Cấm tra tấn trong thu thập chứng cứ
Các quy định đảm bảo các thông tin/khai báo là kết quả của tra tấn sẽ không được sử dụng như là bằng chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào, trừ khi được sử dụng làm bằng chứng để chống lại một người bị buộc tội đã thực hiện tra tấn.
Chứng cứ phải được thu thập đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (khi Bộ luật này có hiệu lực) thì mới có giá trị chứng minh trong quá trình tố tụng. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định người tiến hành tố tụng không được dùng các biện pháp mớm cung, ép cung khi lấy lời khai, hỏi cung. Pháp luật nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình trong quá trình điều tra, xét hỏi. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác trong vụ án. Tuyệt đối không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội họ.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định rõ hơn về việc cấm tra tấn trong thu thập chứng cứ: người tiến hành tố tụng không được dùng các biện pháp mớm cung, ép cung khi lấy lời khai, hỏi cung. Pháp luật nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình trong quá trình điều tra, xét hỏi. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác trong vụ án. Tuyệt đối không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội họ. Bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Như vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định phù hợp với yêu cầu này của Công ước.
Trong khoa học pháp lý của Việt Nam, căn cứ vào mối quan hệ giữa chứng cứ với đối tượng cần chứng minh mà phân loại thành chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp.
Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ trực tiếp xác định một tình tiết của đối tượng cần chứng minh, cho thấy ngay đối tượng cần chứng minh như: sự việc xảy ra có phải là sự việc phạm tội hay không; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi. Thông thường chứng cứ trực tiếp cho biết những nguồn tin quan trong và cơ bản nhất của hành vi phạm tội. Chứng cứ trực tiếp thường xuất hiện trong các trường hợp phạm tội quả tang, tang vật, lời khai của người bị hại.
Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không trực tiếp xác định các vấn đề của đối tượng cần chứng minh, nhưng lại kết hợp với các sự kiện, tài liệu khác xác định vấn đề của đối tượng cần chứng minh. Chứng cứ gián tiếp thường phải nằm trong hệ thống chứng cứ và tập hợp nhiều chứng cứ gián tiếp mới cho kết luận về đối tượng cần chứng minh, khi tách riêng các chứng cứ gián tiếp thì không đưa ra được kết luận. Trong quá trình thu thập chứng cứ, không được bỏ sót chứng cứ gián tiếp. Chứng cứ gián tiếp và chứng cứ trực tiếp đều là những nguồn chứng cứ quan trọng trong tố tụng hình sự.
Có thể đơn cử một số vụ việc khẳng định chứng cứ là kết quả của tra tấn đã bị hủy bỏ trong quá trình tố tụng. Ngày 8-7-2013, cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và tiến hành điều tra đối với 7 đối tượng, trong đó có Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc. Trong quá trình điều tra, Nguyễn Hoàng Quân và Triệu Tuấn Hưng là điều tra viên đã dùng nhục hình đối với 3 người này để buộc khai nhận có tham gia giết ông Lý Văn Dũng. Sau quá trình điều tra, không có cơ sở để kết luận 3 đối tượng phạm tội giết người. Ngày 21-5-2014, CA tỉnh Sóc Trăng đã đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ đối với các bị can. Như vậy, các lời khai, chứng cứ thu thập được từ việc dùng nhục hình của các điều tra viên đã bị hủy bỏ và không được sử dụng để buộc tội đối với các nghi can trong vụ án giết ông Lý Văn Dũng. Ngoài ra, một số vụ án khác có chứng cứ là kết quả của hành vi tra tấn đều đã bị hủy bỏ trong quá trình tố tụng.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cam-tra-tan-trong-thu-thap-chung-cu-194888.html