Campuchia: Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao báo cáo hoạt động truy quét buôn người thời gian qua

Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Campuchia cùng báo cáo về nỗ lực truy quét hoạt động buôn người diễn ra ở nước này thời gian qua.

Tờ The Khmer Times ngày 29-8 đưa tin giới chức Campuchia đã cùng báo cáo về nỗ lực truy quét hoạt động buôn người thời gian qua, thể hiện quyết tâm trong việc chống lại nạn buôn người đang diễn ra ở nước này.

Bộ Nội vụ Campuchia: 87 cuộc truy quét, giải cứu 865 người

Cụ thể, trong tuyên bố ngày 27-8, ông Sar Kheng - Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chống buôn bán người, nhấn mạnh: “Campuchia sẽ hành động không ngừng chống lại các tổ chức [buôn người] này".

Ông cho biết từ ngày 1-1 đến ngày 20-8, giới chức Campuchia đã thực hiện 87 cuộc truy quét và giải cứu 865 người nước ngoài.

Theo ông Sar Kheng, 17 trường hợp với 60 nghi phạm đã bị đưa ra tòa.

Ông Sar Kheng - Bộ trưởng Nội vụ Campuchia. Ảnh: PHNOM PENH POST

Ông Sar Kheng - Bộ trưởng Nội vụ Campuchia. Ảnh: PHNOM PENH POST

Ông Sar Kheng thông tin rằng các cơ quan đại diện nước ngoài đã yêu cầu chính quyền Campuchia can thiệp và giúp đỡ những công dân của họ bị các tổ chức lừa đảo bắt giữ hoặc buộc phải làm việc trái với mong muốn.

Theo ông Sar Kheng, một số lượng cá nhân cũng đã yêu cầu chính quyền giúp đỡ các nạn nhân thông qua đường dây nóng trong hơn một năm nay. Cảnh sát TP Sihanoukville (tỉnh Preah Sihanouk) ngày 27-8 đã giải cứu sáu người Malaysia sau khi nhận được thông báo từ đường dây nóng, theo Tướng Khieu Sopheak - phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia ngày 28-8.

Mới đây, 25 nạn nhân gồm 6 quốc tịch khác nhau đã được giải cứu ở các tỉnh Preah Sihanouk, Pursat, Svay Rieng và Oddar Meanchey.

“Các nhà chức trách đã thực hiện bảy chiến dịch và 23 nghi phạm đã bị bắt giữ. Các nhà chức trách đang điều tra các trường hợp còn lại và sẽ có hành động thích hợp” - ông Kheng nói.

Ông Sar Kheng cho biết giới chức Campuchia cũng tạo điều kiện thuận lợi để những nạn nhân được tạo điều kiện thuận lợi để hồi hương.

Bộ Ngoại giao Campuchia: Hợp tác chặt với các đại sứ quán nước ngoài

Ngày 28-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia - ông Chum Sounry cho biết trong thời gian 6 tháng qua có bốn đại sứ quán nước ngoài đã yêu cầu chính quyền Phnom Penh can thiệp và giải cứu công dân của nước họ. Nhiều nạn nhân được giải cứu là người Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Pakistan, Philippines và Thái Lan.

Ông nói: “Bộ Ngoại giao luôn giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi để các yêu cầu can thiệp của các cơ quan nước ngoài được đến tay các cơ quan hữu quan để xem xét và can thiệp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia - ông Chum Sounry. Ảnh: KHMER TIMES

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia - ông Chum Sounry. Ảnh: KHMER TIMES

Ông nói thêm rằng Bộ cũng đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Campuchia để cải thiện cơ chế tiếp nhận khiếu nại, yêu cầu can thiệp và xử lý khiếu nại của những người bị nghi là nạn nhân của buôn bán người.

Campuchia cảnh báo người dân về nạn buôn bán người

Theo giới chức điều tra của Campuchia, một số lượng lớn người nước ngoài đã bị các tổ chức tội phạm lừa đảo và bán sang nước ngoài. Người nước ngoài trở thành con mồi cho những lời hứa về công việc lương cao.

Theo ông Sar Kheng: “Những kẻ lừa đảo có thể đóng vai là nhân viên ngân hàng, người đòi nợ hoặc nhà đầu tư với những lời đề nghị được tạo ra để lấy cắp thông tin tài chính của các con mồi”.

Ông cũng cho biết nhiều người đã tham gia đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp và trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Những người này có thể bị bán hoặc chuyển từ công ty này sang công ty khác hoặc từ nhóm này sang nhóm khác.

Ông bày tỏ sự biết ơn và hoan nghênh những thông tin do các cá nhân và cơ quan đại diện nước ngoài tại Campuchia cung cấp trong thời gian qua liên quan các vụ việc nêu trên.

Ông cũng kêu gọi “người dân trong nước và quốc tế, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Campuchia và các cơ quan có thẩm quyền của các nước liên quan tiếp tục hợp tác cung cấp thông tin về tình hình buôn bán người và các tội phạm xuyên quốc gia khác nhằm ngăn chặn và trấn áp kịp thời, hiệu quả”.

Ông Soeng Senkaruna, phát ngôn viên của Hiệp hội Nhân quyền và Phát triển Campuchia (ADHOC), cho biết ông ủng hộ các cuộc đàn áp các vụ buôn người.

“Từ trước đến nay, cơ quan chức năng luôn giữ bí mật thông tin và không muốn tiết lộ sự thật. Từ hôm nay, các cơ quan chức năng phải tăng cường hợp tác chống buôn người và lừa đảo trực tuyến để duy trì trật tự, an toàn công cộng, an ninh xã hội và tạo niềm tin cho các nhà tuyển dụng đầu tư vào Campuchia” - ông nhấn mạnh.

“Cộng đồng quốc tế đang theo dõi việc thực thi luật pháp ở Campuchia, và nếu chúng tôi không có hành động nghiêm khắc thì sẽ có vấn đề pháp lý đối với Campuchia. Đặc biệt, phương Tây sẽ xếp Campuchia là quốc gia thực thi pháp luật kém” - ông Senkaruna nói thêm.

KHÁNH NHƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/campuchia-bo-noi-vu-bo-ngoai-giao-bao-cao-hoat-dong-truy-quet-buon-nguoi-thoi-gian-qua-post696088.html