Cấm trẻ em vào đám cưới: Người Việt có dễ chấp nhận?
Tấm thiệp cưới của cặp đôi đình đám Cường Đô la – Đàm Thu Trang đang cực sốt dư luận bởi quy định khá lạ lùng trong thiệp cưới – không đưa theo trẻ em dưới 5 tuổi. Điều này đang làm dấy lên cuộc tranh luận nảy lửa chưa hồi kết về chuyện cấm trẻ em vào đám cưới...
Tranh luận là điều dễ hiểu và không khó đoán. Bản thân tôi khi tiếp nhận thông tin "cấm trẻ em vào đám cưới" cũng cảm thấy khá lạ tai và chưa biết nên đặt mình ở thái cực nào, đồng tình hay phản đối.
Người đồng tình ắt sẽ bày tỏ quan điểm cho rằng, không dẫn theo trẻ nhỏ tới các sự kiện mang tính trang trọng là cần thiết, và người Việt nên tự mình thoát khỏi những nếp nghĩ, nếp sống cũ kỹ mà tiếp thu những cái mới để xây dựng cách sống văn minh, hiện đại hơn. Những người theo quan điểm có phần “cấp tiến” sẽ lý giải, sự ồn ào của trẻ con sẽ làm phiền người lớn, phá tan bầu không khí trang trọng của các sự kiện; sự nghịch ngợm khó kiểm soát của trẻ nhỏ cũng khiến cha mẹ và người thân chúng “mất mặt” với mọi người…
Thậm chí, có người còn cho rằng, việc người lớn dắt theo quá nhiều trẻ em trong tiệc cưới sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới số ghế trong bàn tiệc, và đương nhiên, người thiệt thòi ở đây chính là cô dâu chú rể và gia chủ hai bên bởi liên quan trực tiếp tới lượng khách ăn và lượng mâm cỗ đã đặt.
Theo chiều ngược lại, ý kiến phản đối tôi tin là không hề ít. Họ sẽ có đủ lý do để phản bác cái sự cấm đoán nghe có phần lạ lẫm này. Nào là “học đòi theo Tây”, rồi thì “Tào lao, trẻ con biết gì mà cấm đoán?”, hay “Sao phải chấp nhặt trẻ nhỏ?”, “Đám cưới mà không có trẻ con thì mất vui!”…. Thôi thì đủ mọi lý lẽ, vì người Việt xưa nay vẫn ưa những gì là truyền thống và không dễ chấp nhận những điều quá mới mẻ ùa vào cuộc sống vốn dĩ đã đi vào quỹ đạo bấy nay.
Khó để phân định chuyện cấm trẻ em tới đám cưới là đúng hay sai và cũng chẳng bao giờ ngăn được chuyện tranh cãi xoay quanh điều này. Có một thực tế chưa hẳn nhiều người đã biết, ấy là, chẳng riêng gì đám cưới Đàm Thu Trang – Cường Đô la, cũng chẳng riêng gì Việt Nam, nước khác cả Âu lẫn Á cũng từng chứng kiến những câu chuyện tương tự liên quan tới việc cấm trẻ em lui tới các nhà hàng, khách sạn hay các sự kiện trang trọng… Đương nhiên, tranh cãi nảy lửa và không hồi kết là điều khó tránh khỏi!
Một trong những quốc gia có sự tranh luận quyết liệt và nảy lửa nhất liên quan tới việc quy định khu vực hạn chế trẻ em (no kids zone) chính là Hàn Quốc. Theo truyền thông quốc tế, ngày càng nhiều nhà hàng, quán café ở đất nước xinh đẹp này áp dụng quy định “no kids zone”. Điều này thậm chí được áp dụng ngày càng rộng rãi tại các khu phố thời thượng tại thủ đô Seoul và các điểm du lịch nổi tiếng như Jeju, Gyeongju và Busan…
Khi tiếp nhận thông tin này, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra bức xúc cực độ. Họ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc và cho rằng thật vô lý khi cấm đoán trẻ em lui tới những nơi vốn dành cho tất cả mọi người. Với những bậc cha mẹ phản đối quy định này, họ thực sự lên cơn bốc hỏa bởi cho rằng những tấm biển cấm ấy đang “hắt hủi trẻ em”. Thậm chí, một bà mẹ 40 tuổi ở xứ kim chi – người từng rơi vào cảnh bị một nhà hàng ở Jeju đuổi ra ngoài cùng hai con trai vì cho rằng cả ba sẽ gây ồn ào, làm ảnh hưởng tới các thực khách khác – bày tỏ quan điểm cho rằng, chuyện cấm đoán “vô lý” này sẽ khiến giới trẻ Hàn Quốc càng lười kết hôn sinh con bởi những phiền toái có thể gặp phải khi có sự xuất hiện của con cái…
Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với thái độ phản ứng gay gắt của các ông bố bà mẹ bỉm sữa, giới trẻ độc thân Hàn Quốc lại ủng hộ nhiệt tình quy định “no kids zone”. Theo Zing, một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu online Embrain, có tới hơn 60% trong số 1.000 người Hàn Quốc ở độ tuổi từ 19 – 59 từng ít nhất một lần không thoải mái trước hành vi của trẻ em nơi công cộng. Cũng theo khảo sát của công ty này, gần 75% người trẻ ủng hộ việc hạn chế trẻ em xuất hiện nơi công cộng, hơn 66% đồng tình việc các nhà hàng, quán café từ chối sự có mặt của trẻ em.
Kỳ lạ là trong cuộc khảo sát này, có một bộ phận người đã có con ủng hộ quy định “no kids zone”. 65,8% phụ huynh có con dưới 13 tuổi thực sự cảm thấy lo lắng khi con cái họ có thể làm phiền người khác trong nhà hàng, quán café. Việc một số nơi dùng thức ăn, đồ dùng không phù hợp với trẻ nhỏ cũng khiến họ cảm thấy bất tiện. Chia sẻ về quy định “no kids zone”, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm hay không cấm là quyền của mỗi nhà hàng, quán ăn và họ luôn mong muốn gia đình mình sẽ đến những nơi sẵn lòng mở cửa chào đón con cái họ.
Đó là câu chuyện ở Hàn Quốc, còn phương Tây, dù cuộc sống hiện đại và sống mở thế nào thì việc tiếp nhận quy định cấm trẻ em vẫn không ngăn được những tranh luận nảy lửa. Trong năm 2018, một nhà hàng ở thành phố Califonia cũng từng khiến dư luận xôn xao với quy định “Cấm trẻ em to mồm”.
Sự tình xảy ra khi ông Chris Shake, chủ nhà hàng Old Fisherman’s Grotto đặt một bảng thông báo ngoài cửa với nội dung: “Không mang xe đẩy hay ghế ăn trẻ em vào nhà hàng. Nếu con bạn ồn ào hay quấy khóc, xin mời ra khỏi phòng ăn”. Thông báo gây sốc này đã làm nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. “Nhà hàng này chỉ đáng nhận 0 điểm vì đưa ra quy định kì thị trẻ em này. Nếu biết có biển báo này trước nhà hàng, tôi sẽ không bao giờ bước vào đây nửa bước”, một ý kiến cho biết. Những người phản đối cho rằng, quy định này của nhà hàng quá hà khắc và đang kỳ thị đám nhỏ. Tuy nhiên, cũng có luồng quan điểm ủng hộ nhiệt tình cách làm mạnh tay của ông chủ nhà hàng vì cho rằng như vậy sẽ giúp Old Fisherman’s Grotto giữ được sự yên tĩnh vốn đã trở thành thương hiệu bấy lâu của nhà hàng. “Tôi đã quá mệt mỏi khi phải vừa ăn vừa chịu đựng lũ trẻ la hét xung quanh. Quy định này sẽ giúp mọi khách hàng được thưởng thức bữa ăn trọn vẹn và đây chắc chắc là lý do để tôi ghé thăm nhà hàng này”, một ý kiến bày tỏ.
Trước cơn bão dư luận, ông chủ Chris Shake lại tỏ ra bình thản đến kỳ lạ. “Quy định của chúng tôi đã làm phật lòng không ít khách hàng. Nhiều người chỉ mới nhìn thấy thông báo đã vội quay lưng đi và bình luận tiêu cực về nó. Tuy nhiên, nhà hàng của tôi đã đón tiếp không ít gia đình mang theo con nhỏ và chúng rất ngoan ngoãn cũng như không làm ảnh hưởng đến các vị khách khác. Những vị khách đó đều hiểu và tuân thủ các quy tắc của nhà hàng”, Shake chia sẻ và khẳng định, quy định ông đưa ra không hề có ý kỳ thị hay phân biệt bất kỳ ai…