Cảm xúc khó quên trong những ngày thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ
Sau 10 ngày (từ ngày 13 đến 22/2) thực hiện nhiệm vụ, 9 huấn luyện viên và 6 chó nghiệp vụ Trường Trung cấp 24 Biên phòng (thuộc Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn BĐBP) cùng Đoàn cứu hộ, cứu nạn QĐND Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với các huấn luyện viên chó nghiệp vụ Trường Trung cấp 24 Biên phòng, lần ra quân đầu năm tham gia nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đem lại nhiều cảm xúc khó quên.
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Trần Quốc Hương, Cụm trưởng cụm cơ động 1, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Đội trưởng Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn BĐBP cho biết, khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, chỉ trong thời gian ngắn, cả đội gồm 9 cán bộ và 6 chó nghiệp vụ thiện chiến đã gấp rút chuẩn bị quân trang lên đường. Khi được lệnh xuất quân, Thiếu tá Trần Quốc Hương và một số cán bộ chỉ kịp gọi cho người thân thông báo chuẩn bị sang Thổ Nhĩ Kỳ triển khai nhiệm vụ cứu trợ. Gác lại niềm riêng, ghi nhớ những lời căn dặn của các thủ trưởng, ngay khi đặt chân tới đất Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/2, với khí thế quyết tâm cao, cả đội cùng đoàn công tác đã khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ, tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp như thể tìm kiếm người thân của mình.
Chiến thuật cứu hộ được Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn và đoàn lực lượng QĐND Việt Nam áp dụng là, các tổ gồm các cán bộ và chó nghiệp vụ tiến hành trinh sát, tìm kiếm các vị trí khả năng có nạn nhân. Nếu phát hiện vị trí khả nghi cần đưa ra khỏi khu vực sập đổ, hoặc dấu hiệu nạn nhân còn sự sống cần ứng cứu sẽ lập tức báo cáo để chỉ huy trưởng điều động lực lượng công binh tới hiện trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiến hành công tác cứu hộ. Lực lượng Quân y ở vòng ngoài sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp cần thiết, hoặc thực hiện các biện pháp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, bàn giao cho giới chức sở tại.
Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Phó đội trưởng Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn BĐBP kể lại, ngày đầu tiên khi triển khai đội hình đến khu vực hiện trường theo hiệp đồng với cơ quan chức năng nước bạn, cả đoàn đã dừng lại tại đường Rustem Tumer Pasa thuộc thành phố Antakya, tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ do người dân khi biết tin đã liên hệ nhờ lực lượng cứu hộ, cứu nạn QĐND Việt Nam giúp tìm kiếm người thân là hai mẹ con đang ngủ nhưng không kịp thoát ra ngoài.
Trực tiếp bao quát chung tại khu vực đường Rustem Tumer Pasa, Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, trong 1 giờ đồng hồ, anh cùng các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ đã rà soát kỹ từng ngóc ngách và nhanh chóng tìm thấy vị trí thi thể của hai nạn nhân. Sau khi đội công binh dùng máy quét xác định chính xác có nạn nhân tại vị trí, cả đội đã cùng lực lượng cứu hộ sở tại đào bới, cắt khung thép để đưa thi thể nạn nhân ra ngoài. Người thân của hai nạn nhân không ngừng nói lời cảm ơn trong nước mắt với lực lượng cứu hộ, cứu nạn QĐND Việt Nam.
Là những cán bộ có nhiều kinh nghiệm dày dạn trong công tác tìm kiếm, cứu nạn trong nước, Thiếu tá Trần Quốc Hương cùng các đồng đội không khỏi bàng hoàng trước khung cảnh hoàng tàn, đổ nát quy mô lớn sau thảm họa động đất ở thành phố Antakya - nơi đoàn cứu hộ, cứu nạn QĐND Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cùng với cơ quan chức năng địa phương. Thiếu tá Trần Quốc Hương chia sẻ, điều khiến cả đội trăn trở, xúc động nhất chính là hình ảnh người thân của các nạn nhân liên tục đứng quanh hiện trường, chờ mong tìm thấy người nhà. Trong lòng Thiếu tá Hương và các đồng đội lúc đó chỉ ước mong có phép màu cứu được nạn nhân còn sống sót dưới hàng trăm lớp bê tông, gạch đá. Với đạo lý truyền thống Việt Nam “Thương người như thể thương thân”, cả đội đã không quản ngại hiểm nguy, thận trọng len lỏi vào mọi khe hở trong những công trình bị tàn phá do động đất, quyết tâm sớm tìm được những nạn nhân bị vùi lấp dưới đống đổ nát.
Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn là một trong những lực lượng mũi nhọn góp phần giúp đoàn công tác cứu hộ cứu nạn QĐND Việt Nam đạt được những kết quả cao trong chiến dịch cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này. Theo Thiếu tá Trần Quốc Hương, sử dụng chó nghiệp vụ là phương pháp tối ưu nhất trong quá trình tìm kiếm các nạn nhân. Nhờ sự tinh nhạy trong quá trình được huấn luyện, các chú chó nghiệp vụ có thể nhanh chóng phát hiện vị trí có hơi người trên một khoảng không gian rộng lớn khói bụi trong các tòa nhà đổ sập, dưới hàng tấn lớp bê tông sắt thép đổ nát. Các chú chó nghiệp vụ có khả năng tìm kiếm các nạn nhân ở độ sâu lớn tới hơn 10m, với các điều kiện địa hình phức tạp. Khi xác định đúng vị trí có nạn nhân, các cơ quan chức năng sử dụng máy móc chuyên dụng để đào bới đưa nạn nhân ra ngoài.
Đại úy Nguyễn Văn Hưởng, cán bộ Khoa tìm kiếm cứu nạn, Trường Trung cấp 24 Biên phòng và chú chó Pocka là cặp huấn luyện viên-chó nghiệp vụ tìm thấy 3 vị trí có thi thể nạn nhân ngay trong ngày đầu lực lượng cứu hộ cứu nạn QĐND triển khai nhiệm vụ. Trong số 6 chú chó nghiệp vụ của đội, chú chó Pocka có nhiều năm huấn luyện hơn cả. Đại úy Nguyễn Văn Hưởng và chó Pocka đã từng tham gia cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng, vụ sạt lở ở Quảng Trị, sạt lở ở Mai Châu (Hòa Bình)…
“Mặc dù huấn luyện viên rất cẩn trọng, theo sát từng bước cùng chó nghiệp vụ, nhưng trong một lần đang thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường, Pocka đã bị mảnh thủy tinh cứa sâu vào chân. Tôi đã cùng cán bộ quân y băng bó vết thương cho Pocka; hằng ngày rửa lại và bôi thuốc cho Pocka. Chỉ sau 2 ngày, khi vết thương đã gần liền, cả đội quyết định cho Pocka tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Được tham gia lại cùng với các chú chó khác, tinh thần Pocka càng hăng hái hơn, tiếp tục phát hiện thêm nhiều vị trí có nguồn hơi nạn nhân…”, Đại úy Nguyễn Văn Hưởng kể.
Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, để kịp tiến độ hành quân đến hiện trường, bữa sáng, bữa trưa cả đoàn chỉ ăn lương khô và mì tôm. Khó khăn lớn nhất đối với cả đội là thời tiết khắc nghiệt, ban đêm nhiệt độ xuống dưới âm 8 độ C, tuyết phủ trắng các vật dụng, kể cả những chai nước. Hằng ngày, các huấn luyện viên phải thức dậy sớm hơn cả đoàn để dắt các chú chó nghiệp vụ ra ngoài cho chúng dần thích nghi với thời tiết lạnh giá. Vượt lên trên tất cả các khó khăn, thiếu thốn, cả đội đã khắc phục khó khăn, gian khổ, đoàn kết, thống nhất, luôn đặt tính mạng, tài sản của người dân bị nạn lên hàng đầu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
Sự động viên kịp thời của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và nhất là sự quan tâm, ghi nhận của các cơ quan báo chí, đồng bào ở quê hương là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để toàn đội hoàn thành nhiệm vụ. Ăn tối xong, nếu điện thoại của đồng chí nào bắt được sóng thì cả đội sẽ lần lượt gọi gia đình kể chuyện về công việc cũng như tình cảm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho bộ đội Việt Nam…
Ngày trở về, trong lễ tuyên dương Đội chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn BĐBP do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức tại Hà Nội ngày 24/2, Thiếu tá Trần Quốc Hương khẳng định, với tinh thần trách nhiệm quốc tế cao cả, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm khó khăn, vất vả nhất, từ ngày 14 đến ngày 22/2/2023, cán bộ, huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của Đội đã xác định chính xác 31 điểm, 15 vị trí và tìm kiếm được 38 thi thể nạn nhân. Kết quả đó đã khẳng định năng lực của cán bộ, huấn luyện viên, tính năng, tác dụng của chó nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại một địa bàn hoàn toàn mới, với nhiều khó khăn. Qua lần đầu tiên tham gia sứ mệnh nhân đạo tại một địa bàn xa xôi, toàn đội đã có thêm nhiều kinh nghiệm nghiệm quý trong công tác huấn luyện, chuẩn bị và tiến hành tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phục vụ cho công tác trước mắt và lâu dài.