Cảm xúc đong đầy trong ''Câu hỏi trẻ thơ''
Tôi thường nhận được thấy ánh mắt hồn nhiên, dịu dàng và ấm áp mỗi khi có dịp gặp nhà văn Lê Phương Liên. Cách sống, lối ứng xử của cô tạo niềm tin, sự sẻ chia gần gũi đối với người đối diện, nhất là với những bạn trẻ. 'Văn là người' chưa hẳn đã đúng trong không ít trường hợp nhưng rất đúng với nhà văn Lê Phương Liên. Đọc 'Câu hỏi trẻ thơ' có thể gặp chính tác giả trong ấy với những âu yếm, tin yêu, với trẻ nhỏ, con người và cuộc sống.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá: “Viết cho thiếu nhi rất khó. Viết cho lứa tuổi nhi đồng mẫu giáo còn khó hơn nhiều. Lê Phương Liên đã chọn con đường khó nhất ấy để tạo dựng sự nghiệp cho mình. Với tâm hồn trong trẻo, tinh tế và nhạy cảm, lại thêm lối kể chuyện mộc mạc, giản dị mà không kém phần hấp dẫn, sâu sắc... văn của chị là những món quà đặc biệt đã “thửa” riêng dâng tặng con trẻ và những ai từng là con trẻ”.
Tuyển tập truyện ngắn và tản văn “Câu hỏi trẻ thơ” ra mắt kỉ niệm 50 năm ra đời truyện ngắn đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút của nhà giáo - nhà văn Lê Phương Liên.
Nhà văn Lê Phương Liên tốt nghiệp sư phạm Toán Lý và từng đi dạy học khi mới ra trường. Bà viết truyện ngắn đầu tay “Câu hỏi trẻ thơ” năm 1970 cũng từ chính trải nghiệm của một cô giáo trẻ bắt đầu tập sự. Truyện đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của cuộc thi viết về “Thầy giáo và nhà trường xã hội chủ nghĩa” do Bộ Giáo dục tổ chức. Một số truyện ngắn sau này của bà như “Kỉ niệm những ngày thực tập”, “Bông hoa phấn trắng”... cũng xuất phát từ những trải nghiệm ấy.
Với truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ”, và truyện vừa “Những tia nắng đầu tiên” được NXB Kim Đồng xuất bản năm 1971, nhà văn Lê Phương Liên đã bén duyên với nghiệp văn chương. 50 tác phẩm (25 truyện ngắn và 25 tản văn) trong cuốn sách “Câu hỏi trẻ thơ” được tuyển chọn từ các tác phẩm được giải thưởng trong các cuộc thi, từng được in trên báo và trong các tuyển tập sách đã xuất bản của tác giả. Cuốn sách bắt đầu từ truyện ngắn đầu tay viết năm 1970 đến tản văn cuối cùng “Mùa xuân corona” viết năm 2020, chia sẻ những trăn trở về nhiều vấn đề nhân sinh thế sự.
“Những dòng văn trong cuốn sách là lời tâm tình của một nhà giáo, một nhà văn, một cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Kim Đồng và cũng là một người mẹ” - nhà văn Lê Phương Liên bày tỏ. Bởi thế, nó dành cho mọi lứa tuổi, từ các em học sinh tiểu học đến các độc giả đã ở tuổi hưu.
Những truyện ngắn, tản văn trong cuốn sách viết về nhiều chủ đề khác nhau, được sáng tác ở nhiều thời điểm, bối cảnh khác nhau. Từ những truyện viết về đề tài mái trường được chắt lọc từ chính trải nghiệm của tác giả - một cô giáo trẻ mới ra trường đầy tâm huyết; đến những truyện đồng thoại nhỏ xinh, những trang văn đẹp đẽ, trong trẻo dành cho lứa tuổi nhi đồng. Nhà văn Lê Phương Liên cũng dành nhiều trang viết về các vùng đất mà tác giả có cơ hội đặt chân tới. Đó là miền quê khi nhà văn đi sơ tán thuở nhỏ, về vùng núi cao nơi trẻ em còn nhiều thiếu thốn, hay ở “xứ sở của những hòn đảo xa mờ ngoài biển Đông Bắc Thái Bình Dương”, ở đất nước “Triệu Voi”... nơi tác giả từng ghé thăm.
Là “trẻ con phố Hàng”, sinh ra và lớn lên quanh “cây đa ngàn tuổi”, nên Bờ Hồ đã trở thành không gian quen thuộc và lưu nhớ của nhà văn Lê Phương Liên. Dù đi bất cứ nơi nao thì không gian Hồ Gươm vẫn là “cố viên tâm” - một hình bóng trong tâm hồn bà. Đó là “những ấn tượng không phai mờ của tuổi thơ tôi để lại cho con cháu, những lớp người sau sống trong một thời đại khác”.
Là người chuyên tâm viết cho thiếu nhi, từng giữ chức vụ Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Phương Liên có cơ hội được làm việc với nhiều nhà văn lớn của nền văn học thiếu nhi nước nhà. Phần sau của cuốn sách dành nhiều trang viết chia sẻ kỉ niệm của bà về các bậc tiền bối như nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Trần Hoài Dương, Định Hải...
Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ: “Từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, lẽ sống của tôi là tình yêu thương con người nhất là những người bé bỏng như trẻ em. Tâm tình ấy là do mẹ tôi và bà tôi đã ươm mầm từ khi còn nhỏ. Tôi sớm có một niềm khát khao vươn lên để hiểu biết tinh hoa trí tuệ loài người và mong mỏi được sống trong xã hội thắm tình yêu thương chân thật. Niềm khát khao ấy đã thôi thúc tôi cầm bút viết văn từ tuổi thanh xuân, trải qua những vất vả thăng trầm nỗi niềm ấy vẫn khiến tôi viết tiếp và viết mãi... Phần lớn những dòng chữ trong cuốn sách này tôi đã viết khi mẹ tôi không còn nữa. Mỗi khi viết được những dòng ngay ngắn tôi lại thấy trên cao xanh xa xa, mẹ tôi đang nhìn tôi và mỉm cười trìu mến vô cùng”.
Với cuốn sách có ý nghĩa đánh dấu 50 năm chặng đường cầm bút này, tác giả cũng hi vọng rằng “những trang sách sẽ đem lại cho người đọc những phút giây đầm ấm yêu thương, gửi đến các bạn những suy nghĩ tươi sáng về cuộc sống và con người”.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202103/cam-xuc-dong-day-trong-cau-hoi-tre-tho-3047077/