Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh: Xuất hiện 'cò bảo kê' máy gặt ?
Lúa đã chín nhưng đổ gãy do thiên tai bất lợi, người dân Hà Tĩnh lo thu hoạch nhanh để tránh thiệt hại.
Nỗ lực gọi máy đến gặt không được, nông dân như “ngồi trên đống lửa”. Họ nghi ngờ có tình trạng “cò” bảo kê khiến chủ máy không dám đến ruộng.
Dân tố có dấu hiệu bảo kê với chính quyền
Vụ xuân 2021, gia đình ông Đặng Quốc Quân (SN 1960, thôn Hưng Dương, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) gieo cấy 10 sào lúa. Khi lúa chuẩn bị tới kỳ thu hoạch, do gặp thời tiết không thuận lợi nên hơn 8 sào đã bị đổ gãy, ảnh hưởng lớn tới năng suất. Những ngày qua gọi bao nhiêu chủ máy gặt, không ai đến.
Cũng tại xã Cẩm Hưng, gia đình bà Phạm Thị Lý (SN 1962, thôn Hưng Dương) có 10 sào lúa đến vụ thu hoạch nhưng 9 sào bị đổ gãy. Con cái đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có 2 vợ chồng. Đã gần một tuần nay, dù đi gọi máy gặt ở nhiều nơi nhưng không ai dám nhận khiến vợ chồng bà Lý như “ngồi trên đống lửa”.
Gia đình ông Đặng Quốc Phăng cũng có 9 sào lúa đã chín vàng nhưng việc thu hoạch đang gặp khó khăn do không có máy gặt đập liên hợp. “Trong nhà giờ chỉ có 2 vợ chồng nên việc thu hoạch gần như chỉ trông chờ vào thuê máy nhưng năm nay không hiểu sao máy lại không có. Cả buổi sáng gặt tay, chúng tôi chưa được nửa sào lúa” - ông Phăng bày tỏ.
Theo tìm hiểu, thôn Hưng Dương gieo trồng khoảng 30 ha lúa vụ xuân. Trước khi vào vụ gặt, thôn cũng đã liên hệ máy gặt nhưng không có. Hiện nay, gần như toàn bộ diện tích đều đã chín vàng nhưng việc thu hoạch lúa ở thôn Hưng Dương rất chậm do không có máy gặt.
Còn tại thôn Hưng Thắng có hơn 100 ha lúa vào vụ thu hoạch. Sau nhiều ngày không thuê được máy gặt, chiều 13 - 14/5, hàng chục người dân đã tập trung phản ánh lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng…
Từ phản ánh của những người nông dân này, những ngày gần đây, để thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa đã chín, họ đã đi thuê máy gặt về làm. Tuy nhiên, máy gặt đến rồi lại đi vì bị một số đối tượng yêu cầu phải đóng từ 20 - 25 ngàn đồng/1 sào ruộng. Không những thế nếu đưa máy đến đây gặt họ phải nộp cho các đối tượng bảo kê 5 triệu đồng. Do đó, dù nhiều chủ máy không có việc họ cũng không dám nhận.
Nhìn cảnh hàng chục hộ dân đứng ngồi không yên trước thực trạng lúa đã chín vàng, nhiều diện tích ngã rạp do trước đó gặp mưa lớn. Một số hộ dân đã thuê người tới gặt bằng tay nhưng gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ thu hoạch rất chậm.
“Sợ mưa xuống nếu không gặt kịp diện tích bị ngã đổ lúa sẽ rụng hết, mấy ngày này vợ chồng tôi dậy từ 3 giờ sáng để ra đồng thu hoạch nhưng chưa được bao nhiêu. Không thuê được máy thì bao nhiêu công sức mấy tháng trời dễ mất trắng”, bà Phạm Thị Lý lo lắng.
Đây là thực trạng chung của người dân đang trong vụ thu hoạch lúa tại các vùng nông thôn ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Tình trạng này đã kéo dài nhiều ngày nay khiến người dân nơi đây rất bức xúc và nghi ngờ có dấu hiệu “bảo kê” máy gặt. “Máy thì không thiếu, người dân cần máy gặt gấp nhưng gọi điện chủ máy lại không dám đến” – một người dân xã Cẩm Hưng cho hay.
Công an gọi máy giúp dân
Liên quan đến tình trạng trên, ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng, đặc biệt là công an các xã, phường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng xem thường pháp luật, xem thường kỷ cương phép nước, ngang nhiên trục lợi mồ hôi công sức của người dân, bằng việc bảo kê máy gặt, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi và tài sản cho nhân dân.
Trước phản ánh của người dân về việc có một số đối tượng “cò” tăng giá máy gặt khiến việc thu hoạch lúa gặp nhiều khó khăn, Công an huyện Cẩm Xuyên đã gọi máy giúp dân và làm rõ 2 đối tượng vi phạm.
Ngày 17/5, Thượng tá Phan Ngọc Tố, Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo và trực tiếp cùng các cán bộ của đơn vị kiểm tra tình hình thực tế tại một số thôn của xã Cẩm Hưng. Qua kiểm tra, ghi nhận một số thôn đã có ít hoặc chưa có máy gặt nào đến ruộng nên lãnh đạo công an huyện đã chỉ đạo lực lượng huy động máy gặt giúp dân. Tính đến chiều ngày 17/5, tại địa bàn xã Cẩm Hưng đã có hơn 10 chiếc máy gặt, đập liên hoàn.
Về việc người dân phản ánh có tình trạng “cò” bảo kê, tăng giá, Công an huyện Cẩm Xuyên đã xác minh làm rõ không có đối tượng bảo kê. Tuy nhiên, trước đó, một số người hợp đồng với thôn gọi máy gặt, sau đó không gọi được nhưng khi dân gọi máy về thì lại đến yêu cầu chủ máy trích phần trăm.
“Qua xác minh, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên chưa xảy ra tình trạng bảo kê máy gặt. Tuy nhiên, có sự việc một vài đối tượng ở thôn Hưng Thắng đứng ra thỏa thuận thu tiền từ máy gặt mà người dân gọi về” - Thượng tá Phan Ngọc Tố khẳng định.
Về các đối tượng đứng ra thu tiền phần trăm, Công an huyện Cẩm Xuyên đã làm rõ và triệu tập Hà Huy Giáp và Lê Văn Đường, cùng trú trên địa bàn thôn Hưng Thắng (xã Cẩm Hưng).
Khi bị triệu tập làm việc, Giáp và Đường đã khai nhận toàn bộ sự việc. Tổng số tiền phần trăm mà 2 người này thu từ chủ máy gặt người Cẩm Thịnh là 1,9 triệu đồng. Công an huyện Cẩm Xuyên đang củng cố hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. “Trước khi bước vào mùa gặt, đơn vị này đã giao trách nhiệm cho lực lượng công an các xã, thị trấn nắm chắc tình hình, không để xảy ra tình trạng bảo kê máy gặt” – vị trưởng công an huyện này cho hay.
Trường hợp phát hiện các vụ việc gây mất an ninh trật tự phải khẩn trương vào cuộc xác minh, kiên quyết xử lý nghiêm; với vụ việc phức tạp thì phải báo cáo lên công an huyện để có biện pháp xử lý.
Ông Hà Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay, trước thời điểm thu hoạch vụ lúa Xuân năm nay, huyện đã chỉ đạo, trực tiếp cùng các địa phương khảo sát, nắm tình hình thực tế để giúp dân thu hoạch kịp thời. Việc thiếu máy gặt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã chủ động liên hệ từ rất sớm nhưng lượng máy gặt từ các tỉnh khác đến Hà Tĩnh ít hơn nhiều so với những năm trước.
“Thực tế xã Cẩm Hưng là địa phương có yếu tố đặc thù chưa thực hiện công tác dồn thửa, dẫn đến việc các chủ máy gặt ngần ngại khi đưa máy tới đây, vì việc gặt khó khăn hơn nên máy thường về muộn hơn. Huyện sẽ đáp ứng đầy đủ máy gặt phục vụ nhân dân, không để tình trạng người dân bị thiệt hại tài sản do thiếu máy gặt” – ông Bình khẳng định.