Cảm xúc tháng tư
47 năm đã qua đi, với những người cựu chiến binh, ký ức dẫu ngày một lùi xa nhưng không hề quên lãng. Với họ, những ngày tháng tư luôn là bồi hồi, rưng rưng niềm cảm xúc, có cả những giọt nước mắt lặng lẽ rơi.
Trong căn nhà nằm khuất nơi hẻm nhỏ (ấp Kinh Tế, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh), cựu chiến binh Trần Hải Miên đang chuẩn bị treo cờ Tổ quốc trước nhà. Với ông Miên, những ngày này không bao giờ ông quên treo cờ. Nhìn lá cờ đỏ tung bay, giúp ông gợi lại những ký ức một thời gian lao nhưng hào hùng.
Dù đã ở tuổi 85 nhưng cựu chiến binh Trần Hải Miên vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Khi gặp lại đồng đội, ông luôn hào hứng trò chuyện. Những câu chuyện về một thời đạn bom dường như luôn bất tận không có điểm dừng.
Ông Miên nhập ngũ năm 1960 và hoạt động liên tục suốt 40 năm trong lực lượng Công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng). Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, ông Miên gắn với hoạt động tại các cửa khẩu, trong đó có các cửa khẩu là những chiến trường ác liệt đến giờ ông vẫn nhớ như Cha Lo, La Lay hay những ngày tháng miệt mài bên đất bạn Lào. Ông Miên cũng từng may mắn thoát chết trong trận chiến ác liệt.
Trải qua gian khổ chiến tranh, những người lính luôn quý trọng hòa bình. Ông Miên vẫn nhớ cảm xúc những ngày tháng tư năm đó. Ông bồi hồi chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà nhân dân cả nước đều chung niềm hân hoan, hạnh phúc lắm. Tôi rất vui vì đó là thành tựu của đất nước, trong đó có lực lượng vũ trang và tôi cũng được đóng góp”.
Với ông Miên, nhớ về ngày đó luôn là niềm vui pha lẫn tự hào. Đến bây giờ, sau 47 năm hưởng nền độc lập, ông Miên vẫn có chút bồi hồi khi những ngày tháng tư đến. Sau giải phóng ông chuyển vào Nam công tác, rồi chọn Tây Ninh trụ lại đến giờ. Đến năm 1989, ông Miên về hưu, giã từ binh nghiệp.
Nhiều năm rồi, số lần về quê, thăm chiến trường xưa với người cựu chiến binh này cứ xa dần. Ông Miên bày tỏ mình cũng có tiếc nuối, day dứt khi lâu chưa về thăm chiến trường hay những người đồng đội nhưng vì hoàn cảnh nên gác lại. Những đồng đội của ông, giờ này người ở xa, người đã không còn.
Khi các con phố lại rợp cờ đỏ trong những ngày tháng tư cũng là lúc ông lại nhớ về chiến trường xưa. Không đi xa thì được đi gần, thỉnh thoảng ông Miên cùng hội viên Hội Cựu chiến binh xã đi thăm Trung ương Cục, hay những khu vực gần như Vũng Tàu, Củ Chi. Đến những nơi đó giúp ông hồi tưởng lại thời kháng chiến anh hùng. Dạo bước quanh căn cứ, được nhìn lại những mái nhà, chiến hào cũng rất bồi hồi.
Sau 47 năm, đất nước có nhiều thay đổi, người cựu chiến binh này cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Những bộ quần áo cựu chiến binh được ông Miên treo, xếp trong tủ đầy trân trọng. Những huân, huy chương, huy hiệu trên ngực áo là những “chiến tích” đẹp đẽ nhất được lưu giữ trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Người cựu chiến binh này sẽ mãi luôn trân trọng và giữ gìn.
Cũng qua mấy mươi năm rồi, ông Phạm Văn Ân, 71 tuổi (ấp Bình Trung, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh) vẫn còn đầy cảm xúc khi chia sẻ về những ký ức của mình. Năm 17 tuổi, chàng trai Phạm Văn Ân với thân hình nhỏ nhắn, ốm yếu chính thức được nhập ngũ sau hơn 5 lần viết đơn tình nguyện. Liên tục hàng chục năm trời ông tham gia hoạt động từ Bắc vào Nam, rồi sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Ý chí người chiến sĩ cách mạng không khi nào nao núng.
Ông Ân nhớ những ngày hành quân trên đường Trường Sơn, bệnh tật vẫn không lùi bước, ông cũng chứng kiến cái chết của những người đồng đội, đầy đau thương. Đó là những ký ức không thể nào quên trong cuộc đời của cựu chiến binh Phạm Văn Ân. Nhưng chàng trai trẻ đó vẫn luôn mạnh mẽ tiến lên.
Ông Ân nhớ ngày 30.4.1975, ông cùng đồng đội vỡ òa cảm xúc khi đón nhận tin giải phóng. Với ông Ân, không có từ ngữ nào có thể tả được cảm xúc khi ấy. Những người lính thường ngày luôn đầy mạnh mẽ như ông Ân bỗng chốc yếu mềm trước niềm vui to lớn, nước mắt lặng lẽ chảy không thể nào ngăn được.
Đến giờ khi hồi tưởng lại thời điểm ấy, ông vẫn còn rưng rưng. Vì đó là niềm hạnh phúc được đổi từ xương máu, hy sinh của biết bao người, là hạnh phúc của cả dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu viết hai câu trong bài thơ ca ngợi Bác: “Cho Việt Nam độc lập/ cho thế giới hòa bình!”, quý trọng những giá trị đó, ông Ân cũng đáp lại ý thơ này, ông gửi gắm “Việt Nam thế giới đại đồng/ Việt Nam nhân loại hòa đồng sống chung”.
Năm 1988 về hưu, ông tham gia nhiều hoạt động tại địa phương như Hội Cựu chiến binh, Chi bộ ấp, được tiếp tục làm việc thì ông luôn thấy rất vui vì mình tiếp tục được cống hiến dù rời xa đời lính. Ông Ân luôn phấn đấu trong cuộc sống, ông sẵn lòng dang tay giúp đỡ những người còn khó khăn tại địa phương, trong đó có những người cựu chiến binh.
Nhiều lần ông Ân được trở về thăm lại chiến trường xưa, nhìn lại cảnh cũ, những cảm xúc vẫn cứ trào dâng, nhớ về những hy sinh của đồng đội, những giọt nước mắt ông cũng thường lặng lẽ rơi. Ông thường lý giải: “Đó là tình thương của những người đồng đội, của con người với nhau mà”. Những năm tháng sau giải phóng, ông Ân càng hạnh phúc khi gặp lại những người đồng đội, được ôm choàng lấy nhau, kể lại những thời điểm trải qua gian khổ.
Nhiều năm qua, cựu chiến binh Phạm Văn Ân có niềm vui là mỗi dịp tháng tư hay những ngày kỷ niệm, ông được Hội Cựu chiến binh xã mời đi nói chuyện sinh hoạt truyền thống cho lớp trẻ. Lúc đó, ông như được sống lại những ký ức hào hùng, được chia sẻ về truyền thống anh hùng đến lớp trẻ, giúp các cháu có thêm nhiệt huyết, niềm tự hào với dân tộc, đất nước.
Những hồi ức trong cuộc kháng chiến, ông Ân thường kể lại cho các con cùng nghe, ông dạy con mình phải nhớ ơn những người đã hy sinh mang lại cuộc sống ấm no cho mọi người. Chị Phạm Thị Hồng Thương- Bí thư Xã đoàn Bình Minh, con gái ông Ân đầy tự hào chia sẻ: “Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình cựu chiến binh.
Tôi luôn tự hào về bố. Chúng tôi luôn được nghe về những ký ức chiến trường, những hiểm nguy mà bố tôi đã trải qua. Tôi cảm thấy thương bố nhiều hơn, quý trọng những hy sinh của những người lính. Và tôi luôn lấy bố làm gương để phấn đấu, làm tốt công việc của mình”.
Những ngày tháng tư lại đến, những người lính năm xưa bồi hồi khi xem lại những thước phim về thời kháng chiến tuy gian khó nhưng hào hùng. Nhìn những đổi thay, phát triển mỗi ngày của đất nước, của quê hương, họ lại càng thêm tự hào.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cam-xuc-thang-tu-a144726.html