Cấm xe tải từ 3 trục, xe khách 29 chỗ đi vào thị xã Cai Lậy

Thông tin trên được ông Trần Văn Bon - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang xác nhận với Tiền Phong vào sáng nay (14/2).

Theo đó, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, chiều ngày 13/2, Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đặt biển báo cấm xe tải từ 3 trục trở lên và xe khách từ 29 chỗ lưu thông vào thị xã Cai Lậy (ngoại trừ xe buýt), bắt buộc các phương tiện này phải lưu thông vào tuyến tránh.

Biển cấm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế lưu thông vào thị xã Cai Lậy.

Biển cấm xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 ghế lưu thông vào thị xã Cai Lậy.

“Trước hết, chúng tôi sẽ tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền để người tham gia giao thông tuân thủ chứ chưa tiến hành xử phạt. Đối với các đơn vị chuyên kinh doanh lúa gạo, kinh doanh vận tải đang hoạt động ở thị xã Cai Lậy thì cho những đơn vị này đăng ký, sau đó sở sẽ cấp giấy phép được lưu thông ra vào thị xã Cai Lậy”, ông Bon nói.

Biển hướng dẫn xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 chỗ đi vào tuyến tránh Cai Lậy.

Biển hướng dẫn xe tải từ 3 trục và xe khách từ 29 chỗ đi vào tuyến tránh Cai Lậy.

Trước đó, ông Bon cho biết dựa theo hai phương án giải quyết bất cập trại trạm thu phí BOT Cai Lậy mà Bộ GTVT đã đưa ra, tỉnh Tiền Giang thống nhất chọn phương án 2 là xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm.

Theo đó, Bộ GTVT đưa hai phương án gồm: Thứ nhất, thu như cũ và miễn giảm giá vé cho phương tiện của 41 xã, phường, thị trấn quanh trạm (tương đương bán kính 10km), hộ kinh doanh được giảm 50%, hộ không kinh doanh được miễn vé khi qua trạm, xe buýt được miễn vé; đồng thời, giảm giá vé chung cho tất cả các phương tiện qua đây so với mức giá vé đã được ấn định ban đầu khi tổ chức thu phí (năm 2017).

Thứ hai, xây dựng thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm, trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ trạm đó. Theo ông Bon, với phương án này, sẽ thực hiện phân luồng giao thông theo hướng cho xe lớn di chuyển trên tuyến tránh nhằm tránh kẹt xe và gây ô nhiễm môi trường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy. Việc phân luồng giao thông thì Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ và địa phương tổ chức.

Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định phương án thu phí trở lại đối với dự án BOT Cai Lậy, tuy nhiên đại diện Sở GTVT Tiền Giang cho biết hiện nay Thủ tướng giao Bộ GTVT quyết định nên vẫn đang chờ ý kiến của bộ này.

Dự án BOT Cai Lậy (đầu tư, xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1, đoạn từ km 1987+560 đến km 2014+000) do liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang là đơn vị quản lý, khai thác.

Tổng chi phí đầu tư dự án (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán) là trên 1.380 tỷ đồng. Trong đó, tuyến tránh là hơn 680 tỷ đồng, phần tăng cường mặt đường QL1 là hơn 379 tỷ đồng, xây trạm thu phí trên 100 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 219 tỷ đồng.

Dự án khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2017, bắt đầu thu phí ngày 14/8/2017, sau đó gặp sự phản đối gay gắt nhiều lần, buộc phải xả trạm và dừng thu phí cho đến nay.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cam-xe-tai-tu-3-truc-xe-khach-29-cho-di-vao-thi-xa-cai-lay-1519478.tpo