Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Ủng hộ và… phân vân

Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định ngưỡng về nồng độ cồn nhưng cũng có người cho là quy định nồng độ cồn 'zero' đang phát huy hiệu quả.

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Không thể “bắt nhầm hơn bỏ sót”

Tôi cho rằng chúng ta không nên cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn mà cần nghiên cứu một ngưỡng nhất định. Bởi lẽ, xét về mặt khoa học, nhiều loại trái cây, đồ ăn cũng có một lượng nồng độ cồn nhất định. Bộ Y tế vừa qua cũng đã tổ chức tọa đàm và xác nhận vấn đề trên.

Về mặt thực tiễn, chúng ta thấy khả năng đào thải nồng độ cồn của mỗi người khác nhau, có người nhanh, có người chậm. Thực tế, nhiều người khá lo ngại việc tối nay uống 1-2 chén rượu thì sáng hôm sau đo nồng độ cồn vẫn lên và bị xử lý. Thêm vào đó, thời gian hết nồng độ cồn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như liều lượng, loại bia rượu, nồng độ bia rượu, thời gian uống kéo dài bao lâu, uống lúc đói hay lúc no...

Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta nên xem xét lại quy định, không nên vì nghiêm mà xử lý theo kiểu “bắt nhầm hơn bỏ sót”. Còn về việc Bộ Công an cho biết “cần áp dụng đến khi văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp…”, tôi cho rằng không nên như vậy. Luật pháp phải có tính ổn định và nhất quán, không thể lúc siết, lúc nới.

Đại tá NGUYỄN QUANG NHẬT, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (C08, Bộ Công an):

Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đang phát huy hiệu quả

Quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở được áp dụng từ lâu đối với ô tô và mới đây áp dụng cho tất cả phương tiện tham gia giao thông, thậm chí là người điều khiển xe đạp.

Với quy định trên, hiện nay việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% về số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.

Thêm vào đó, vừa qua theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an, có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu bia. Con số này chiếm 51,28% đối với bảy nhóm tội danh như: giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Từ năm 2018 đến 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 381.269 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%). Như vậy, tỉ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ do có liên quan đến rượu bia cao hơn tỉ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não nói chung.

Còn về quan điểm cần có một ngưỡng nhất định với người điều khiển phương tiện giao thông phải hỏi cơ quan y tế, bởi họ là cơ quan có chuyên môn để thẩm định việc này.

Ông NGUYỄN MINH ĐỒNG, chuyên gia ô tô, xe máy có nhiều năm sinh sống ở Đức:

Cần công bố dung sai của máy đo nồng độ cồn

Tôi cho rằng việc xử nghiêm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông là đúng. Tuy nhiên, máy đo nồng độ cồn đều có dung sai và Bộ Công an nên công bố dung sai này giống như tất cả các loại máy móc khác.

Máy đo nồng độ cồn ở nước ngoài, nhà sản xuất luôn đưa ra một dung sai cho máy móc 3%-7%. Do đó, đối với người ăn trái cây hay uống nước có ga khi đo nồng độ cồn sẽ nằm trong ngưỡng dung sai này để không bị xử phạt. Theo đó, Bộ Công an nên thử nghiệm 10 người ăn các loại trái cây có nguy cơ lên men để đưa ra mức độ giới hạn, như thế mới đưa ra kết luận.

Cạnh đó, mức uống của mỗi người cũng mỗi khác, như một người đàn ông ở Đức có thể uống ba chai bia nhưng vẫn tỉnh táo, do người Đức máu trong cơ thể cao hơn, gen xử lý cồn trong cơ thể cũng nhanh hơn. Còn người Việt Nam thì không giống như vậy. Hơn nữa, văn hóa Việt Nam thường kiêng nể nên “ép” uống rượu bia và tạo thói quen nên việc xử lý nghiêm về nồng độ cồn là để xử mấy việc ép nhau này.

Anh PHẠM MINH TỚI, một tài xế có hơn 20 năm kinh nghiệm:

Nên quy định ngưỡng

Không cần thiết phải cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế mà nên có quy định một ngưỡng nào đó. Có thể là 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở mới bị xử phạt. Có trường hợp tối nay uống nhưng sáng mai tôi chạy xe về mặc dù sức khỏe, tinh thần đều không ảnh hưởng nhưng khi thổi máy nồng độ cồn thì vẫn có thể lên. Nếu quy định mức nồng độ cồn bằng 0 thì tôi buộc phải nghỉ chạy xe, khi đó tôi sẽ mất lượng khách hàng ổn định, không có thu nhập.

Nhiều vụ tai nạn không phải do nồng độ cồn mà do ý thức của người tham gia giao thông. Người có ý thức đã uống vào thì sẽ không lái xe, hiện nay nhiều học sinh, giới trẻ với lứa tuổi bồng bột lái xe gây tai nạn rất nhiều. Tâm sinh lý và ý thức của mỗi người khác nhau, tính mạng mỗi người ai cũng quý, ai cũng muốn giữ an toàn nhưng cũng phải đưa ra quy định phù hợp với thực tế.

THY NHUNG - PHI HÙNG - THANH TÚ ghi

Nguồn PLO: https://plo.vn/cam-tuyet-doi-nong-do-con-ung-ho-va-phan-van-post777591.html