Cảm xúc từ một chuyến bay ra giàn

Từ cửa sổ máy bay trực thăng, các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương, Petrovietnam, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Ban Điều hành Dự án Lô 01&02, Lô 01/97&02/97... nhìn rõ từng cái vẫy tay của người lao động trên FPSO Ruby II, từng nhịp vẫy cờ Tổ quốc trong gió để chào đoàn công tác, tiếc là chuyến bay không thể hạ cánh vì gió lớn. Chiếc trực thăng cứ thế bay 3 vòng quanh FPSO Ruby II để đáp lại lời chào rồi rời đi, dù không ai nói gì, nhưng trong lòng không khỏi những cảm xúc tiếc nuối.

Trong chuyến ra giàn làm việc, động viên CBCNV lần này, các lãnh đạo của Ban Điều hành Dự án Lô 01&02, Lô 01/97&02/97 chuẩn bị kỹ hơn những chuyến trước vì nhận tin báo sức gió ngoài biển đang rất mạnh, đạt mức trên 50 knots, tương đương 90km/h. Theo tài liệu, gió ngang cho phép máy bay trực thăng hoạt động tầm 30-40 knots (55-75m/h). Đối với gió mạnh hơn, có khả năng ảnh hưởng đến điều khiển và an toàn của máy bay.

Những con sóng bạc đầu làm chiếc tàu dịch vụ bồng bềnh

Những con sóng bạc đầu làm chiếc tàu dịch vụ bồng bềnh

Trước chuyến đi, đánh giá mức độ phức tạp của hành trình khi máy bay liên tục cất - hạ cánh giữa các điểm trong điều kiện gió lớn, có thời điểm gió lên đến 54 knots, ông Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Ban Điều hành Dự án Lô 01&02 đã chuẩn bị nhiều phương án dự phòng, tính cả đến chuyện điều thêm máy bay khi gặp thời tiết khắc nghiệt và gặp vấn đề về nhiên liệu... Nghĩ đến những ánh mắt mong chờ của người lao động đang làm việc trên biển, phải xa nhà, xa gia đình để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng cho Tổ quốc, ông Nguyễn Đức Chính xin ý kiến lãnh đạo Petrovietnam, hội ý cùng các lãnh đạo PTSC cùng các thành viên trong tổ bay và quyết định giữ hành trình thăm, động viên người lao động tại FPSO Lam Son, giàn Diamond Lô 01&02 và FPSO Ruby II nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp đến.

Sáng ngày 11/1/2025, chuyến bay xuất phát từ sân bay Vũng Tàu trong thời tiết nắng đẹp, có gió nhẹ. Đoàn mang theo những gói quà, lời chúc và những thông tin tốt đẹp từ đất liền gửi đến những người lao động đang làm việc trên biển. Khi cơ trưởng thông báo chuyến bay tiếp cận FPSO Lam Son cũng là thời điểm gió mạnh, bên ngoài cửa sổ là những đợt sóng bạc đầu, những chiếc tàu dịch vụ từng nhịp bồng bềnh theo con sóng, vòi rồng phun nước đón đoàn kéo vệt dài theo gió, ẩn hiện 7 sắc cầu vồng dưới nắng. Máy bay đáp trên bãi đậu trực thăng FPSO Lam Son để đoàn công tác và hàng hóa di chuyển xuống, sau đó khẩn trương rời đi sang giàn khác để đậu chờ đoàn.

Ông Nguyễn Đức Chính hỗ trợ các thành viên đoàn công tác xuống FPSO Lam Son

Ông Nguyễn Đức Chính hỗ trợ các thành viên đoàn công tác xuống FPSO Lam Son

Mặc dù đã nhận được khuyến cáo nhưng đoàn vẫn bất ngờ khi vừa bước xuống cửa máy bay đã bị những đợt gió mạnh tạt ngang từ phía biển, phải bám thật chắc vào tay vịn để tránh bị ngã. Kho nổi FPSO Lam Son cũng bồng bềnh theo những đợt sóng. Cảm giác khó chịu bởi say sóng vội tan nhanh khi đón đoàn là những nụ cười tươi, những cái bắt tay thật chặt, những câu hỏi thăm ân cần, ấm áp như đón người thân về nhà, tạm quên đi bên ngoài kia là những cơn sóng vẫn vỗ liên hồi.

Bên cạnh những lời chúc bình an, mạnh khỏe, hoàn thành tốt công việc được giao... ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) động viên người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn của công việc, thiên nhiên, hoàn cảnh đặc biệt trên biển, tạm xa nỗi nhớ gia đình trong Tết cổ truyền để giữ tinh thần mạnh mẽ, tích cực, lạc quan.

Đoàn công tác tặng quà người lao động trên giàn Diamond

Đoàn công tác tặng quà người lao động trên giàn Diamond

Ông Trần Bình Minh, Thành viên HĐTV Petrovietnam cho biết, Petrovietnam luôn đồng hành cùng người lao động vượt qua những khó khăn, thử thách và cam kết mang đến môi trường làm việc an toàn, hỗ trợ tốt nhất để người lao động hoàn thành tốt công việc được giao.

Rời FPSO Lam Son, do điều kiện gió lớn nên phi công điều khiển máy bay trực thăng hạ thấp độ cao hơn ngày thường, tốc độ bay chậm lại để đề phòng các tình huống khẩn cấp, chậm rãi tiếp cận giàn Diamond. Đoàn được thông báo mặc nguyên áo phao để xuống giàn. Lúc này, ông Nguyễn Đức Chính nhận được bức thư tay từ anh Hoài - Cơ trưởng chuyến bay gửi, ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin. Anh Hoài thông báo: “Hiện tại, sức gió khu vực FPSO Ruby II ở ngưỡng 55 knots, đã chạm mức giới hạn của tính năng tàu bay. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đề nghị sau khi hạ cánh tại Diamond, đoàn sẽ bay thẳng về Vũng Tàu”. Cầm bức thư trên tay, ông Chính bồi hồi lúc lâu mới thông báo cho đoàn rời giàn Diamond và khởi hành quay về đất liền, do điều kiện gió lớn, máy bay không thể đáp xuống FPSO Ruby II.

Sức gió đo được tại thời điểm đoàn xuất phát từ sân bay Vũng Tàu

Sức gió đo được tại thời điểm đoàn xuất phát từ sân bay Vũng Tàu

Bức thư tay cơ trưởng chuyến bay gửi cho ông Nguyễn Đức Chính

Bức thư tay cơ trưởng chuyến bay gửi cho ông Nguyễn Đức Chính

Liên tục có những đợt sóng lớn giữa biển tại Lô 01&02

Liên tục có những đợt sóng lớn giữa biển tại Lô 01&02

Bước lên máy bay mà trong lòng trĩu nặng, sau khi ổn định chỗ ngồi, ông Chính chuyền tay từng người lá thư viết tay từ cơ trưởng. Ai đọc xong cũng im lặng nhìn qua ô cửa sổ, nơi những con sóng bạc đầu cứ liên tiếp xô nhau giữa mênh mông biển khơi.

Tiếng loa thông báo của cơ trưởng chuyến bay cắt đi dòng suy nghĩ, cả đoàn hướng về tay phải để chào và tạm biệt người lao động trên FPSO Ruby II. Máy bay chậm rãi áp sát kho nổi để đoàn nhìn rõ từng cái vẫy tay của anh em bên dưới, có người cầm cờ Tổ quốc vẫy trong gió mạnh để đoàn dễ nhận ra giữa biển cả mênh mông. Mặc dù ở cả hai nơi không ai nói gì, nhưng có thể thấu hiểu hết nỗi khó khăn, gian khổ của “những người đi tìm lửa”, nỗi mong ngóng đoàn đến thăm như mong người thân về nhà. Những lãnh đạo trên máy bay đều nuối tiếc vì không thể đến trao tận tay những món quà, bắt tay người lao động để động viên họ mạnh mẽ đón một cái Tết xa gia đình. Máy bay cứ thế bay 3 vòng quanh kho nổi rồi rời đi, ai cũng quay mặt đi để người ngồi đối diện không thấy khóe mắt có giọt nước vừa rơi.

Ông Trịnh Việt Thắng chuẩn bị lên máy bay tại sân đỗ FPSO Lam Son

Ông Trịnh Việt Thắng chuẩn bị lên máy bay tại sân đỗ FPSO Lam Son

Ông Trịnh Việt Thắng - Trưởng Ban Quản lý Hợp đồng dầu khí Petrovietnam chia sẻ: “Hơn 25 năm trong nghề, 7 năm đi làm trực tiếp ngoài biển, đất liền, trong nước và nước ngoài, tôi đã nếm trải đầy đủ những cung bậc của khó khăn, nguy hiểm trong nghề. Nhưng chuyến bay thăm giàn lần này, tôi đã cảm nhận sâu sắc hơn sự vất vả, nguy hiểm của những người lao động dầu khí thầm lặng.

Lần đầu tiên trực thăng không thể hạ cánh xuống FPSO, bởi thời tiết quá khắc nghiệt, sóng to, gió lớn. Lần đầu tiên khóe mắt tôi cay xè khi thấy những người thợ dầu khí mong ngóng những tình cảm từ đất liền đến thế. Tôi đã từng chạy bão, từng đi tàu dịch vụ ra giàn khoan, từng ăn và tắm cát ở sa mạc Sahara nhưng chưa bao giờ cảm thấy say sóng, say bờ và nôn nao như lần này. Tôi cũng từng rất giận và uất ức khi có người nói, dầu khí và than chỉ việc múc lên mà bán, sao lại kêu lỗ. Nhưng nếu không đến tận nơi, nhìn tận mắt thì họ sẽ không bao giờ cảm nhận được sự vất vả, nguy hiểm và hy sinh.

Ai cũng có gia đình, có những người thân mong ngóng, ai cũng muốn có một cái Tết đoàn viên. Nhưng những người thợ dầu khí vẫn bám biển nơi đầu sóng ngọn gió, miệt mài và chăm chỉ làm việc 24/7, 365 ngày trong năm. Mỗi một công trình dầu khí ngoài khơi đều là cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển, những người thợ dầu khí cũng là người lính bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đó của Tổ quốc.

Đoàn công tác xuống giàn Diamond được yêu cầu vẫn giữ nguyên áo phao trên người

Đoàn công tác xuống giàn Diamond được yêu cầu vẫn giữ nguyên áo phao trên người

Khoảnh khắc không đáp được xuống FPSO Ruby II vì gió lớn, ông Thắng xúc động chia sẻ: “Từ trực thăng, tôi thấy người thợ dầu khí đứng trên sân bay cầm lá cờ Việt Nam vẫy chào đoàn công tác mà thực sự xúc động. Từ đáy lòng mình, tôi luôn cảm thấy biết ơn và trân trọng sự vất vả, hy sinh của những người lao động dầu khí, “những người đi tìm lửa”, bởi chính họ đã khai thác những thùng dầu vô cùng quý giá, mang lại những đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành Dầu khí, cũng như của Việt Nam”.

Thật vậy, bởi nhờ những người đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió thì mới có nguồn dầu khí dồi dào để bảo vệ “5 chữ An”: Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng và thực hiện tốt an sinh xã hội mà Petrovietnam đang thực hiện và gìn giữ.

N. Hiển

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cam-xuc-tu-mot-chuyen-bay-ra-gian-723313.html