Cambute 'thức giấc' trên vùng đất khó

Nắng chiều rướn mình qua dãy núi xa, những nhân viên người đồng bào Churu, K'ho cũng vừa kết thúc một ngày làm việc ở Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Phần lớn những người trong số họ, đây là lần đầu tiên tiếp xúc, làm quen và được đào tạo để làm công việc hướng dẫn, phục vụ du khách tới tham quan.

Ông K’Ril, trưởng thôn Cambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) chỉ tay về phía chân đồi, nơi đang có những đoàn khách phương xa dập dìu viếng thăm Samten Hills Dalat cho biết, đó là vùng đất cằn cỗi, bạc màu, lởm chởm sỏi đá và không thể sản xuất được vào mùa khô vì thiếu nước. Trước đây, mỗi khi Tây Nguyên vào mùa chuyển nắng, nguồn nước bị thiếu hụt, trong vùng lại không có ao hồ lớn nên cây trồng gần như không thể sống được, phần lớn bà con phải đi sang những địa phương khác để làm thuê.

Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat.

Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat.

Thật khó có thể tin được nay vùng đất cằn cỗi này đã trở thành điểm nhấn không chỉ của địa phương mà còn vươn xa, mang tầm cỡ khu vực. Sự xuất hiện của Samten Hills Dalat đang góp phần làm thay đổi diện mạo, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, giúp bà con từng bước chuyển đổi nền kinh tế thuần nông sang các dịch vụ khác có thu nhập cao và ổn định hơn. Giá trị đất quanh khu vực dự án cũng tăng hơn so với trước đây do nhu cầu mua tăng cao để kinh doanh các dịch vụ liên quan tới ăn uống, phục vụ du khách.

Bình minh lên trên Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat.

Bình minh lên trên Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat.

Theo ông K’Ril, Cambute là thôn giãn dân của xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, nơi đây đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 98% với 181 hộ, khoảng 1.300 nhân khẩu, toàn thôn hiện chỉ có 3 hộ người Kinh sinh sống. Hàng chục năm qua, hầu hết người dân trong thôn sinh sống dựa vào nghề sản xuất nông nghiệp, trồng rau, củ quả… Do thiếu hụt nguồn nước tưới vào mùa khô nên năng suất cây trồng không cao, thu nhập chưa ổn định. Cuộc sống của nhiều gia đình trong thôn còn gặp khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Vài năm gần đây, một số doanh nghiệp đã tới vùng đất khó này triển khai có hiệu quả các dự án, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, trong đó phải kể đến Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Kim Phát.

Samten Hills Dalat ấn tượng với nhiều công trình kiến trúc Phật giáo Kim Cương thừa.

Samten Hills Dalat ấn tượng với nhiều công trình kiến trúc Phật giáo Kim Cương thừa.

Những lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương được tuyển dụng vào làm việc cho doanh nghiệp theo hai dạng, hợp đồng dài hạn và lao động theo thời vụ. Tùy vào khả năng, trình độ, lứa tuổi… của từng người mà Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Kim Phát sẽ bố trí những công việc phù hợp. Đó có thể là đón tiếp, hướng dẫn du khách, dọn dẹp vệ sinh, trồng và bảo vệ rừng… trong khuôn viên của dự án. Với nhiều lao động, lâu nay quen công việc làm nông nặng nhọc, bây giờ chuyển sang làm dịch vụ, có phần còn bỡ ngỡ. Thế nhưng, nhờ được công ty đào tạo, thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, đa phần người lao động nay đã thích nghi được với công việc mới.

Theo ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, một số doanh nghiệp lớn tới địa phương đầu tư, triển khai có hiệu quả các dự án đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có các nhà máy chế biến sữa, sản xuất gạch, công ty trồng, chế biến quả mắc ca và đặc biệt là dự án của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Kim Phát. Các doanh nghiệp đã góp phần làm thay đổi nhận thức, lối sống, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số người Churu, K’ho… trên vùng đất khó Cambute. Hiện nay, bà con làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn với mức lương trung bình đạt 7, 8 triệu/tháng, nếu tăng ca có thể hơn 10 triệu đồng/tháng, cao hơn thu nhập bình quân đầu người tại địa phương là 78 triệu đồng/người/năm. Toàn xã Tu Tra, huyện Đơn Dương hiện chỉ còn 28 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo.

Ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

“Từ khi Công ty Kim Phát tới địa phương đầu tư, ngoài tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người, doanh nghiệp còn có những hoạt động xã hội thiết thực, như hỗ trợ người cận nghèo (xã Tu Tra không còn hộ nghèo), tặng sữa cho các trường học, đóng bảo hiểm y tế cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Công ty cũng đã đề xuất tự bỏ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường!..”, ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết.

Mặc dù mới được đưa vào hoạt động nhưng Samten Hills Dalat đã trở thành điểm nhấn đặc biệt trên cao nguyên Lâm Viên. Khu du lịch văn hóa tâm linh này có nhiều công trình kiến trúc độc đáo, mới lạ, được thiết kế, xây dựng theo không gian Phật giáo Kim Cương thừa. Đây là một quần thể được tạo tác bằng những thực hành mỹ thuật cổ xưa từ đôi tay của các họa sư đến từ vùng đất Nepal. Tất cả họa tiết và hình vẽ mang những ý nghĩa sâu xa, huyền bí đang chờ du khách thập phương tới khám phá và chiêm ngưỡng.

Minh Kỳ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/cambute-thuc-giac-tren-vung-dat-kho-i696526/