Cấm thu tiền môi giới để đưa người lao động ra nước ngoài làm việc
Cấm thu tiền môi giới để đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là 1 trong 17 hành vi bị nghiêm cấm từ 1/1/2022.
Chiều 13/11, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật, với đa số phiếu tán thành.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 Chương và 74 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.
Cấm thu tiền môi giới để đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là 1 trong 17 hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 7 của Luật.
Ngoài ra, các hành vi khác cũng bị cấm như nghiêm cấm lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật.
Hỗ trợ người lao động hoặc trực tiếp làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này cũng là vi phạm pháp luật.
Luật cũng nghiêm cấm việc thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng....
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.