Camera ghi lại cảnh thiên thạch rơi xuống ngôi nhà ở Canada

Camera chuông cửa của một gia đình đã ghi lại toàn bộ khoảnh khắc thiên thạch lao xuống trước cửa một ngôi nhà ở Canada.

Một buổi chiều bình yên trên Đảo Prince Edward, Canada, bất ngờ trở thành sự kiện đáng nhớ khi một thiên thạch suýt rơi trúng Joe Velaidum. Camera chuông cửa Ring của gia đình đã ghi lại toàn bộ khoảnh khắc thiên thạch lao xuống đúng vị trí mà Velaidum vừa đứng cách đó vài phút.

"Nếu tôi ở đó thêm hai phút nữa, chắc chắn tôi đã bị (thiên thạch) rơi trúng và có thể tử vong", Velaidum nhớ lại sự kiện xảy ra vào tháng 7/2024.
Video ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi khi thiên thạch rơi xuống ngôi nhà ở Canada:

Sau nhiều tháng phân tích trong phòng thí nghiệm, vật thể này được xác nhận là một tảng đá từ không gian và chính thức được đưa vào danh mục trong cơ sở dữ liệu do Hiệp hội Thiên thạch phi lợi nhuận lưu giữ.

Mẫu vật, được đặt tên là "Charlottetown" theo tên thành phố gần đó, trở nên đặc biệt với video đi kèm, được Đại học Alberta công bố vào tuần trước. Cảnh quay rất đáng chú ý vì sự cố được ghi lại ở cự ly rất gần và có cả âm thanh, theo Tiến sĩ Chris Herd, giáo sư khoa học Trái đất và khí quyển tại Đại học Alberta ở Canada.

Theo Tiến sĩ Chris Herd, người thu thập mẫu vật, thiên thạch Charlottetown là một phát hiện đặc biệt không chỉ vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử thiên thạch được xác nhận rơi xuống Đảo Prince Edward, mà còn vì đoạn video có thể cung cấp thông tin quan trọng về đặc tính của thiên thạch.

"Chúng tôi đang phân tích video và âm thanh để tìm hiểu thêm về tốc độ và đặc tính vật lý của tảng đá này", ông Herd chia sẻ, đồng thời giải thích rằng lớp vỏ đen bao phủ thiên thạch là kết quả của việc nó lao xuống bầu khí quyển Trái đất với tốc độ hơn 72.000 km/h.

 Mẫu thiên thạch "Charlottetown" được chụp trong phòng thí nghiệm tại Đại học Alberta. Ảnh: Chris Herd

Mẫu thiên thạch "Charlottetown" được chụp trong phòng thí nghiệm tại Đại học Alberta. Ảnh: Chris Herd

Hệ thống báo cáo thiên thạch trực tuyến của Đại học Alberta nhận được hàng chục báo cáo mỗi tuần, nhưng chưa đến 0,1% trong số đó thực sự là thiên thạch. Sự kiện này vì vậy càng trở nên hiếm hoi và đáng chú ý.

Ban đầu, Velaidum cùng người bạn đời Laura Kelly nghĩ rằng vật thể rơi từ mái nhà hoặc máy bay. Tuy nhiên, cha của Kelly khuyến khích họ thu thập mẫu vật để kiểm tra. Với sự hỗ trợ của nam châm và thiết bị hút bụi, họ đã thu thập được các mảnh nặng 95 gram.

Khi gửi ảnh mẫu vật đến Đại học Alberta, Herd ngay lập tức nhận ra đây là một thiên thạch thực sự. Ông giải thích rằng các thiên thạch như Charlottetown, thuộc loại "chondrite thông thường", thường có nguồn gốc từ các mảnh vỡ của tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.

"Mảnh thiên thạch này đã rơi xuống Trái đất vào lúc 5:02 chiều ngày 25/7", Herd cho biết. "Nó có thể đã trôi dạt trong không gian hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng chục triệu năm trước khi đến đây".

Hiện tại, mẫu thiên thạch Charlottetown đã trở thành một phần của Bộ sưu tập thiên thạch Đại học Alberta, nơi lưu trữ hơn 1.800 mẫu vật. Những tảng đá vũ trụ như thế này mang đến cơ hội hiểu thêm về lịch sử của vũ trụ.

 Vị trí thiên thạch rơi xuống. Ảnh: Chris Herd

Vị trí thiên thạch rơi xuống. Ảnh: Chris Herd

Herd nhấn mạnh rằng thiên thạch là những mẫu vật cổ xưa nhất mà chúng ta có thể chạm tới. Trong khi bề mặt Trái đất không ngừng thay đổi bởi các quá trình địa chất, những thiên thạch này giữ nguyên trạng thái từ thời kỳ sơ khai của Hệ Mặt trời, cách đây 4,5 tỷ năm.

Sự kiện rơi thiên thạch này cũng chứa đựng nhiều trùng hợp kỳ lạ. Không chỉ may mắn thoát nạn, Velaidum – một giáo sư nghiên cứu về ý nghĩa cuộc sống – cũng chia sẻ về sự bao la của vũ trụ. "Chúng tôi thảo luận về việc vũ trụ rộng lớn như thế nào và làm sao sự tồn tại của chúng ta có vẻ nhỏ bé trong bối cảnh đó", ông cho biết.

Dù được phân loại là "thông thường", thiên thạch Charlottetown vẫn mang trong mình câu chuyện độc đáo, minh chứng cho sự kỳ diệu và bí ẩn của vũ trụ.

Ngọc Ánh (theo CNN, Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/camera-ghi-lai-canh-thien-thach-roi-xuong-ngoi-nha-o-canada-post331654.html