Cấm tiêu cực, không cấm dạy thêm
Thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng học thêm là nhu cầu thực tế. Do đó, các bên đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư về dạy thêm, học thêm.
Bộ Giáo dục & Đào tạo đang lấy ý kiến vào dự thảo thông tư về dạy thêm học thêm, thay thế thông tư 17 trước đây, nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực đồng thời đảm bảo quyền lợi và công bằng cho cả người học và người dạy.
Lâu nay dư luận bức xúc với việc giáo viên dạy học sinh ở trường, rồi lại bằng cách này, cách kia “ép” học sinh học thêm do chính mình dạy ở bên ngoài. Những trường hợp này, học sinh và phụ huynh phải “tự nguyện một cách miễn cưỡng”. Đó là vấn đề mà ngành Giáo dục & Đào tạo phải tìm cách quản lý. Dự thảo về quản lý dạy thêm, học thêm hướng đến cấm những hiện tượng tiêu cực; không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của người dạy, người học.
Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông nhấn mạnh, dự thảo đang xin ý kiến đã hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp Trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp Trung học phổ thông. Quy định giáo viên trường công lập không được “tổ chức” dạy thêm, học thêm vẫn giữ nguyên, đúng với quy định chung về việc viên chức thì không được tổ chức kinh doanh; nhưng thầy cô vẫn được “tham gia” dạy thêm, theo đúng trình tự của pháp luật.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/cam-tieu-cuc-khong-cam-day-them-233854.htm