Campuchia hoan nghênh nối lại tiến trình đàm phán COC
Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cho biết nước này hoan nghênh việc nối lại tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn cho biết nước này hoan nghênh việc nối lại tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vì nó phản ánh các cam kết của ASEAN và Trung Quốc trong việc duy trì sự ổn định ở khu vực bằng những cách khác nhau theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo báo Bưu điện PhnomPenh, trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến, ông Sokhonn đã nêu bật những đóng góp của ARF trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết và hợp tác khu vực cũng như quốc tế để ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Ông cũng cho biết ARF có thể hỗ trợ việc nối lại đối thoại liên Triều thông qua việc tăng cường lòng tin giữa hai miền.
Trước đó, ngày 8/8, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó kêu gọi duy trì an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông, thúc đẩy đàm phán nhắm sớm ký kết COC.
Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, và theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Hội nghị ghi nhận những tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về COC bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 đầy thách thức, trong đó có việc nối lại đàm phán Văn bản Dự thảo Đàm phán Duy nhất (SDNT) dẫn đến một thỏa thuận tạm thời về Phần Mở đầu sau khi bị chậm trễ do đại dịch, và mong muốn sớm đúc kết một COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.