Campuchia hạn chế đi lại giữa các tỉnh để phòng chống dịch COVID-19

Ngày 9/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ban hành lệnh hạn chế đi lại liên tỉnh trên toàn quốc, nhất là giữa thủ đô Phnom Penh đến các tỉnh và ngược lại. Quyết định hạn chế đi lại bắt đầu có hiệu lực từ 0h ngày 10/4 đến 24h ngày 16/4 tới nhằm ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, một số hoạt động vận chuyển vẫn được phép thực hiện bao gồm: vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy và đường sắt; phương tiện của lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức; xe cứu thương nhà nước và tư nhân; xe cứu hỏa và xe chở rác thải.

Đến nay, Campuchia ghi nhận 117 ca mắc COVID-19 và may mắn chưa có trường hợp tử vong nào.

Tại Singapore, Bộ Y tế nước này cùng ngày xác nhận thêm 287 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mắc trong một ngày cao nhất tại Singapore kể từ khi dịch bệnh bùng phát tháng 1/2020, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 1.910 ca.

Theo thông báo, hơn 200 ca mắc mới có liên quan đến các ổ dịch tại những khu nhà ở của lao động nước ngoài. Singapore đã cách ly hàng nghìn lao động tại các khu nhà ở sau khi họ có liên quan đến một số ca mắc COVID-19. Đến nay, nước này đã xác nhận 6 ca tử vong do COVID-19. Nhà chức trách đang tiến hành điều tra làm rõ trường hợp tử vong thứ 7 cũng bị nhiễm căn bệnh chết người này, song có nhiều yếu tố phức tạp khác.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn số liệu được Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 (CCSA) công bố cho thấy, tính đến thời điểm này, Thái Lan xác nhận 2.423 ca nhiễm và 32 ca tử vong. Nước này cũng đã chữa khỏi cho 940 bệnh nhân COVID-19. Trong số các ca nhiễm đã được công bố, có 80 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 50 nhân viên y tế bị lây nhiễm tại các bệnh viện, 18 nhân viên y tế bị lây nhiễm trong cộng đồng và 12 trường hợp đang được điều tra.

Bangkok hiện vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất Thái Lan, với 1.242 ca trong tổng số 2.423 ca được ghi nhận. Các địa phương có số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên 100 ca khác là Phuket (161), Nonthaburi (142) và Samut (103).

Theo người phát ngôn CCSA Thaweesin Visanuyothin, Thái Lan vẫn phải thận trọng trong việc đưa công dân hồi hương, bởi có những ca bệnh là người Thái Lan từ nước ngoài trở về. Ông Thaweesin cho biết Chính phủ Thái Lan vẫn chưa thay đổi thời gian giới nghiêm từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau, nhưng sẽ xem xét các tình huống đặc biệt, trong đó có việc triển khai nhân viên an ninh và các lực lượng khác để hỗ trợ phòng dịch.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan cho biết nước này không triển khai xét nghiệm trên diện rộng vì việc này không tối ưu hóa chi phí, thay vào đó các chương trình xét nghiệm trọng tâm sẽ đủ để kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19. Kể từ đầu mùa dịch, Thái Lan đã xét nghiệm 79.860 người với tỷ lệ 1.079/1 triệu dân. Năng lực xét nghiệm của nước này là 20.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.

Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/campuchia-han-che-di-lai-giua-cac-tinh-de-phong-chong-dich-covid19-20200409200018692.htm