Campuchia - Hoa đào và núi lửa

Nhớ về thời điểm cuối năm 1980, tôi và 2 đồng nghiệp được điều sang làm chuyên gia giúp Thông tấn xã Campuchia.

Theo con đường bộ từ cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) sang đường quốc lộ số I của nước bạn để lên Thủ đô Phnôm Pênh. Càng vào sâu nội địa, chúng tôi càng ngạc nhiên nhận thấy những hiểu biết qua sách vở về đất nước này khác xa với những điều thực mục.

Vừa qua khỏi biên giới đã hiện ra những cánh đồng trống trơn một màu bạc phếch vì bỏ hoang khô hạn. Những cây thốt nốt gầy guộc với những tàu lá xơ xác. Xa xa, dăm ba ngôi nhà sàn thấp tè, bé tẹo khuất nẻo như đang lẩn núp dưới những lùm cây úa tàn, vàng vọt. Họa hoằn mới gặp ít người cởi trần ngồi trên vài chiếc xe bò kéo mà bò thì gầy trơ xương, con người cũng khẳng khiu không kém.

Vào đến Thủ đô Phnôm Pênh, gặp cây cầu Chrôi Chằng-va bắc qua sông Tôn-lê-sáp ngã sập xuống dòng nước như người đuối hơi đang quỳ sụp, cố ngoi lên bờ thều thào kêu cứu - Cây cầu là hệ quả cuộc nội chiến tang thương mà người dân gọi tắt là “cầu Sập"…

Chao ôi, đất nước của đế chế Khơ-me lẫy lừng, đất nước của các bậc tiền nhân đã làm nên kỳ quan Ang-ko Vát nổi tiếng đồ sộ, tinh vi nhất thế giới thời tiền công nghiệp đây ư?! Ồ, không, tôi nghĩ ra rồi. Đây là hậu quả của nạn diệt chủng, là tàn tích của chế độ Pol Pot vốn bị loài người coi là “quái thai”.

Cảm thông với nước láng giềng phải trải qua một giai đoạn tan hoang, chết chóc, nơi thế giới gọi là “Killing Field” - Cánh đồng chết! … Cả vùng này là quân khu miền Đông của bọn Pol Pot, chuyên dùng vào việc phục kích, tập kết lực lượng tấn công nước láng giềng Việt Nam và là nơi tàn sát những người Campuchia không nghe theo chúng.

Một số đồng nghiệp sang Campuchia theo đoàn quân tình nguyện kể rằng, trên đường đi, họ bắt gặp hàng chục hố chôn người tập thể do bọn Pol Pot gây ra. Có nhiều giếng khi múc nước uống, giếng cạn lộ ra cả chục bộ hài cốt. Phải thôi, bọn Pol Pot đã giết hại tới 2 triệu người Campuchia vô tội cơ mà. Từ đó, suốt 5 năm làm chuyên gia cho nước bạn, chẳng mấy khi tôi quên được những ấn tượng này!...

Đầu thập niên 1990, tôi lại được điều sang Campuchia nhưng làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam. Dọc đường từ sân bay quốc tế Pôchentông vào nội đô Phnôm Pênh tôi căng mắt nhìn không biết chán những đổi thay khó ngờ. Hàng cây bằng lăng hoa tím vun vút lùi xa, đó đây loáng thoáng đã có những building cao ốc mọc lên.

Tôi nhờ những người ra đón vòng xe chạy qua đường Hoàng Cung để sớm được ngắm lại cảnh xưa. Quảng trường Chaktomouk trên bờ Sông Bốn Mặt trước Hoàng Cung được chăm sóc bóng lọng. Từng dàn hoa ti-gôn rực thắm sắc hồng gió đùa phơi phới. Điện Chăm-ca-môn sừng sững uy nghiêm. Chùa U-na-lom, Trung tâm Phật giáo Campuchia nhộn nhịp các nhà tu hành, con hương phật tử…

Một hôm, một phóng viên mới đến từ Iceland (xin không nêu tên) tới thăm tôi. Anh mặc chiếc áo phông trắng có in cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ, miệng cười tươi, chào câu tiếng Việt làm tôi phì cười: "Sắp về “xem” vợ hả ?” (chắc anh chuyển ngữ động từ “to see” tiếng Anh thành “xem” ?). Tôi cùng cười vui với anh và cảm ơn vì đã yêu quý Việt Nam, yêu quý Bác Hồ.

Chuyện trò ít lâu, anh bạn hỏi tôi, đại ý là: Hình như người Campuchia chỉ nặng về vui chơi, nhảy múa vì tháng nào cũng có lễ hội? Tôi bảo anh hãy đi với tôi để tìm câu trả lời.

Tôi mời anh ngồi cùng xe đi ra ngoại thành. Lúc này trời nắng chang chang, không khí nóng như đổ lửa, nhưng những cánh đồng bất tận ở ngoại ô vẫn có hàng trăm, hàng ngàn nông dân cặm cụi cày, bừa và người trồng cấy, gieo hạt, bón phân, tưới nước. Tôi nháy mắt, chỉ ra những cánh đồng và bảo anh bạn: Trông thấy “vũ điệu” kia chưa?…

Từng đoàn ô tô, xe máy, xe đạp, xe bò, xe kéo mooc, có cả xe bọc thép… đi ngược chiều hoặc cùng chiều. Đó là những xe chở hàng, chở vật liệu xây dựng, chở công nhân đến công trường, công xưởng, chở học sinh, sinh viên đi dã ngoại và xe chở quân đội đi luyện tập, chở nam thanh nữ tú đi hội, lễ chùa.

Vào vùng nông thôn, thỉnh thoảng lại gặp những ngôi nhà không to, nhưng trước nhà đỗ các xe ô tô các hãng như Toyota, Mitsubishi, Hyundai, Peugeot, Ford… Tôi chỉ cho anh bạn và hỏi Campuchia giờ đây còn là “cánh đồng chết” như phương Tây vẫn gọi thời Pol Pot nữa không?”. Anh bạn cười lớn: "Cánh đồng sống… rất nhiều phụ nữ đẹp!”.

Tuy vậy, anh vẫn không rời được ý nghĩ Campuchia có nhiều lễ hội và ham nhảy múa. Tôi nhắc anh câu nổi tiếng của một triết gia phương Tây “Vui chơi, lao động, chiến đấu là 3 thành tố biểu thị sức mạnh của một dân tộc”.

Tôi kể những thực tế hiển nhiên, anh bạn gật đầu lia lịa: Khi sang giúp Campuchia, Việt Nam cũng đang rất khó khăn, nhưng vẫn phải đưa sang đây những cán bộ ưu tú làm chuyên gia, những đơn vị quân đội dũng mãnh, chở sang vũ khí, xe cộ, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vải vóc, giấy vở cho trẻ em…

Khi quân đội, chuyên gia Việt Nam đã rút hết về nước nhưng chế độ của Nhà nước Campuchia do Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) lãnh đạo đã tự bảo vệ mình, đã chiến thắng vang dội trước lực lượng thù địch và các đảng chính trị đối lập. Đó là chiến thắng của những người Campuchia chân chính, của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam. Anh bạn thán phục: "Hình mẫu này, thế giới chỉ có một!”.

Tôi nhấn mạnh với người bạn: "Vui chơi, nhảy múa là nét đẹp văn hóa, sự lạc quan yêu đời, sự tự tin của người Campuchia. Đừng thấy hoa đào nở trên miệng núi lửa mà quên sức nóng ghê gớm trong lòng nó”!.

Bút ký của Nguyễn Văn Chữ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82574/campuchia---hoa-dao-va-nui-lua.html