan, trong tập thể Ban Thường trực, các ban, đơn vị, các đầu mối của MTTQ ở cấp Trung ương và có văn bản quán triệt ở cấp địa phương.
Còn các cơ quan khác có những hình thức khác nhau và đều có tác dụng của nó như cảnh tỉnh, cảnh báo, để nâng cao tinh thần tự giác của cán bộ, lãnh đạo trong cơ quan họ hơn. Điều đó hoàn toàn hoan nghênh, không có vấn đề gì.