Campuchia đẩy mạnh chống đô la hóa nền kinh tế (Phần 2)

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong thập niên qua, tỷ lệ đồng USD trong lưu thông tiền tệ tại Campuchia đạt khoảng 90%.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Những giới hạn trong chính sách tiền tệ
Quá trình đô la hóa tại Campuchia diễn ra ngoài kế hoạch và ngẫu nhiên. Trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, lòng tin của người dân vào đồng riel rơi xuống mức thấp nhất.
Lịch sử cho thấy đồng riel được phát hành sau khi Campuchia giành độc lập từ tay thực dân Pháp năm 1953, nhưng việc sử dụng đồng tiền này chấm dứt năm 1975 dưới chế độ Pol Pot. Đồng riel được lưu thông trở lại vào ngày 20/3/1980, song sau đó phải trải qua nhiều năm bấp bênh.
Khi Cơ quan chuyển giao quyền lực của Liên hợp quốc vào Campuchia năm 1992, một lượng kỷ lục đầu tư và viện trợ nước ngoài được rót vào nước này đã khiến đồng riel bị “sốc” và NBC lúc đó không thể làm gì để cứu vãn tình thế.
Đồng USD từ lúc này trở thành đồng tiền có giá trị và dễ dàng giao dịch ở Campuchia và càng thuận lợi hơn vào năm 1995 khi Campuchia chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.
Trong báo cáo công bố giữa năm 2019, WB cho rằng trước đó rất lâu, đồng USD đã thay thế đồng riel như là đồng tiền quan trọng nhất tại Campuchia.
Kinh tế vĩ mô bất ổn trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đã làm đồng riel giảm giá nhanh, khiến người dân Campuchia thay thế nguồn dự trữ bằng các đồng tiền khác. Đồng USD đã trở thành một đơn vị tính để xác định giá cả và lương (đô la hóa thực tế) và giá trị trao đổi (đô la hóa giao dịch).
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong thập niên qua, tỷ lệ đồng USD trong lưu thông tiền tệ tại Campuchia đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, các tính toán mới đây cho thấy con số này đã giảm xuống còn khoảng 80%, chủ yếu do nhiều biện pháp mà NBC áp dụng.
Tháng 5/2020, Công ty Investors Service Inc thuộc hãng Moody’s, sau khi xem xét quá trình ổn định giá cả và tỷ giá hối đoái nhằm chống đô la hóa ở cấp độ cao của NBC, cho rằng vai trò họ nhận thấy vai trò của NBC trong việc thực hiện chính sách tiền tệ còn hạn chế.
Những thách thức trong việc giảm tăng trưởng tín dụng và rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản đã đan xen vào nhau do việc giám sát hệ thống ngân hàng đòi hỏi nhiều khả năng hơn. Và chính điều này làm hạn chế hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Gia tăng trao đổi bằng đồng riel
Tuy vậy, việc lưu thông đồng riel đã tăng gấp nhiều lần trong những năm trở lại đây khi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào mạnh và dự trữ ngoại hối tăng giúp đồng riel ổn định.
Theo cập nhật kinh tế mới nhất của WB, trong thời gian từ tháng 1-11/2019, NBC đã cung ứng 3.400 tỷ riel (tương đương 838 triệu USD) cho các ngân hàng thương mại, tăng gần 4 lần so với năm 2018 thông qua cơ chế LPCO.
Vào ngày 31/12/2019, FDI và bơm đồng riel vào hệ thống ngân hàng đã giúp NBC đạt dự trữ ngoại hối 18,8 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương giá trị nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Campuchia trong bảy tháng.
WB ghi nhận rằng nỗ lực tăng sử dụng đồng riel đã mang lại kết quả. Lưu thông đồng riel năm 2019 đã tăng 31,3%, so với mức tăng 11,5% năm 2018, trong khi tỷ giá giữa đồng riel với đồng USD vẫn ổn định từ lâu nay ở mức 4.050 riel đổi 1 USD theo cơ chế quản lý tỷ giá không neo chặt cũng không thả nổi hoàn toàn.
Cũng theo WB, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số áp lực lên tỷ giá hối đoái đã được báo trước vì nguồn vốn đổ vào Campuchia ít hơn khi nguồn thu ngoại tệ từ du lịch và xuất khẩu cũng sụt giảm.
Trong bối cảnh này, NBC đã thận trọng tiến hành các biện pháp bình ổn tỷ giá hối đoái trên thị trường. Nguồn ngoại tệ vào Campuchia giảm, đồng riel có thể giảm giá so với đồng USD.
Thách thức tiềm ẩn
Thực tế ghi nhận rằng chống đô la hóa nền kinh tế đang có những bước tiến tích cực. Trong quá khứ, các nước như Israel, Ba Lan, Mexico, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc đưa kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD.
Để làm được như vậy, Campuchia sẽ cần chuẩn bị đối phó với một số sự cố có thể xảy ra đối với nền kinh tế như lạm phát gia tăng do nhu cầu đồng riel trên thị trường ở mức cao. Theo ông Kimlong, mặc dù đồng riel mạnh có lợi cho các ngành sản xuất trong nước, song có thể đẩy lạm phát tăng ít nhất là trong ngắn và trung hạn.
Đối với FDI, nguồn vốn từ nước ngoài cũng cần được kiểm soát vì các nước đầu tư có thể sử dụng đồng USD mạnh để có lợi thế so với đồng riel yếu. Điều này dự kiến cũng diễn ra tương tự đối với các khoản cho vay khi các chủ nợ và các nước chủ nợ được hưởng lợi về tỷ giá.
Đối với trường hợp Campuchia, đồng riel yếu có thể tác động tới người đi vay khi thanh toán khoản vay và lãi suất, cũng như thuế đối với các khoản cho vay đều được quy đổi từ đồng riel sang đồng USD.
Trong khi đó, ông Sovannroeun lo ngại các biện pháp của NBC có thể gây tác động tiêu cực. Ông cho rằng cần thiết có các biện pháp để đảm bảo đồng USD mệnh giá nhỏ không bị từ chối hoặc mất giá trong giao dịch. Thêm vào đó, Campuchia cần khuyến khích dịch vụ tiện ích hơn để đổi đồng USD và đồng riel với tỷ giá phù hợp dành cho đồng USD mệnh giá nhỏ./.

Trang Nhung (TTXVN tại Phnom Penh)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/campuchia-day-manh-chong-do-la-hoa-nen-kinh-te-phan-2/161510.html